Aa

Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ: Liệu có tiềm ẩn rủi ro mới?

Thứ Hai, 13/07/2020 - 13:49

Dù không đủ khả năng tiếp cận, phân tích thông tin doanh nghiệp nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân đang dồn tiền đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ theo Nghị định 163/2018/NĐ-CP để hưởng lãi suất cao.


Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020 (đều có hiệu lực từ 1/1/2021) chỉ hạn chế đối tượng mua và chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm ngăn chặn tiềm ẩn rủi ro.

Để huy động vốn, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu. Ảnh: Hải Linh

Có nên không quản được thì cấm

Để TPDN trở thành kênh huy động vốn trung dài hạn quan trọng, hạn chế việc doanh nghiệp quá phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng đòi hỏi Nhà nước phải tìm cách quản lý thị trường TPDN phát triển lành mạnh, chứ không phải tìm cách hạn chế. Tại các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… để phát hành trái phiếu bắt buộc các doanh nghiệp phải được định hạng bởi một tổ chức định mức tín nhiệm được cấp phép. Nhà đầu tư tổ chức hay cá nhân bất kỳ đều có thể căn cứ mức định hạng đó để lựa chọn quyết định đầu tư hợp lý. Tại sao nước ta không theo thông lệ quốc tế ấy? Từ năm 2014, Chính phủ đã có Nghị định 88/2014/NĐ-CP quy định khung pháp lý hình thành công ty định mức tín nhiệm để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng 6 năm qua, Nghị định này dường như bị lãng quên.

Điều đáng lưu ý, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP mà Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ sắp tới quy định mức lãi suất TPDN riêng lẻ tối đa là 20%/năm. Rõ ràng, doanh nghiệp có quyền lạm dụng huy động vốn trái phiếu riêng lẻ lãi suất cao để hút vốn tiết kiệm của cá nhân từ kênh tiền gửi ngân hàng chuyển sang.

Từ tháng 11/2019 đến nay, Bộ Tài chính đã 3 lần cảnh báo tiềm ẩn rủi ro đối với nhà đầu tư cá nhân khi đầu tư TPDN phát hành riêng lẻ với lãi suất cao. Nguyên nhân dẫn tới rủi ro là quy định bất cập tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ. Nghị định này không quy định bắt buộc doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải định hạng tín nhiệm. Nhà đầu tư chỉ có cơ sở duy nhất để đánh giá chất lượng trái phiếu là báo cáo tài chính đã kiểm toán của doanh nghiệp nhưng Nghị định lại không quy định doanh nghiệp phải công khai báo cáo tài chính qua thông tin đại chúng hoặc internet.

Nghị định 163/2018/NĐ-CP cũng không quy định khống chế khối lượng trái phiếu và lãi suất trái phiếu tối đa mà doanh nghiệp được phép phát hành. Đây là lỗ hổng để doanh nghiệp lạm dụng chia khối lượng phát hành thành nhiều đợt với nhiều mã trái phiếu khác nhau để huy động vốn trái phiếu đến gấp hàng chục, thậm chí gấp cả trăm lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Để phát hành thành công khối lượng lớn trái phiếu, các doanh nghiệp dùng chiêu áp mức lãi suất trái phiếu rất cao để đánh vào lòng tham và thông qua hệ thống tư vấn chuyên nghiệp là ngân hàng, công ty chứng khoán chèo kéo khách hàng cá nhân.

“Thị trường trái phiếu riêng lẻ đang nóng nên các công ty chứng khoán và ngân hàng đều chuyển mạnh sang mảng tư vấn cho khách hàng cá nhân mua TPDN” - chị T, nhân viên môi giới tại công ty chứng khoán của một ngân hàng cho biết. Cũng theo người này, ngoài phần lãi trái phiếu có mức cao gấp 1,5 - 2 lần lãi sất tiết kiệm, doanh nghiệp còn dành cho người mua trái phiếu nhiều món quà tặng giá trị cao, đặc biệt bên tư vấn cũng nhận được khoản hoa hồng khá hậu hĩnh từ doanh nghiệp. Rõ ràng, với cách thức này, trái phiếu riêng lẻ đang trở thành ma lực cuốn hút không ít nhà đầu tư cá nhân.

Không cần phân tích thêm cũng đã rõ lý do TPDN phát hành riêng lẻ sẽ tiềm ẩn rủi ro cao với nhà đầu tư cá nhân. Điều đáng nói ở đây, lỗi gây rủi ro là bất cập trong quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP chứ không phải lỗi từ cá nhân nhà đầu tư. Vậy thì cơ quan quản lý phải sớm sửa đổi Nghị định này chứ sao lại tước đoạt quyền đầu tư TPDN riêng lẻ đối với nhà đầu tư chưa phải nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp?

Dĩ nhiên, giờ đây “đinh đã đóng cột”, cả Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020 (đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) chỉ giới hạn đối tượng được mua và chuyển nhượng TPDN phát hành riêng lẻ là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Như vậy, các nhà đầu tư chưa là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ mất quyền đầu tư TPDN riêng lẻ. “Không quản được thì cấm” âu cũng là cách hành xử thường gặp để ngăn chặn tiềm ẩn rủi ro của cơ quan quản lý.

Sẽ xuất hiện nhà đầu tư “ma”

Giải thích với đại biểu Quốc hội trước khi thông qua Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư cũng như sự lạm dụng của doanh nghiệp, pháp luật thường hạn chế đối tượng mua và chuyển nhượng TPDN riêng lẻ là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Quy định này không ảnh hưởng đến quyền của nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp có thể ủy thác đầu tư trái phiếu riêng lẻ thông qua nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Dịch vụ ủy thác đầu tư chứng khoán đã xuất hiện trên thị trường chứng khoán nước ta từ những năm 2007 - 2008 và ngày càng bùng nổ. Dường như nó đang là nơi mô tả lòng tham, cả tin, hạn chế hiểu biết pháp luật của không ít cá nhân, nhóm nhà đầu tư và đây cũng là mảnh đất màu mỡ dung dưỡng hành vi căng bẩy lừa lọc của một số cá nhân. Ủy thác đầu tư chứng khoán dù có hợp đồng pháp lý hay pháp lý không rõ ràng đều dựa trên cơ sở là niềm tin của bên ủy thác (nhà đầu tư) với bên nhận ủy thác. Đương nhiên đã là niềm tin rất dễ bị lợi dụng mà người gánh hậu quả rủi ro chính là nhà đầu tư.

Câu chuyện cá nhân mạo danh doanh nghiệp tổ chức huy động vốn ủy thác đầu tư, cá nhân thu tiền rồi doanh nghiệp xác nhận là không hiếm. Vụ nhóm 51 nhà đầu tư tố cáo ông Phan Hoàng Nam - Giám đốc, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Nobel Global về thiệt hại do ủy thác đầu tư chứng khoán vào tháng 2 vừa rồi là một ví dụ. Nhóm nhà đầu tư này đã ủy thác đầu tư chứng khoán phái sinh cho ông Phan Hoàng Nam số tiền gần 72 tỷ đồng nhưng thiệt hại đến 53 tỷ đồng. Vụ này ông Nam trực tiếp thu tiền vào tài khoản cá nhân nhưng công ty do ông đại diện pháp luật xác nhận để tạo niềm tin cho bên ủy thác.

Ủy thác đầu tư chứng khoán là dịch vụ kinh doanh có điều kiện (vốn pháp định 10 tỷ đồng) chỉ một số định chế tài chính được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép. Nhưng trên thực tế, không chỉ các tổ chức chưa đáp ứng điều kiện mà ngày càng xuất hiện nhiều cá nhân/nhóm cá nhân tay ngang tổ chức nhận ủy thác đầu tư chứng khoán ngoài vòng kiểm soát, tiềm ẩn rủi ro cao. Mặt trận kiểm soát này dường như đang bị các cơ quan quản lý chức năng bỏ ngỏ.

Theo cách giải thích nói trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ 1/1/2021 nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp có thể ủy thác đầu tư trái phiếu riêng lẻ thông qua nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được Luật Chứng khoán quy định bao gồm một số tổ chức, cá nhân. Trong đó nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân gồm: Người có giấy phép hành nghề chứng khoán; cá nhân có danh mục đầu tư chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch tối thiểu 2 tỷ đồng; cá nhân có thu nhập đầu tư chứng khoán chịu thuế năm gần nhất tối thiểu 1 tỷ đồng. Với quy định này chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dạng “ma” sẽ xuất hiện với tư cách người nhận ủy thác vốn đầu tư TPDN riêng lẻ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top