Aa

Trái phiếu xanh: Góc nhìn của chuyên gia

Chủ Nhật, 14/04/2019 - 06:01

Trước khi có thể phát huy hết tiềm năng của trái phiếu xanh tại Việt Nam, chúng ta vẫn còn cần vượt qua một số rào cản.

Như Reatimes đã đăng tải đến với bạn đọc, trái phiếu xanh là một giải pháp thu hút vốn có triển vọng với Việt Nam hiện nay vì đảm bảo được cả hai tiêu chí phát triển và bảo vệ môi trường.
Tuy vậy, việc phát hành, bảo hiểm, và trao đổi trái phiếu xanh có tổ chức đã tồn tại trên thế giới được hơn một thập kỷ, nhưng Việt Nam vẫn chưa thể tham gia thị trường quốc tế này giống như các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Philippines, và Indonesia. Chúng ta còn có quá nhiều câu hỏi cần được đặt ra và giải đáp.
 
Để trả lời một số thắc mắc của nhà đầu tư và các tổ chức tài chính về trái phiếu xanh nói chung và thị trường trái phiếu xanh Việt Nam nói riêng, Reatimes đã có cuộc phỏng vấn luật sư Giles T. Cooper, đồng Giám đốc Công ty Luật Duane Morris Việt Nam trực thuộc tập đoàn quốc tế Duane Morris. Ông Giles T. Cooper đã có hơn mười năm kinh nghiệm trợ giúp pháp lý cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Ông Giles T. Cooper

Ông Giles T. Cooper

Tại Việt Nam và các quốc gia đang phát triển khác hiện tồn tại nhiều dự án xây dựng, sản xuất, kinh doanh không thực hiện đúng các cam kết bảo vệ môi trường.

Chính quyền các địa phương phần vì không có quyền hạn và chế tài xử phạt, phần vì lo ngại khả năng vuột mất các dự án nên không thể giải quyết hiệu quả những trường hợp vi phạm này. Trái phiếu xanh có thể tăng áp lực lên bên tiếp nhận vốn để họ tiến hành các biện pháp bảo vệ môi trường theo một cách nghiêm chỉnh.

PV: Thưa ông, có bất kỳ tổ chức thứ ba nào đứng ra giám sát bên tiếp nhận vốn trong việc thực thi các cam kết về bảo vệ môi trường không? Và trong trường hợp bên tiếp nhận vốn không thực thị hay thực thi sai các cam kết về bảo vệ môi trường thì liệu nhà đầu tư có thể nhờ tới sự can thiệp của luật pháp hay không?

Ông Giles T. Cooper: Bên tiếp nhân vốn bị rằng buộc về việc thực thi đúng các cam kết về bảo vệ môi trường bởi hệ thống văn bản luật pháp Việt Nam và các nghĩa vụ đã được ghi trong hợp đồng với nhà đầu tư.

Nói chung hiện nay, hệ thống luật pháp Việt Nam khá đầy đủ trên phương diện quy định các hành vi làm tổn hại môi trường, cùng với đó là những biện pháp xử phạt tương ứng như phạt tiền, khắc phục vi phạm, hay dừng hoạt động.

Bộ Tài nguyên & Môi trường hiện là cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm thi hành luật pháp. Trên thực tế, việc thi hành luật còn lỏng lẻo; tuy vậy, trong những năm gần đây, các cấp chính quyền đã có những chuyển biến tích cực rõ rệt trong việc đảm bảo các đối tượng chấp hành luật pháp nghiêm chỉnh. Tôi mong rằng sắp tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tiến hành sửa đổi luật để trao thêm quyền cho các cơ quan thi hành pháp luật.

Trong quá trình tiến hành hoạt động, bên tiếp nhận vốn sẽ nằm dưới sự giám sắt chặt chẽ của nhà đầu tư để đảm bảo việc thực thi đúng các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường như đã ghi trong hợp đồng. Nếu bên tiếp nhận vốn không vi phạm các cam kết này thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể tiến hành các biện pháp tương ứng như hợp đồng đã quy định. Trọng tâm của hai bên lúc này sẽ là thực hiện khắc phục các tổn hại mà môi trường đã phải chịu

Cũng giống như mọi thị trường tài chính quốc tế khác, các bên tham gia phát hành, bảo hiểm, trao đổi trái phiếu xanh cũng phải tuân theo một số bộ nguyên tắc, tiêu chuẩn nhất định.

Trong khoảng thời gian cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000, việc đầu tư các dự án có mục tiêu bảo vệ môi trường còn rất manh mún; nhưng sau khi Ngân hàng Thế giới đề ra Khung chiến lược Phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu và một bộ nguyên tắc về trái phiếu xanh, “đầu tư xanh” đột ngột bùng nổ. Nay trái phiếu xanh đã được phát hành bằng hơn 20 đồng nội tệ khác nhau trên thế giới và đạt tổng giá trị 167,3 tỷ USD.

Điều đó cho thấy rõ tác dụng tích cực của một bộ tiêu chuẩn đối với đầu tư. Thị trường trái phiếu xanh Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ; tuy vậy, ngoài lựa chọn được một bộ tiêu chuẩn trái phiếu xanh làm nền tảng xây dựng hệ thống pháp lý, chúng ta còn phải thực hiện một số chính sách khác nếu muốn phát huy hết tiềm năng của thị trường này.

PV: Theo ý kiến của ông thì Việt Nam nên áp dụng bộ tiêu chuẩn phát hành trái phiếu xanh nào? Singapore, Philippines, và Indonesia hiện đang áp dụng Bộ tiêu chuẩn ASEAN về trái phiếu xanh (ASEAN GBS). Liệu đây có phải là hướng đi dành cho Việt Nam thay vì các tiêu chuẩn quốc tế như là Bộ nguyên tắc về Trái phiếu Khí hậu (CBS) và Bộ Tiêu chuẩn Trái phiếu xanh (GBP)?

Ông Giles T. Cooper: ASEAN GBS được xây dựng trên nền tảng của CBS và GBP do Hiệp hội Thị trường đầu tư Quốc tế (ICMA) ban hành, vậy nên chúng ta có thể coi ASEAN GBS là một “phiên bản địa phương” của CBS và GBP. Hiện ASEAN GBS đã được khối ASEAN chấp thuận làm tiêu chuẩn và nhận được sự bảo trợ của Ngân hàng Thế giới lẫn Ủy ban Chứng khoán Mỹ.

Vì lý do kể trên mà ASEAN GBS có tiềm năng rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của trái phiếu xanh tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời lại giảm thiểu rủi ro đối với các nhà đầu tư vốn quen với hai bộ tiêu chuẩn quốc tế là CBS và GBP. Tôi tin rằng ASEAN GBS là sự lựa chọn phù hợp hơn với Việt Nam trong bối cảnh hiện tại.

PV: Ông có dự đoán gì cho việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra một khung khổ pháp lý cho trái phiếu xanh trong tương lai gần? Trong trường hợp này, liệu các tổ chức tài chính sẽ còn gặp phải rào cản pháp lý nào không trước khi có thể tham gia thị trường?

Ông Giles T. Cooper: Hoàn toàn có khả năng là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang trong quá trình xây dựng một khung khổ pháp lý cho trái phiếu xanh, nhưng tôi không tin rằng họ coi việc này là trọng tâm. Tôi cũng không nghĩ rằng có bất kỳ rào cản pháp lý nào khác ngăn cản các tổ chức tài chính của Việt Nam tham gia thị trường trái phiếu xanh.

Hiện Việt Nam đang cần đến khoảng 50 tỷ USD vốn cho xây dựng, chuyển giao công nghệ cho các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường, nên chắc chắn đang có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước mong muốn được tham gia vào thị trường trái phiếu xanh. Vấn đề hiện nay không phải là rào cản pháp lý, mà là tính khả thi trên thực tế. Trong khi các dự án phát triển năng lượng tái tạo có sức thu hút đầu tư rất lớn, nhiều lĩnh vực khác như trồng rừng lại có tiềm năng thu hút vốn và sinh lời thấp hơn rất nhiều. 

Trong thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đang xem xét đến việc thành lập một Tổ chức Tài chính xanh Việt Nam có trách nhiệm tạo điều kiện phát triển cho những nhà đầu tư tham gia cấp vốn cho các dự án bảo vệ môi trường. Tôi nghĩ rằng một cơ quan như thế sẽ là cú đẩy rất lớn về việc tăng cơ hội đầu tư và tính khả thi thực tế trong ngắn hạn hơn là một khung khổ pháp lý “cứng”.

 

PV: Với việc chính phủ Việt Nam vừa mới phê chuẩn một khung hạn mức mới đánh vào điện mặt trời, ông có tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ coi đây là một dấu hiệu cho thấy tiềm năng của thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam?

Ông Giles T. Cooper: Trước hết thì tôi phải nói rõ rằng khung hạn mức này (sẽ được áp dụng từ tháng 6 năm 2019) vẫn chưa phải là văn bản pháp luật. Bản thảo của văn bản này mới chỉ được công bố ra công chúng để lấy ý kiến.

Theo bản thảo sơ bộ này thì tỷ lệ hạn mức giá bán sẽ giảm xuống so với mức hiện nay. Điều này sẽ khiến thị trường bớt phần hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngọai quốc. Tuy vậy, chúng ta phải xem xét khung hạn mức này trong bối cảnh hiện nay. Thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam hiện đang rất cần các chính sách nhất quán và môi trường pháp luật ổn định để tiến hành phát triển, đấy là lý do thứ nhất.

Lý do thứ hai là vì theo góc nhìn của các nhà làm luật, tiềm năng sinh lời của các hợp đồng bán điện hiện nay vẫn còn quá thấp để tạo cú hích cho thị trường điện mặt trời. Việc giảm mức giá để khiến điện mặt trời trở nên hấp dẫn hơn đối với khách hàng cũng sẽ kéo theo tiềm năng sinh lời đi lên, từ đó tiến tới thu hút thêm nhà đầu tư, tạo điều kiện cho các giải pháp thực sự hiệu quả được đi vào triển khai.

***

Trái phiếu xanh không phải là câu trả lời cho mọi vấn đề về phát triển bền vững tại Việt Nam; tuy nhiên, trái phiếu xanh có khả năng là “bàn đạp” cho những sáng kiến, giải pháp phát triển bền vững.

Với trái phiếu xanh, chúng ta không còn phải “cân lên đặt xuống”, lựa chọn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Chúng ta có thể khuyến khích các doanh nghiệp, bộ phận phát thải nhiều nhất trong nền kinh tế, tiến tới tự thực hiện việc giảm thiểu và loại bỏ những tác động tiêu cực lên môi trường mà vẫn đảm bảo mục lợi nhuận của mình; hay là các cộng đồng địa phương sẽ có cơ hội được tham gia vào guồng máy kinh tế và không chỉ tăng thêm thu nhập mà còn tận hưởng chất lượng cuộc sống đi lên… Việt Nam khi mà tự xây dựng được một thị trường trái phiếu xanh chuyên nghiệp sẽ tạo được một bước chuyển mình mới về nền tảng kinh tế - xã hội.

Như ông Giles T. Cooper đã trả lời ở trên, trong số các lĩnh vực có khả năng thu hút dòng vốn từ trái phiếu xanh, những dự án năng lượng tái tạo có độ hấp dẫn nhà đầu tư cao nhất. Một nước phát triển như Việt Nam rất “khát” năng lượng, và nhu cầu của chúng ta đang vượt quá mức tự sản xuất được. Nhận thấy điều này, hàng loạt dự án năng lượng tái tạo đang được triển khai hay đã đi vào hoạt động trên khắp Việt Nam như nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn, nhà máy điện mặt trời Phước Hữu, nhà máy điện gió Phương Mai 1, 2, 3…

Việt Nam hiện áp dụng một khung hạn mức giá mua bán điện mặt trời. Các tỉnh toàn quốc được chia làm ba nhóm khác nhau với từng hạn mức giá khác nhau: Nhóm 1 (28 tỉnh miền Bắc), Nhóm 2 (6 tỉnh miền Trung), và Nhóm 3 (29 tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ). Chính phủ vừa mới có một số động thái thay đổi khung hạn mức này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top