Làm thế nào để có một cách thức phát triển nông nghiệp bền vững, tiết kiệm và hiệu quả? Cái mô hình VAC, cách ứng dụng vòng tuần hoàn tự nhiên giữa vườn, ao, chuồng nuôi của một thời ta áp dụng, có cho ta kinh nghiệm gì trong thời này không nhỉ? Ngồi với mấy người bạn quan tâm đến phát triển nông nghiệp hiện đại, mấy câu hỏi băn khoăn lại được đặt ra.
Tôi bảo: “Có một mô hình trang trại nuôi bò lớn ở Hòa Bình mà tôi mới có dịp đến thăm gần đây, thấy cũng lạ lắm! Nơi ấy xanh tươi, thanh bình, lại sạch sẽ đến không ngờ. Có thể đây chính là một mô hình phát triển mà chúng ta đang bàn chăng?". Mọi người hỏi, thế là tôi kể:
Cái trang trại chăn nuôi đại gia súc này đóng trong một thung lũng giữa rừng núi thôn Yên Mông, xã Trường Yên, thuộc thành phố Hòa Bình. Xe ô tô đi vào qua cái cổng xanh, một dãy nhà nhỏ xinh xắn, nằm dưới bóng cây, là nơi làm việc, điều hành, nghiên cứu, thí nghiệm vi sinh… là đã vào đại nông trại.
Ở khu chế biến thức ăn cho bò, đầu vào là cỏ tươi, cây ngô và rơm mới, được đưa vào dây chuyền xắt nhỏ, rồi chuyển qua trộn thêm ngũ cốc, chất vi lượng và ủ lên men. Một mùi thơm chua thanh dịu lan tỏa như mùi nước dấm bỗng người ta bày bàn cho khách ăn thêm ở các quán bún riêu ốc phố cổ Hà Nội. Quy trình chế biến thức ăn cho bò này tôi đã gặp ở một vài nơi. Nhưng ở đây nó lạ vì có cả rơm mới, cây ngô đã thu hoạch bắp non trộn cùng cỏ tươi mà xung quanh trang trại, tôi không nhìn thấy những đồng cỏ bát ngát như từng thấy ở nhiều trang trại khác
Ở khu sản xuất giá thể, đầu vào là những phụ phẩm từ cây keo, tràm, bạch đàn, tre luồng, được xay nhỏ như mùn cưa, tỏa mùi hương rừng thanh khiết, rồi chuyển qua công đoạn trộn dung dịch chứa vi sinh vật được nuôi cấy với tỉ lệ và bí quyết riêng nào đó. Nguyên liệu đầu vào này là những phế phẩm bỏ đi từ việc thu hoạch gỗ cho nhà máy giấy và tre luồng cung cấp cho các cơ sở làm chiếu tre và các sản phẩm xuất khẩu. Lớp giá thể này sẽ được rải xuống làm lớp đệm êm ái ở nền các chuồng bò.
Ở khu tập trung chăn nuôi chính, đã được quy hoạch để thành đại nông trại đại gia súc, giờ đang có hơn 5000 con bò với đủ các loại, từ bò Úc, bò Mỹ, bò Việt và cả bò Kobe của Nhật. Có bò giống, bò vỗ béo, bò thịt chuẩn bị xuất chuồng. Những con bò đều có bộ lông bóng mướt mát, mắt sáng long lanh, tiếng kêu ò ẹ, hay đôi khi, rống lên đầy thích thú.
Tuyệt nhiên không thấy ruồi muỗi, côn trùng và không có mùi gì nặng nề, khó chịu cả. Tôi đã từng sợ hãi khi ngửi mùi phân, nước đái lưu cữu lẫn mùi mồ hôi bò ở những chuồng bò quê hay cả những nông trại lớn. Thật tinh mũi ra thì vẫn thấy chút mùi thoáng qua của phân bò tươi và nước đái mới thải ra. Phân và nước đái bò chỉ bốc mùi khó chịu khi lưu cữu. Còn cái mùi thoảng lên khi vừa thải ra thì khác, nó như mùi của thay đổi, mùi của chuyển động…
Cái bí quyết hóa giải cái mùi cứt đái bò lưu cữu là nằm ở lớp giá thể. Đây là tấm đệm cho đàn bò sống thoáng sạch và hấp thu phân, nước đái bò thải ra. Những vi sinh vật trong lớp đệm giá thể chuyển hóa phân và nước tiểu bò thành hữu ích. Sau một thời gian, người ta thu lấy để sản xuất phân hữu cơ, cung cấp cho thị trường phân bón đang khát thiếu hiện nay. Nguyên liệu đầu vào là thứ thải bỏ từ lâm nghiệp, thường chỉ đốt đi lấy tro hoặc thải bỏ gây ô nhiễm, nay lại bán được tiền.
Phân và nước đái bò trước đây cũng thường phải ủ hoặc chôn lấp đi. Ở đây, tất cả những thứ bỏ đi ấy lại thành nguyên liệu cho một chu trình hữu dụng khác và là một khác biệt tạo nên chất lượng bò thịt, đồng thời là một bài toán kinh tế đắc địa. Mỗi ngày, nông trại thu được hàng trăm tấn nguyên liệu giá thể đã hấp thụ phân và nước đái bò để chuyển sang nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ với quy trình nghiêm ngặt, có bổ sung các khoáng chất cần thiết khác. Số phân hữu cơ ấy bán đi thu tiền về, đã là một nguồn thu đáng kể của quá trình chăn nuôi đàn bò của trang trại.
Ở ngay bên nông trại, tôi thấy nguời ta đang mở một khu tiếp khách du lịch, sẽ dựng các mô hình văn hóa lúa nước để đón học sinh đến tham quan và tổ chức các kỳ giáo dục thực nghiệm. Một khu resort cũng đang được thiết kế ở đó. Hay thật, làm khu du lịch và xây resort ngay bên đại trang trại chăn nuôi đại gia súc vì nó thật sự trong lành và yên ả. Đây là một điều lạ lẫm, chưa từng có ở ta.
Một khác biệt rất lớn nữa. Đây là một kiểu nông trại lõi, vực nên sức sống của hàng chục ngàn hộ dân xung quanh. Họ trồng cỏ, trồng ngô cho nông trại ở các diện tích tận dụng của vườn nương nhà mình. Điều này giải thích vì sao tôi không thấy các đồng cỏ mênh mông xung quanh trang trại. Các hộ có ruộng trồng lúa, thì khi thu hoạch, nông trại sẽ gặt giúp bằng máy và thu lấy rơm. Tiện nhiều bề, rơm rạ khỏi phải đốt đi.
Nhà nào có điều kiện thì nuôi bò, số lượng tùy theo khả năng, để tận dụng các nguồn thức ăn, có bổ sung thức ăn chế biến của nông trại. Khi bò đủ lớn, nông trại sẽ thu mua, đưa vào quy trình nuôi vỗ béo và để thải loại những yếu tố bất lợi bị hấp thụ do nuôi tự nhiên. Sau một thời gian, con bò được kiểm định, thịt có chất lượng thương phẩm cao, đảm bảo đủ các tiêu chuẩn an toàn để cung cấp cho những hệ thống siêu thị lớn.
Ngoài cái nông trại ở Yên Mông ấy, còn mấy mô hình như thế này đang phát triển ở Canh Nậu, Thạch Thất (Hà Nội), Long Sơn, Thái Hòa (Nghệ An), rồi các nơi, như tại xã Tân Mỹ ở Lạc Sơn, Sủ Ngòi ở Hòa Bình.
Đây là các mô hình chăn nuôi của các công ty con thuộc Công ty cổ phần T&T 159. Chủ tịch T&T 159 là Hà Văn Thắng. Vốn đã được đào tạo chuyên ngành kinh tế nông nghiệp, tốt nghiệp, Thắng về công tác tại Thủy điện Hòa Bình, rồi theo con đường quản lý, thành một cán bộ của Tỉnh đoàn Hòa Bình. Vận hội xoay chuyển, Thắng rẽ sang con đường làm doanh nhân từ năm 2001. Bây giờ Thắng được coi là một CEO kinh tế, được gọi là “Người truyền lửa khởi nghiệp”, nhiều năm là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hòa Bình, Phó Chủ tịch LH các Hội KHKT tỉnh Hòa Bình.
Cái mô hình đại nông trại này đúng là đã thuận theo vòng tuần hoàn tự nhiên, tạo nên sự phát triển bền vững, dựa vào tự nhiên mà bền vững và thật sự là sẽ có tương lai phát triển lớn hơn nữa. Kể qua về mô hình thì đơn giản thế, nhưng để hiện ra được như hiện nay, là bao nhiêu khổ công, nhọc nhằn, bao nhiêu trăn trở tìm tòi và có những bí quyết rất riêng biệt và thú vị.
Nhiều đoàn cán bộ các tỉnh như Hà Tĩnh, Thái Bình đã đến thăm, rất muốn mô hình này được triển khai ở tỉnh mình. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường mới rồi cũng đã đến khảo sát và cho đây là một cứu cánh để đáp ứng nhu cầu phân bón hữu cơ của nông nghiệp Việt Nam và cần đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc theo mô hình này…
Ngay trên xe đưa chúng tôi đi, Hà Văn Thắng đã phải nói chuyện điện thoại khá dài với một cán bộ ở tỉnh Tuyên Quang. Người ta mời anh lên hợp tác, phổ biến, chuyển giao, để mở rộng mô hình của T&T 159 trên đất ấy…
Buổi chiều, Hà Văn Thắng dẫn chúng tôi đi thị sát thủ phủ cam ngọt Cao Phong. Từ đây, nhìn rộng ra cả vùng núi Tây Bắc, sẽ là miền quả ngọt và rau trái chất lượng cao của đất nước. Đấy chính là thị trường và cũng là vùng bao quanh êm ái rất cần cả một hệ thống nông trại lõi trong lành như của T&T 159.
Tôi kể hào hứng với mọi người là với mong muốn cùng chia sẻ để có thể nghiên cứu thêm, hoàn thiện thêm nữa mô hình này để mong nó nhanh lan tỏa ra trong nông nghiệp của đất nước ta.