Hợp tác công tư PPP: Dư địa của doanh nghiệp tư nhân
Hơn 20 năm trước đây, khó ai có thể nghĩ đến viễn cảnh diện mạo của Việt Nam được thay đổi nhanh như bây giờ bởi sự xuất hiện của những sân bay tư nhân, những con đường cao tốc nối dài giữa các tỉnh, những đường vành đai trong thành phố lớn. Dư địa của doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực kiến thiết kết cấu hạ tầng là rất lớn.
Trong bối cảnh nguồn lực eo hẹp, nhu cầu đầu tư ngày càng mở rộng, quỹ ngân sách nhà nước được lập ra chỉ hướng tới các dự án trọng điểm, vì lợi ích quốc gia, công cộng thì có nhiều địa phương vẫn trong tình trạng khát vốn. Sự phát triển của mỗi địa phương đang được đặt ra trong một cuộc đua mạnh mẽ, nhất là ở thời điểm Việt Nam đã và đang thực hiện ký kết nhiều hình thức hợp tác đa phương, mở cửa, hòa nhập với nước ngoài. Kết cấu hạ tầng còn là yếu tố tạo nền tảng phát triển của đất nước và đồng thời là một trong những tiêu chí quan trọng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Khi chủ trương của Nhà nước mở rộng, khuyến khích các kinh tế tư nhân tham gia vào xây dựng đất nước thông qua lĩnh vực kết cấu hạ tầng, sự xuất hiện của hợp tác công tư PPP đã tạo một sân chơi thực sự cho doanh nghiệp. Những năm trở lại đây, hợp đồng BOT và BT đã trở thành hình thức hợp tác chủ chốt tạo động lực cho doanh nghiệp mạnh dạn bước chân tham gia vào công cuộc xây dựng kết cấu hạ tầng.
Hết BOT lại đến BT…
Thế nhưng, đi cùng sự thay đổi của diện mạo đất nước, những lùm xùm liên quan đến hợp đồng BOT và BT ngày một tăng lên. Năm 2017, dư luận bất bình khi xuất hiện nhiều trạm thu phí đặt chưa đúng nơi quy định, dẫn đến những hành động phản ứng có lúc cực đoan.
Những cuộc trao đổi mập mờ, không ngang giá từ các hợp đồng BT để thâu tóm đất vàng cũng tiếp tục thổi bùng lên sự phản đối của dư luận. Một câu hỏi đặt ra tương tự với hợp đồng BOT trong các dự án BT là tại sao chỉ có một doanh nghiệp được chỉ định thầu trở thành nhà đầu tư và tại sao các doanh nghiệp tư nhân lại dễ dàng được “tay không bắt giặc” khi nguồn vốn chủ sở hữu chưa chứng minh được năng lực tài chính hay kinh nghiệm trong xây dựng kết cấu hạ tầng.
Đối với dự án BT, hàng loạt cuộc trao đối tưởng như ngang giá bỗng thành… phá giá.
Có thể kể đến dự án Tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5 do Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng đầu tư. Để hoàn vốn đầu tư dự án BT với tổng mức đầu tư 1,373 tỷ đồng, doanh nghiệp được quyền khai thác quỹ đất tại 3 khu đất trên đại bàn thành phố Hà Nội.
Hay dự án Xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn đến đường vành đai 3 theo hợp đồng BT, do Liên danh Công ty CP Phát triển Nhân lực LOD và Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt đầu tư với kinh phí là 1.404 tỷ đồng. Dự kiến quỹ đất thanh toán cho dự án BT sẽ nằm tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm gồm các ô quy hoạch 3-1, 3-2, 4-1, 4-2 với diện tích khoảng 39,8ha thuộc Quy hoạch phân khu S4.
Trước đó, những vụ thâu tóm đất vàng thông qua dự án BT của Tập đoàn Lã Vọng cũng đã khiến dư luật đặt nhiều dấu hỏi.
Thất thoát của Nhà nước được “vạch mặt chỉ tên” khi những quỹ đất vàng không được định giá theo giá thị trường. Hệ lụy của nó là những “con đường đắt nhất hành tinh” xuất hiện, khi chỉ với một đoạn đường ngắn nhưng đánh đổi là hàng chục, hàng trăm ha đất. Thâm hụt đến từ quá trình trao đổi không ngang giá rồi đến từ các công trình kém chất lượng khi chính nhà đầu tư “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong dự án của chính mình.
Đã thế, việc bàn giao quỹ đất phải thực hiện theo khối lượng nghiệm thu công trình nhưng có vẻ như các nhà đầu tư ngay từ đầu đã nghiễm nhiên cho mình đặc quyền khai thác kinh tế ngay trên quỹ đất được giao.
Lỗi tại anh hay tại ả?
Vốn dĩ hợp đồng BT được sinh ra nhằm thu hút vốn đầu tư từ kinh tế tư nhân để tham gia kiến thiết kết cấu hạ tầng. Nhưng vướng mắc tồn đọng lại chính là hợp đồng BT bị “biến tướng” trở thành quân cờ trong bàn cờ đánh chiếm đất vàng của doanh nghiệp tư nhân. Tính bài toán được mất thì rõ ràng, Nhà nước đang phải đối mặt với tình trạng thất thoát hai chiều.
Thay vì những quỹ đất được đấu giá công khai và chuyển thành khoản tiền dành cho nhà đầu tư thì ở đây, một cuộc “trao tay” đất vàng như “đi ngầm” đã tạo nhiều tồn tại sai phạm. Quá nhiều bất cập xảy ra từ hợp đồng BT phải chăng đến từ lỗ hổng trong quy định của pháp luật liên quan đến loại hình thức đầu tư này? Có hay chăng nên thay thế và tìm kiếm một hình thức đầu tư khác nhằm chặn đứng thất thoát đang xảy ra từ hợp tác BT.
Mới đây, để giải quyết những bức xúc của dư luận trong thời gian như thiếu công khai, minh bạch thông tin dự án, việc áp dụng chỉ định thầu phổ biến, ngày 19/6 vừa qua, Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP (NĐ 63/2018) chính thức có hiệu lực thi hành, thay thế cho Nghị định 15/2015/NĐ-CP (NĐ 15/2015).
Bên cạnh chủ trương siết chặt sự quản lý các dự án đầu tư công tư thông qua vai trò của Nhà nước và nhân dân thì NĐ 63/2018 cũng mở rộng cơ hội hợp tác cho nhà đầu tư.
Để hạn chế chỉ định thầu từ gốc, chặn thất thoát từ đầu, Nghị định 63/2018/NĐ-CP nêu rõ dự án BT chỉ được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi đã có thiết kế và dự toán được phê duyệt; quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư phải được định rõ ngay trong giai đoạn lập báo cáo cáo nghiên cứu khả thi - với yêu cầu phải được phê duyệt quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/500 (nếu có). Quy định này sẽ giúp công trình BT khi đưa ra đấu thầu được tính toán gần với giá thị trường, tránh đội giá. Quỹ đất đối ứng cũng đã có quy hoạch, rõ mục đích sử dụng, vì thế giá đất cũng gần thị trường, tránh việc định giá quỹ đất đối ứng thấp.
Đặc biệt, nhà đầu tư không dễ dàng tùy tiện trong việc chuyển nhượng một phần hay toàn bộ quyền và nghĩa vụ của hợp ồng cho nhà đầu tư khác.
Để thu hút thêm nhà đầu tư, NĐ 63/2018 mở rộng lĩnh vực đầu tư hơn so với NĐ 15/2015 như công viên; nhà, sân bãi để ô tô, xe, máy móc, thiết bị; nhà ở công vụ; du lịch; hạ tầng khu đô thị, cụm công nghiệp; hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao; cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Một chính sách tốt không thể biến một dự án tồi thành một dự án tốt và càng không thể tháo gỡ được vướng mắc khi người đứng đầu các cơ quan thực thi không quyết tâm và nghiêm túc thực hiện.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT
Soi chiếu vào NĐ 63/2018, khách quan mà nói rằng, quy định về sự hợp tác giữa nhà đầu tư và Nhà nước đã có sự cải thiện phù hợp với thông lệ quốc tế. Thế nhưng, điều khiến nhiều người vẫn e ngại, lăn tăn, một Nghị định tốt như vậy nhưng hiện tại và tương lai có thể bị “bàn tay vô hình” nào đó tiếp tục lợi dụng để lách luật.
Như câu trả lời phỏng vấn báo chí của ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT, một chính sách tốt không thể biến một dự án tồi thành một dự án tốt và càng không thể tháo gỡ được vướng mắc khi người đứng đầu các cơ quan thực thi không quyết tâm và nghiêm túc thực hiện.
Trong chương trình Bàn tròn trực tuyến với chủ đề “Sai phạm tràn lan, bịt lỗ hổng BT như thế nào?”, ông Trần Kỳ Sơn, Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định rằng quy định pháp luật dù chặt chẽ đến đâu nhưng nếu những người thực thi không làm đảm bảo thì vẫn tạo ra các lỗ hổng, tạo ra những cái dư luận người ta đánh giá là chưa tốt.
Trả lời phỏng vấn Reatimes, PGS.TS Phạm Quý Thọ (Nguyên trưởng khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ ra rằng, lỗ hổng xuất phát từ chính cơ chế.
"Việt Nam đã có rất nhiều hệ thống văn bản pháp luật quy định chặt chẽ mà đặc biệt là Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Song, lỗ hổng khiến doanh nghiệp vẫn lách luật được lại có thể đến từ thể chế, từ việc lợi dụng những điểm chưa chặt chẽ để “chiếm dụng” đất vàng.
Chúng ta còn thiếu đi sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan nhà nước. Nhìn nhận khách quan rằng, khi doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng có nhiều đóng góp cho xã hội, áp lực của sự phát triển kinh tế, sự siết chặt của các công cụ quản lý thì việc lợi dụng khe hở của thể chế, của pháp luật ngày càng trở nên tinh vi. Thực trạng này dẫn tới “hoạt động ngầm” của nhóm lợi ích" - PGS.TS Phạm Quý Thọ nhấn mạnh.