Aa

Triển khai ngay các giải pháp trong chương trình phục hồi kinh tế

Thứ Năm, 10/02/2022 - 13:30

Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay các giải pháp trong chương trình phục hồi kinh tế, huy động nguồn lực cho chương trình phục hồi, đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng...

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 01 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, Ngành khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ ngay trong quý I/2022.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, quán triệt và quyết liệt, nhất quán thực hiện đa mục tiêu trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết, phải bắt tay ngay vào công việc để thúc đẩy mạnh mẽ và từng bước nhanh chóng mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo khí thế phấn khởi ngay từ đầu năm để phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của năm 2022. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được về tăng trưởng kinh tế xã hội trong tháng đầu tiên của năm 2022, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức tác động đến tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Để đối mặt và chiến thắng những khó khăn, thách thức từ dịch bệnh và tình hình biến động quốc tế, khu vực, đòi hỏi phải khẩn trương, quyết tâm, nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch đã đề ra ngay từ đầu năm, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất trong năm 2022, tạo nền tảng, động lực cho phục hồi và phát triển của cả giai đoạn 2021 - 2025.

Nói về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, GS.TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, khi một gói chính sách được đưa ra, điều doanh nghiệp và người dân quan tâm là việc thực hiện sao cho thực chất và hiệu quả.

Ông Cường cho rằng có hai điều cần quan tâm: Thứ nhất, phải đưa chính sách sớm đi vào cuộc sống nhất, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, chính sách đưa ra để phục hồi thì càng phải sớm. Bởi nếu không sớm, qua một thời gian kinh tế suy giảm, doanh nghiệp phá sản thì không thể phát huy kịp thời. Càng sớm, càng kịp thời, càng hiệu quả. Muốn chính sách đi vào cuộc sống nhanh thì có nhiều phần.

Ông phân tích, như việc giảm thuế GTGT thì có thể áp dụng ngay, người dân đi mua hàng hóa có thể được hưởng ngay. Nhưng cũng có những cấu phần của chính sách cần được thông qua các thủ tục. Vậy thủ tục cần được thiết kế thật đơn giản, rõ ràng và phù hợp với điều kiện thực tiễn của đối tượng được hưởng thụ. Tránh tình trạng chính sách hay nhưng lại đưa ra thủ tục để quản lý chặt chẽ tránh thất thoát, tránh lợi dụng, nhiều quy định quy trình, không sai phạm nhưng lại không đến được với người được hưởng.

Thứ hai, khi đã đưa ra được các điều kiện, thủ tục, chỉ tiêu để kiểm soát rồi thì chúng ta phải tiến hành rà soát làm sao hỗ trợ đúng và trúng đối tượng. Đây là một điều vô cùng quan trọng. 

"Nghị quyết Quốc hội chỉ là Nghị quyết, chỉ là giấy phép. Còn có đi vào cuộc sống hay không thì phụ thuộc nhiều vào chương trình hành động để thực hiện. Tôi rất trông đợi điều này từ Chính phủ, giao trách nhiệm cho từng ngành, từng lĩnh vực để triển khai cụ thể để sau này chúng ta kiểm tra đánh giá lại không chỉ dừng ở việc các cơ quan triển khai chính sách không có sai phạm mà đánh giá được hiệu quả của chính sách, giải ngân được bao nhiêu, vào được bao nhiêu doanh nghiệp, bao nhiêu đối tượng", ông Cường nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, năm 2022 là một năm rất quan trọng. Năm 2021 là năm bản lề để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm nhưng chúng ta đã lỡ một cơ hội do dịch bệnh phát sinh. Như vậy, trọng trách của năm 2021 đã dồn lên năm 2022.

Với vai trò như vậy, năm 2022 sẽ phải thực hiện rất nhiều các hoạt động về cải cách kinh tế, cải cách môi trường kinh doanh, đặt nền móng cho sự tăng trưởng của cả giai đoạn, thậm chí xa hơn nữa, chứ không chỉ là giải bài toán phát triển kinh tế của riêng năm 2022. Bởi vậy, những quyết sách của chúng ta, những giải pháp về kinh tế, tài chính, tiền tệ... không chỉ hướng tới tăng trưởng của 2022 mà phải hướng đến đặt nền móng tăng trưởng đến 2025, 2030 thậm chí xa hơn nữa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top