Báo cáo tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra 2010 của ngành Xây dựng khẳng định, Luật Thanh tra 2010 có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động thanh tra, tạo sự chủ động nhất định, nâng cao trách nhiệm trong công tác thanh tra; quy định rõ về trình tự, thủ tục phù hợp hơn, đặc biệt đối với công tác thanh tra chuyên ngành.
Trong 6 năm (từ ngày 1/7/2011 đến 30/6/2017), toàn ngành Xây dựng đã triển khai 2.611 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện vi phạm và kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 16.818 tỷ đồng.
Thanh tra Bộ tiến hành 416 cuộc thanh tra bao gồm 376 cuộc thanh tra chuyên ngành, thanh tra hành chính theo kế hoạch đã được phê duyệt và 40 cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo đột xuất.
Ban hành trên 398 kết luận thanh tra (6 tháng đầu năm 2017 đã ban hành 90 kết luận), kiến nghị xử lý 11.018 tỷ đồng ngoài các kiến nghị xử lý về kinh tế còn kiến nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những sai sót trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Qua công tác thanh tra đã phát hiện xử lý nhiều vi phạm, tiến hành đánh giá các nguyên nhân tổng hợp đưa ra kiến nghị sửa đổi, bổ sung các tồn tại trong chính sách, cơ chế đầu tư, các định mức, tiêu chuẩn không còn phù hợp với thực tế.
Việc công khai kết luận thanh tra được Bộ Xây dựng thực hiện nghiêm túc theo quy định tại Điều 39 Luật Thanh tra 2010 và Điều 46 Nghị định 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011.
Công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định kiến nghị xử lý của đoàn thanh tra bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực. Trong đó: Ban hành trên 300 văn bản đôn đốc các đơn vị là đối tượng thanh tra thực hiện kết luận; kiểm tra trực tiếp việc thực hiện kết luận tại 45 đơn vị; đôn đốc thực hiện nộp về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ số tiền là 128,5/155,4 tỷ đồng đạt 82%.
Bên cạnh việc giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra với hơn 400 kết luận do Thanh tra Bộ ban hành, còn tiến hành kiểm tra các kết luận do các Sở Xây dựng ở địa phương báo cáo. Thanh tra Bộ Xây dựng đánh giá, việc thực hiện pháp luật, tính chính xác, hợp pháp của các kết luận thanh tra đã cơ bản đảm bảo đúng pháp luật và có hiệu lực thi hành, chưa phát sinh khiếu nại dẫn tới việc thành lập đoàn tiến hành thanh tra lại.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng ghi nhận những thành tích đã đạt được của Thanh tra Bộ trong những năm vừa qua nhưng cũng lưu ý một số vấn đề như: Trong thời gian tới Thanh tra Bộ cần làm tốt hơn nữa trong việc phát hiện những bất cập trong hệ thống pháp luật, cũng như những bất cập trong tiêu chuẩn, quy chuẩn, trong định mức đơn giá.
Bên cạnh việc phát hiện vi phạm và có những đề xuất về việc xử lý tài chính, hành chính thì Thanh tra cũng cần thêm có những kiến nghị về cụ thể về sửa đổi hệ thống pháp luật, các định mức và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Ngoài ra, cần mở rộng các hình thức xử lý vi phạm hành chính, hiện nay chúng ta cơ bản là xử lý về mặt tài chính, còn những vấn đề khác có tính răn đe cao hơn như thu hồi giấy phép, cấm hoạt động xây dựng trong thời gian nhất định, hay là việc công khai thông tin thì còn hạn chế, hoặc ít áp dụng…
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng, bên cạnh những ưu điểm, Luật Thanh tra 2010 cũng còn có một số tồn tại nhất định như: Việc thiếu các chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thanh tra cũng chưa được quy định cụ thể, nhận thức và ý thức chấp hành của một bộ phận tổ chức, cá nhân còn hạn chế dẫn đến tình trạng chống đối, cản trở hoặc cố tình không thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kết luận thanh tra gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả công tác thanh tra.
Đánh giá cao kết quả thực hiện Luật Thanh tra 2010, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh cho rằng, với kết quả đạt được trong 6 năm triển khai thực hiện cho thấy Luật Thanh tra 2010 đã tạo nên hành lang pháp lý hết sức quan trọng cho hoạt động thanh tra. Qua hoạt động thanh tra, ngành Thanh tra đã hết sức nỗ lực trong việc đưa luật từng bước vào đời sống xã hội./.