Aa

Triển khai liên tịch quản lý trật tự xây dựng tại TP.HCM

Chủ Nhật, 27/10/2019 - 10:30

Việc ký kết liên tịch nhằm tăng cường nhân lực, chủ động phối hợp giữa Đội thanh tra địa bàn thuộc Sở Xây dựng với lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận huyện.

Đảm bảo 100% công trình xây dựng trên địa bàn phải được kiểm tra theo đúng quy định (trừ công trình bí mật Nhà nước; công trình quốc phòng, an ninh), 100% công trình vi phạm trật tự xây dựng được phát hiện, xử lý kịp thời, đồng thời, kéo giảm ít nhất 50% số vụ vi phạm trật tự xây dựng qua từng năm, là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thông tin về triển khai kế hoạch liên tịch tăng cường quản lý trật tự xây dựng do Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức chiều 25/10.

Một nhà xưởng không phép của ông Lê Hữu Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân quận Thủ Đức. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết việc ký kết liên tịch (đầu tháng 11/2019 sẽ triển khai chính thức) nhằm tăng cường nhân lực, chủ động phối hợp giữa Đội thanh tra địa bàn thuộc Sở Xây dựng với lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận huyện.

Ngoài ra, triển khai liên tịch cũng chuẩn bị cho đề án đang chờ Thủ tướng Chính phủ thông qua là đề án thành lập thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị (trên cơ sở sáp nhập các Đội Thanh tra địa bàn thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và Đội Quản lý trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị quận, huyện) thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện quản lý như đã triển khai ở TP. Hà Nội.

“Việc thực hiện kế hoạch liên tịch góp phần chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém trong phối hợp giữa Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân các quận, huyện trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn; tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, xây dựng trên đất không được phép xây dựng mà không bị xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật. Để không phải xử lý cán bộ vi phạm, Sở Xây dựng sẽ kiểm tra, xử lý công trình vi phạm ngay từ đầu, phối hợp rà soát điều chỉnh quy hoạch xây dựng để tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu xây dựng của người dân. Hiện nay, Sở Xây dựng đang xây dựng ứng dụng kết nối giữa người dân và Sở Xây dựng, công khai danh sách nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đủ điều kiện huy động vốn để người dân mua nhà tiếp cận pháp lý cũng như công bố, niêm yết các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xây dựng,” ông Lê Hòa Bình cho biết thêm.

Ông Lý Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, cho biết sau hơn 3 tháng triển khai Chỉ thị 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch 3333/KH-UBND ngày 12/8/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự xây dựng, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể, số công trình vi phạm trên địa bàn thành phố là 450 công trình.

Theo kế hoạch, Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân các quận, huyện sẽ ký kết kế hoạch liên tịch tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận, huyện, thành lập Tổ công tác trong đó Phó Chủ tịch quận, huyện làm Tổ trưởng, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng làm Tổ phó.

Đội Thanh tra địa bàn quận, huyện chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thanh tra Sở Xây dựng về tổ chức, nhân sự, chuyên môn và thực hiện công tác phối hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân quận, huyện trong quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn phụ trách.

Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với các công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng theo quy định; công trình xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch, đầm, hồ công cộng; công trình xây dựng trên đất không được phép xây dựng; công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.

Tổ công tác theo kế hoạch này sẽ kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với các công trình xây dựng là nhà ở riêng lẻ, công trình xây dựng do Ủy ban nhân dân cấp phép xây dựng, dự án đầu tư xây dựng do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đầu tư, nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500m2, có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, công trình, bộ phận công trình xây dựng phát sinh sau khi công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng theo giấy phép xây dựng do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp hoặc đã được cập nhật giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản. Công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thuộc dự án đầu tư xây dựng phát triển nhà ở hoặc khu đô thị.

Ngoài ra, Tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính đối với công trình xây dựng vi phạm thuộc trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, xử lý của Tổ công tác; đồng thời, tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vượt thẩm quyền.

Thanh tra Sở Xây dựng chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với các công trình xây dựng do Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt; công trình xây dựng do các Bộ và cơ quan ngang Bộ phê duyệt, do các Sở chuyên ngành cấp hoặc phê duyệt; công trình được miễn giấy phép xây dựng.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và xử lý các công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đối với công trình do Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố cấp giấy phép xây dựng, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top