2020 có thể được coi là một năm thành công cho các nhà đầu tư khi giá vàng đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.075 USD vào tháng 8. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra đối với các nhà đầu tư và thương nhân là liệu giá vàng có lập mức cao kỷ lục nữa trong năm tới hay thị trường sẽ chứng kiến một sự sụt giảm mạnh khi đại dịch được kiểm soát và kinh tế toàn cầu được phục hồi.
Theo Forbes, câu trả lời sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố cụ thể. Thứ nhất, tất cả sẽ xoay quanh về việc kiểm soát đại dịch COVID-19 cũng như sự xuất hiện thêm của bất kỳ biến thể nào khác.
Nếu việc tiêm chủng vaccine thành công và thế giới dần kiểm soát được sự lây lan của virus, rất có thể các nhà đầu tư sẽ quay trở lại với các tài sản rủi ro hơn, thay vì đổ tiền vào vàng. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát, các nhà giao dịch sẽ phải tiếp tục lựa chọn tài sản trú ẩn an toàn và giá vàng có thể sẽ tăng cao hơn nữa.
Thứ hai, dữ liệu kinh tế, thị trường chứng khoán và tình hình thực tế của doanh nghiệp hoàn toàn không đồng bộ. Đó là do thị trường chứng khoán Mỹ vẫn đang ở mức cao kỷ lục trong khi các doanh nghiệp liên tục bị buộc phải đóng cửa. Với biến thể mới của COVID-19, rất có thể các nhà lập pháp sẽ tiếp tục cảnh giác vào quý đầu tiên của năm 2021 và họ có thể khôi phục nhiều đợt phong tỏa hơn.
Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, nhiều khả năng sẽ nộp đơn phá sản hơn, qua đó tạo ra nhiều cú sốc hơn cho nền kinh tế toàn cầu. Một sự kiện như vậy một lần nữa có thể giúp giá vàng tăng cao hơn.
Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng lớn đều kỳ vọng giá vàng sẽ đạt trung bình trong năm trên 2.009 USD/ounce. Một số ngân hàng như Goldman Sachs, Commerzbank và CIBC dự báo, giá vàng đạt đỉnh quanh 2.300 mốc USD/ounce.
Các nhà phân tích không chỉ lạc quan về vàng khi các ngân hàng trung ương duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo cho đến năm 2021, mà áp lực lạm phát gia tăng do kinh tế phục hồi trong nửa cuối năm dự kiến sẽ giữ lãi suất thực ở mức thấp đến âm cũng là lý do khiến kim loại quý sẽ giữ đà tăng giá.
Ngân hàng Wells Fargo cũng đưa ra dự đoán, năm 2021, giá vàng có thể lên mức 2.100 - 2.200 USD/ounce, dù kinh tế thế giới phục hồi mạnh mẽ, các mức lãi suất thấp và chính sách nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường kim loại quý này.
Theo Giám đốc giao dịch toàn cầu của Kitco Metals Peter Hug, mức cao nhất của vàng năm 2020 sẽ sớm bị loại bỏ. Nếu lạm phát tăng, 2.500 - 3.000 USD/ounce là mức giá vàng có thể đạt được nếu các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo.
Trong một báo cáo mới đây, Công ty tư vấn Capital Economics đã nhận định nếu hoạt động kinh tế toàn cầu có thể phục hồi nhanh chóng nhờ vaccine, các quỹ ETF vàng có thể chứng kiến các đợt bán tháo. Tuy nhiên, Capital Econimics vẫn cho rằng vàng có thể duy trì mức giá cao trong năm tới.
Theo lập luận của công ty tư vấn, lợi suất thực tế thấp của trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ nhu cầu về vàng và bù đắp phần lớn sự suy yếu do xu hướng chuyển sang các kênh rủi ro của nhà đầu tư. Do đó, Capital Economics dự báo giá vàng sẽ ổn định quanh mức 1.900 USD/ounce cho đến cuối năm 2021.
Thậm chí, ông Leigh Goehring, đối tác quản lý của Goehring & Rozencwajg Associates còn cho rằng, giá vàng sẽ tăng lên 3.000 USD/ounce.
"Năm 2021 sẽ là năm mà các nhà đầu tư tin rằng sẽ có sự quay trở lại của lạm phát. Chúng ta đã không trải qua bất cứ điều gì như vậy trong 40 năm", ông Goehring nói./.