Aa

Trở lại vụ Tòa nhà 8B Lê Trực: Hà Nội hãy dừng tay trước khi quá muộn!

Thứ Bảy, 29/08/2020 - 06:00

Theo dõi vụ việc việc Tòa nhà 8B Lê Trực nhiều năm, tôi có thể nhận xét rằng, việc “họ rất chủ quan và liều mạng, bất chấp các yêu cầu về kỹ thuật và pháp lý, phá dỡ cho bằng được” đã diễn ra từ lâu rồi...

Cách đây ít ngày, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản yêu cầu UBND TP. Hà Nội xử lý đơn thư của Công ty Cổ phần May Lê Trực về các vết nứt nguy hiểm đã xuất hiện tại công trình 8B Lê Trực khi đang thực hiện tháo dỡ giai đoạn 2, tức là tầng 18 và tầng 17. Tuy nhiên, việc phá dỡ vẫn đang tiếp tục.

Sau bài học vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut (Lebanon) do sự tắc trách của cơ quan công quyền, ước tính thiệt hại 3 - 5 tỷ USD, thì đây là một cảnh báo không thể bỏ qua, bởi Tòa nhà 8B Lê Trực một công trình cao tầng nằm ở ngay gần khu trung tâm chính trị trọng yếu của quốc gia và xung quanh đó là số lượng nhà dân với mật độ dày đặc. 

Nếu để xảy ra nứt đổ thì sự trả giá sẽ thật sự khủng khiếp. Nguy hiểm hơn là ở chỗ, việc thực hiện giai đoạn 2 này không có phương án kỹ thuật tháo dỡ theo như luật định. Bên chủ đầu tư cho biết: “Họ rất chủ quan và liều mạng, bất chấp các yêu cầu về kỹ thuật và pháp lý, phá dỡ cho bằng được!”.

Theo dõi nhiều năm và đã viết nhiều bài phân tích xung quanh vụ việc Tòa nhà 8B Lê Trực này, tôi có thể nhận xét rằng, việc “họ rất chủ quan và liều mạng, bất chấp các yêu cầu về kỹ thuật và pháp lý, phá dỡ cho bằng được” đã diễn ra từ lâu rồi, chứ không phải giờ này mới xuất hiện.

Điều này đã được chứng minh trong những bài viết trước, nay trong bài viết này, tôi chỉ xin nêu ra những bằng chứng mới phát hiện cho thấy, Hà Nội đã làm ngược lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của Bộ Xây dựng như thế nào?

Chiều tối 22/4/2020, nhiều phương tiện, thiết bị hiện được tập kết sẵn sàng để chuẩn bị cho cho công tác tháo dỡ công trình vi phạm tòa nhà 8B Lê Trực giai đoạn 2 (tháo dỡ tầng 17 và 18).

Để cho có ngọn nguồn, ta hãy lược lại con đường pháp lý mà dự án đã trải qua. Ban đầu, Tòa nhà 8B Lê Trực được ra đời trong môi trường pháp lý đầy đủ theo quy định của pháp luật, bao gồm:

- Văn bản số 4335/UBND-NNĐC của UBND TP. Hà Nội ngày 09/08/2007 về việc chấp thuận di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, lập dự án đầu tư xây dựng công trình "Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở" tại số 8B phố Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

- Văn bản số 82/TM-Tg1 ngày 16/01/2008 của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cho phép về an ninh quốc phòng: Chiều cao tĩnh không của Công trình được phép xây dựng tối đa là 70m.

- Quyết định số 2452/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội ban hành ngày 05/12/2008 về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500, cho phép quy mô công trình cao 17 tầng và khối đế 5 tầng; độ cao công trình tối đa 70m.

- Văn bản số 499/QHKT-P3 ngày 16/3/2009, Sở Quy hoạch Kiến trúc về việc chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng, phương án thiết kế sơ bộ kiến trúc dự án với nội dung đúng theo Quyết định số 2452/QĐ-UBND của UBND TP.

- Văn bản số 2154/SXD-TĐ của Sở Xây dựng Hà Nội ngày 07/04/2009, về kết quả thẩm định thiết kế cơ sở Công trình thuộc dự án "Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở" tại số 8B Lê Trực của Công ty.

Vào thời điểm đó, theo Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 10/02/2009 của Chính phủ, Công trình 8B Lê Trực thuộc đối tượng không phải cấp giấy phép xây dựng.

Theo quy định của Nghị định 64/NĐ-CP ngày 04/09/2012 của Chính phủ được hướng dẫn tại (7B) Thông tư số 10/2012 của Bộ Xây dựng, có hiệu lực từ 06/02/2013, Điều 14 xử lý chuyển tiếp: Công trình đã khởi công trước khi có Nghị định 64 (04/9/2012) không phải đề nghị cấp phép xây dựng.

Hình ảnh đơn vị thi công cùng cơ quan chức năng tiến hành cắt sàn bê tông mái tầng 18 tòa 8B Lê Trực (Hà Nội) ngày 5/8/2020

Câu chuyện “liều mạng” và “bất chấp” của các cơ quan công quyền của Hà Nội bắt đầu từ đây.

Ngày 05/12/2012, Thanh tra xây dựng quận Ba Đình đã kiểm tra Giấy phép xây dựng và yêu cầu dừng thi công từ ngày 20/12/2012 đối với công trình, dự án nói trên của Công ty. Yêu cầu phải xin phép xây dựng.

Tiếp theo đó, đến ngày 12/07/2013, UBND TP. Hà Nội có Văn bản số 5043/UBND-QHXDGT báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều chỉnh chiều cao công trình 8B Lê Trực giảm 26m, chiều cao tối đa còn là 44m.

Một câu hỏi đặt ra, tại sao khi cho phép quy mô công trình cao 17 tầng và khối đế 5 tầng, độ cao công trình tối đa 70m thì UBND TP. Hà Nội không có văn bản báo cáo Chính phủ mà nay lại xin ý kiến một sự kiện không đáng phải xin ý kiến này?

Hóa ra, việc xin ý kiến này chỉ là “phù phép” bởi sau đó, khi Bộ Xây dựng đã cho ý kiến và Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo thì Hà Nội đã làm ngược lại.

Câu chuyện tưởng như sẽ mạch lạc và đơn giản nếu như vụ việc được tiến hành theo các văn bản tiếp theo như sau:

Thứ nhất, văn bản trình Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND TP. Hà Nội của Công ty May Lê Trực với đề xuất 2 phương án xử lý. Phương án 1, xin phép được tiếp tục thực hiện theo đúng quy hoạch chi tiết 1/500 đã được Chủ tịch UBND TP phê duyệt. Phương án 2, điều chỉnh quy hoạch kiến trúc công trình cao 18 tầng, chiều cao mỗi tầng tương ứng với công trình quy mô 20 tầng, chiều cao 70 mét, mật độ xây dựng 64% theo như Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008, (tức là 70m : 20 tầng = 3,5m x 18 tầng = 63m).

Thứ hai, sau khi nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ đề nghị cho ý kiến về dự án này, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 1752/BXD-KTQH, ngày 21/8/2013, đề xuất với Chính phủ đồng ý với phương án 2 của công ty.

Thứ ba, Văn bản số 7902/VPCP-KTN ngày 20/9/2013 của Văn phòng Chính phủ gửi UBND TP. Hà Nội với nội dung: UBND TP. Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng tại văn bản 1752/BXD-KTQH, ngày 21/8/2013, “theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật, bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, không để kéo dài, phát sinh khiếu kiện phức tạp”.

Thứ tư, ngày 08/10/2013, UBND TP. Hà Nội ra Văn bản số 7539/UBND-QHXDGT, yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc khẩn trương hướng dẫn Chủ đầu tư điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án "Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở" tại số 8B Lê Trực của Công ty thực hiện theo ý kiến của Bộ Xây dựng tại Văn bản số 1752/BXD-KTQH, ngày 21/3/2013.

Như vậy, đến ngày 08/10/2013, Tòa nhà 8B Lê Trực được Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TP. Hà Nội nhất trí cho tồn tại ở phương án 2, tức là 18 tầng và cao 63m.

Cho đến nay, chưa có một văn bản pháp lý nào cấp cao hơn phủ quyết những văn bản này.

Vậy mà hiện nay, UBND quận Ba Đình đã “liều mạng” và “bất chấp” tất cả, cả về pháp lý và vấn đề kỹ thuật, phá dỡ bằng được tầng 18 và tầng 17, xâm phạm nghiêm trọng tài sản hợp pháp của cư dân tòa nhà và chủ đầu tư, tạo ra một mối nguy hiểm khôn lường đến những người dân xung quanh và an ninh khu vực.

Thiết nghĩ, với những thông tin trên đây, Hà Nội cần bình tĩnh xem xét lại toàn bộ vụ việc và hãy dừng tay trước khi quá muộn!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top