Aa

Trông đợi điều gì ở thị trường bất động sản Việt Nam 2018?

Thứ Sáu, 24/11/2017 - 09:27

Theo cùng vô số cơ hội hội nhập đầy hứa hẹn, cải cách kinh tế và bùng nổ tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây, Việt Nam tiếp tục đón thêm nhiều các nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang liên tục đổ vào nền kinh tế quốc gia, góp phần đảm bảo sự tăng trưởng bền vững. Đặc biệt nhất, việc trở thành chủ nhà của Hội nghị APEC Việt Nam 2017 đã đem lại cơ hội cho Việt Nam thể hiện điểm mạnh và tiềm năng đầu tư trong năm 2018 phía trước.

Nhà ở, khách sạn và văn phòng –  thị trường sôi động

Thị trường bất động sản Việt Nam đã thể hiện những kết quả mạnh mẽ đáng lưu ý trong 3 quý đầu năm 2017, với lượng giao dịch căn hộ đạt trên 32.000 căn, cao hơn so với con số trong cả năm 2016. Thị trường vẫn ổn định khi bước vào quý cuối cùng của năm, cùng với nhu cầu mạnh mẽ từ chủ sở hữu tài sản, cũng như củng cố thêm thị trường bất động sản mua cho thuê, được hỗ trợ bởi một số lợi tức cho thuê cao nhất khu vực. Savills cũng đặc biệt chú ý đến hiệu suất của phân khúc bất động sản nhà đất đã diễn ra như báo cáo dự đoán cuối năm 2016 của Savills, với tỷ lệ hấp thụ rất mạnh nhờ vào việc hoàn thành cơ sở hạ tầng mới và sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu.

Bên cạnh thế mạnh của thị trường nhà ở, chúng ta cũng được chứng kiến những thành tích vượt trội từ phân khúc văn phòng với tỷ lệ lấp đầy đạt 95% tại TP.HCM và vẫn tiếp tục tăng lên, đặc biệt là các công trình hạng A. Phân khúc khách sạn cũng hoạt động tốt, nhất là ở khu vực Hà Nội, với lượng khách nhập cảnh tăng trưởng mạnh đạt 26% năm 2016 và 28% năm 2017.

ng Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam.

Ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam.

Thị trường nhà ở đang phát triển theo hướng nhiều chủ sở hữu và giảm thiểu đầu cơ tích trữ, thể hiện tính lành mạnh và là dấu hiệu tốt cho sự phát triển thị trường. Tuy quá trình hình thành của tầng lớp giàu có đang tạo ra cơ hội cho các công trình hạng trung và cao cấp, thì thị trường chung vẫn hưởng lợi trực tiếp từ sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu. Nhu cầu về nhà ở giá rẻ tiếp tục trên đà tăng nhanh tại các khu vực đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội. Ở TP.HCM, số giao dịch hạng C chiếm khoảng 60% trên tổng số trong 9 tháng đầu năm 2017, trong khi đó con số ghi nhận được vào năm 2016 là 48%. Nguồn tài chính ngân hàng có sẵn cho tầng lớp trung lưu đang phát triển, cộng thêm tỷ lệ thế chấp ổn định, sẽ thúc đẩy phân khúc giá rẻ phát triển và gia tăng liên tục vào năm 2018.

Tình hình đầu tư khả quan

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được đăng ký và cấp mới đạt xấp xỉ 25,5 tỷ Đô la Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2017, tăng khoảng 34,3% so với cùng kỳ năm trước, còn lượng vốn FDI giải ngân tăng xấp xỉ 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 12,5 tỷ Đô la Mỹ.

Thống kê theo quốc gia, Hàn Quốc đang dẫn đầu với gần 6,3 tỷ USD, theo sau là Nhật Bản và Singapore với lần lượt 5,9 tỷ Đô la Mỹ và 4,1 tỷ Đô la Mỹ vốn FDI đăng ký tại Việt Nam. Thống kê theo ngành, bất động sản luôn nằm trong các nhóm ngành thu hút nhiều lượng vốn FDI nhất tại Việt Nam. Điều này cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đến các cơ hội đầu tư và kinh doanh tại thị trường bất động sản Việt Nam.

Với sự hỗ trợ từ yếu tố chính sách, khung pháp lý rõ ràng hơn cùng lợi thế cạnh tranh của thị trường, bất động sản Việt Nam đã thu hút dòng vốn lớn từ cả nhà đầu tư trong và ngoài nước trong những năm gần đây. Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan cùng Hồng Kông được xem là những cái tên nổi bật nhất về đầu tư nước ngoài và tất cả đều là thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), chứng minh tầm quan trọng của APEC với Việt Nam. Họ đã đem tới Việt Nam không chỉ nguồn vốn mà còn cả chuyên môn, kiến thức và kinh nghiệm toàn cầu của họ. Các dự án đầu tư và phát triển kinh doanh của họ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực.

Bất động sản Việt Nam đã thu hút dòng vốn lớn từ cả nhà đầu tư trong và ngoài nước trong những năm gần đây.

Các nhà đầu tư Singapore là một trong những nhà đầu tư đầu tiên nhận thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam. CapitaLand, nhà phát triển bất động sản đã có mặt tại Việt Nam từ hơn 20 năm nay với nhiều dự án nhà ở, đã thành lập quỹ đầu tư khoãng 500 triệu Đô la Mỹ tập trung vào các tài sản thương mại tại Việt Nam và giải ngân vào một trong những thương vụ lớn nhất trong năm nay, đơn cử như việc nhận chuyển nhượng khu thương mại 0,6 héc-ta tại vị trí đắc địa trong trung tâm TP.HCM để xây dựng dự án phức hợp hạng A đầu tiên của họ tại Việt Nam. Hay như Keppel Land, một nhà phát triển bất động sản khác của Singapore, đã liên tục đưa ra thị trường nhiều dự án thành công trong những năm gần đây.

Các nhà đầu tư Nhật Bản, với sự hiện diện lâu năm tại thị trường Việt Nam, cũng đã hoạt động rất tích cực trong thời gian gần đây. Năm ngoái, Tập đoàn Creed đã tham gia vào một thương vụ trị giá khoảng 500 triệu đô la Mỹ, hợp tác với Công ty Cổ Phần Phát Triển Bất Động Sản Phát Đạt và Công ty Cổ Phần Đầu Tư và Phát Triển Bất Động Sản An Gia nhằm phát triển dự án khu dân cư quy mô lớn The River City ở quận 7. Năm nay, họ cùng với An Gia đã mua lại 5 khối chung cư của dự án La Casa tại quận 7 từ tập đoàn Vạn Phát Hưng với giá trị khoảng 40 triệu Đô la Mỹ.

Nishi Nippon Railroad và Hankyu Realty đã liên doanh với tập đoàn bất động sản Nam Long nhằm phát triển Mizuki Park với diện tích 26 héc-ta, dự án nhà ở tại TP.HCM với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 351 triệu Đô la Mỹ.

AEON Mall, tập đoàn bán lẻ nổi tiếng Nhật Bản đã mở cửa hàng thứ năm tại Việt Nam vào năm ngoái và gần đây vừa tham gia liên doanh với đối tác trong nước là Tập đoàn BIM để phát triển trung tâm thương mại thứ hai tại Hà Nội với diện tích 16,7 héc-ta.

Trên bờ biển Hội An – một địa điểm du lịch nổi tiếng tại miền Trung Việt Nam, tập đoàn Châu Tài Phúc từ Hồng Kông và tập đoàn SunCity từ Macao đang tiến hành xây dựng dự án 4 tỷ đô la Mỹ HOIANA để hoàn thành giai đoạn một vào đầu năm 2019. Khi hoàn thành, HOIANA sẽ trở thành tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng lớn nhất tại Việt Nam với khách sạn New World Hotel gồm 685 phòng, khu nghỉ dưỡng Rosewood Residences & Resort gồm 100 căn biệt thự, sân gôn Championship do Robert Trent Jones II thiết kế, và casino lớn nhất Việt Nam.

Năm 2017 vẫn chưa kết thúc nhưng thị trường đã chứng kiến ​​số lượng và giá trị giao dịch đáng kể từ các nhà đầu tư nước ngoài, tiếp tục cộng thêm vào con số đầu tư đã khá ấn tượng được thực hiện trong nhiều năm qua kể từ khi Việt Nam mở cửa với hội nhập toàn cầu. Khi nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh trong lúc khu vực đang chậm lại, các nhà đầu tư này sẽ tiếp tục thể hiện sự quan tâm đầu tư của họ vào tất cả các mảng bất động sản, trong đó tập trung vào văn phòng và khách sạn do vốn FDI ngày càng tăng và ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, và gần đây hơn là các dự án bất động sản công nghiệp và logistics.

Hơn bao giờ hết, chúng ta phải biết nắm bắt thời cơ và sử dụng cơ hội đang có theo chiến lược cụ thể. Chúng ta nên tận dụng toàn bộ sự chú ý của quốc tế trong kỳ APEC Việt Nam 2017 và biến tiềm năng thành hành động cụ thể, phát triển du lịch, kinh tế và xã hội. Chính phủ cũng cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho các nhà đầu tư bằng cách tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, sách lược đầu tư rõ ràng, để đảm bảo tính phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top