Aa

“Trông giỏ, bỏ thóc”

Thứ Tư, 28/02/2018 - 14:30

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã chính thức trở lại để bắt đầu một năm mới nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn không ít thách thức.

Một trong những động thái đáng chú ý mà các doanh nghiệp cần quan tâm là ngay trong những ngày đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái giám sát chặt chẽ sử dụng vốn cho vay tiêu dùng để đầu tư, kinh doanh bất động sản thể hiện qua Văn bản số 563/NHNN-TTGSNH ngày 23/1/2018.

Dù trong năm 2017 vừa qua, tín dụng đối với các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản… đã được kiểm soát phù hợp với định hướng, song Ngân hàng Nhà nước vẫn chủ động yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ hơn, kể cả tín dụng vào lĩnh vực tiêu dùng để giảm thiểu nợ xấu.

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2017, tín dụng lĩnh vực kinh doanh bất động sản chỉ tăng 8,56% so với năm 2016 và chiếm tỷ trọng 6,53% dư nợ (tương đương khoảng 400.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, tín dụng bất động sản "ẩn nấp" trong tín dụng tiêu dùng lại đang rất lớn, chiếm gần 53%. Cũng cần lưu ý thêm là tín dụng tiêu dùng năm vừa qua đã tăng rất mạnh, gấp 3 - 4 lần tăng trưởng tín dụng bình quân cả nước, trong đó các khoản vay dành cho mục đích mua, sửa chữa nhà ở tăng tới 76,5%.

Điều này cho thấy, dù bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu rủi ro từ bong bóng khi giá cả và thanh khoản vẫn giữ ở mức ổn định trong năm vừa qua, nhưng việc cơ quan quản lý gia tăng giám sát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản được nhìn nhận là động thái hợp lý.

Bên cạnh đó, theo khảo sát của các đơn vị nghiên cứu thị trường, năm 2018, thị trường bất động sản sẽ bùng nổ với hàng loạt dự án mới được triển khai, với tổng nguồn cung căn hộ lên tới 45.000 - 50.000 căn tại TP.HCM và hơn 30.000 căn tại Hà Nội.

Cùng sự bùng nổ của các sản phẩm đầu tư khác như condotel, officetel, hometel…, thì cuộc cạnh tranh giành giật khách hàng sẽ thực sự trở nên khốc liệt, nhất là khi khách hàng ngày một kỹ tính hơn.

Đó sẽ là những thách thức rất lớn dành cho các doanh nghiệp địa ốc, nhưng chắc chắn sẽ không phải điềm báo xấu, mà trái lại đang tạo cơ hội mới cho thị trường!

Trong suốt thời gian vừa qua, phải thừa nhận rằng, dòng vốn tín dụng từ ngân hàng đã góp sức vào sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường bất động sản. Thế nhưng, tín dụng ngân hàng luôn có giới hạn.

Thực tế tại nhiều thị trường phát triển, phụ thuộc vào dòng tín dụng để phát triển dự án bất động sản không được xem là cách thức phát triển bền vững và chuyên nghiệp, do sự lên xuống thất thường của lãi suất theo chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế. Thay vào đó, phải là các dòng vốn giá rẻ hơn, dài hạn hơn từ thị trường chứng khoán hay thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước gia tăng giám sát việc cấp vốn tín dụng vào bất động sản chính là tín hiệu để doanh nghiệp chủ động hơn trong việc cơ cấu lại bài toán tài chính của mình.

Lời giải cho bài toán tài chính có thể đến từ vốn tự có, từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp hay thông qua việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán... Tuy nhiên, tất cả đều đến từ mẫu số chung: uy tín của chủ thể gọi vốn phải được chứng minh.

Trong giai đoạn vừa qua, số lượng doanh nghiệp địa ốc lên sàn đã tăng mạnh, lên tới hơn 60 doanh nghiệp. Đặc biệt, giai đoạn từ cuối 2016 đến đầu năm 2018, trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, một loạt doanh nghiệp địa ốc đã, đang chủ động đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán để gọi vốn như Novaland, Văn Phú Invest, Kosy Group, Everland, Hải Phát Invest, BID Group…

Việc lên sàn không chỉ hàm ý về việc gọi vốn, mà còn là cách để tăng mức độ nhận diện thương hiệu, uy tín. Đặc biệt, qua sàn chứng khoán, nhiều doanh nghiệp đã có thêm sự góp mặt của các nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường như VinaCapital, Dragon Capital, Vietnam Alpha Fund…

Trong bối cảnh mới, mỗi thành viên kinh doanh trên thị trường bất động sản đều phải tự làm mới mình. Bởi dù là ngân hàng, cổ đông, hay nhà đầu tư tài chính hoặc đầu tư bất động sản đều sẽ “săm soi” rất kỹ doanh nghiệp để “trông giỏ, bỏ thóc”!  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top