Aa

Trục lợi "đất vàng" từ cổ phần hóa doanh nghiệp

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Thứ Tư, 30/05/2018 - 06:01

“Nhiều cổ đông tham gia mua cổ phiếu nhiều doanh nghiệp trái ngành, thâu tóm các doanh nghiệp khi cổ phần hóa, ta cũng không loại trừ động cơ họ chờ cơ hội để được hưởng lợi lớn từ những mảnh "đất vàng" của các doanh nghiệp được cổ phần hóa”. Đó là một lời khẳng định của đại biểu Trần Quang Minh đến từ Quảng Ninh trong phiên họp Quốc hội ngày 28/5.

Lách luật cổ phần hóa để trục lợi đất vàng

Trong phiên thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016, nhiều đại biểu đã kiến nghị về những thất thoát, lãng phí của các khu "đất vàng" khi một số doanh nghiệp trục lợi cổ phần hóa để chiếm dụng.

Theo đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh): “Việc quản lý đất đai khi và sau khi cổ phần hóa còn nhiều thiếu sót, không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, xác định giá trị quyền sử dụng đất khi thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa đối với những vị trí đất đắc địa, có giá trị thường cao, còn bất cập, thiếu minh bạch, tạo cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân có liên quan trục lợi tham nhũng gây thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Nhiều cổ đông tham gia mua cổ phiếu nhiều doanh nghiệp trái ngành, thâu tóm các doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Ta cũng không loại trừ động cơ họ chờ cơ hội để được hưởng lợi lớn từ những mảnh "đất vàng" của các doanh nghiệp được cổ phần hóa”.

Đại biểu Trần Văn Minh. (Ảnh: Zing)

Đại biểu Trần Văn Minh. (Ảnh: Zing)

Nhận định về “mục đích” cổ phần hóa của một số doanh nghiệp, đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) cho rằng: “Điều băn khoăn là khi cổ phần hóa, doanh nghiệp sản xuất chọn hình thức thuê đất, trả tiền đất hàng năm thì không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp là phù hợp. Nhưng sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp từ bỏ ngành sản xuất kinh doanh chính, xin chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thương mại, đất ở thì vẫn đúng luật, nhưng tiềm ẩn nguy cơ thất thoát. Nguy cơ này có thể xảy ra ở tất cả các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trước đây”.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cũng cho rằng: "Có hiện tượng doanh nghiệp quản lý "đất vàng" đưa vào cho thuê và những hình thức lách luật khác trên cổ phần hóa gây thất thoát và gây lãng phí".

Vị đại biểu đến từ An Giang có ý kiến đề nghị Chính phủ sớm rà soát và thu hồi những diện tích đất doanh nghiệp sử dụng chưa phù hợp, không đúng quy hoạch, đồng thời chấn chỉnh cách tính giá thuê đất một cách khẩn trương, minh bạch, mạnh mẽ để giải quyết có hiệu quả tồn tại vấn đề đất đai trước khi cổ phần hóa hiện nay gây thất thoát và gây bức xúc trong dân.

Trước những sai phạm xảy ra trong “mục đích” cổ phần hóa nhằm chiếm dụng tài sản công, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) đặt ra câu hỏi rằng: “Một điều kỳ lạ là tất cả những vấn đề xảy ra về thất thoát lỗ của doanh nghiệp Nhà nước thì ai cũng biết”.

Theo đại biểu, “chúng ta có cả một bộ máy về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nhưng lại không phát hiện ra những vấn đề này. Rõ ràng ở đây về mặt chính sách, pháp luật, chúng ta phải xem đến lỗ hổng trong việc quy định trách nhiệm của cơ quan có trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động của doanh nghiệp”.

Định giá và đấu thầu tài sản chỉ là hình thức

Liên quan đến việc đấu giá và định giá tài sản, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích: “Có nhiều đại biểu nói đến vấn đề thất thoát tài sản vốn doanh nghiệp là do chúng ta mua, bán tài sản, hàng hóa dịch vụ theo một công thức là mua thì giá cao, bán thì giá thấp hơn tư nhân. Việc này xảy ra rất nhiều và có nhiều đại biểu đã nói, vấn đề đặt ra là chúng ta đã có một cơ chế là có một tổ chức định giá độc lập, có một tổ chức đấu giá độc lập nhằm minh bạch hóa việc mua, bán tài sản, tại sao lại vẫn xảy ra tình trạng mua đắt, bán rẻ?

Ngay trong báo cáo giám sát đã chỉ ra một kết luận, thực ra việc định giá và đấu thầu chẳng qua chỉ là hình thức. Nếu chúng ta có một cuộc khảo sát kỹ, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ tìm ra một điều rất kỳ lạ, đó là giá định giá của cơ quan tư vấn thường rất sát so với giá khi mang ra đấu giá tài sản.

Việc lựa chọn cơ quan định giá và cơ quan đấu giá đều có quy trình là phải lựa chọn một cách khách quan, nhưng thường những cơ quan này được lựa chọn tương đối trùng lặp, tức là lặp đi, lặp lại một số tổ chức định giá và một số tổ chức tư vấn đấu giá thực hiện chức năng này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Hoàng Văn Cường. (Ảnh: Quochoi.vn)

Một điều chúng ta thấy là những người tham gia đấu giá vào những vụ đấu giá tài sản Nhà nước cũng lặp đi lặp lại, có một nhóm người chuyên tham gia vào những lĩnh vực này và những cơ quan làm chức năng đấu giá không biết về việc này.

Sự việc trên xảy ra nhưng trên thực tế, những tổ chức làm tư vấn định giá, tư vấn đấu giá khi lập những dự án sai, định giá sai, thẩm định giá sai, đấu thầu xảy ra tình trạng như trên thì chưa có một tổ chức nào bị xử lý. Tệ hại hơn là khi doanh nghiệp thua lỗ bán tài sản máy móc thiết bị thì đây lại là một cơ hội làm ăn béo bở cho một nhóm người dùng một hình ảnh là "kền kền ăn xác chết". Do vậy, tôi thấy cần phải có thanh tra, kiểm tra các vụ việc bán tài sản nhà nước và kiểm tra liên quan đến các tổ chức thực hiện chức năng về định giá, thẩm định giá, tổ chức đấu giá và để quy trách nhiệm cho những đơn vị này đã tiếp tay cho việc làm thất thoát tài sản Nhà nước".

Quay trở lại vấn đề liên quan tới đất đai, vị đại biểu đến từ Hà Nội cho hay: “Việc thất thoát tài sản Nhà nước liên quan phổ biến đến đất đai, nổi lên trong thời gian qua khi chuyển đất công thành đất tư không thông qua đấu thầu mà chỉ định giá trực tiếp hoặc xác định giá đất khi cổ phần hóa. Không thực hiện đúng quy định Luật Đất đai mà chúng ta đang sử dụng chủ yếu bảng giá do Ủy ban nhân dân các tỉnh quy định và điều này làm giá thấp hơn.

Như vậy, ngoài trách nhiệm định giá đất đai thấp trong cổ phần hóa và chuyển đất công sang đất tư của các tổ chức cổ phần hóa thực hiện chức năng cổ phần hóa còn là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân hay cơ quan quản lý về đất đai các tỉnh trong việc xác định giá đất này theo quy định của Luật Đất đai"./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top