Giống như việc nhân rộng quy mô của tòa tháp cây Bosco Verticale, Boeri đã tạo ra lập ra một kế hoạch chi tiết để tạo ra diện mạo mới cho những thành phố của Trung Quốc - những nơi “quanh năm suốt tháng” phải đối mặt với ô nhiễm không khí.
Kế hoạch “Thành phố rừng xanh” (Forest City) của Stefano Boeri được hình dung như một mô hình phát triển bền vững ở Trung Quốc - đất nước luôn ngập chìm trong sương mù và khói bụi do quá trình đô thị hóa nhanh.
“Chúng tôi đã đề xuất và được đồng ý việc thiết kế lại các thành phố để biến chúng trở thành nơi không chỉ có các tòa nhà bê tông mà có cả cây cối và thực vật bao phủ trên bề mặt những tòa nhà”, Boeri trả lời phỏng vấn tờ The Gaurdian.
KTS này cho biết thêm: “Chúng tôi đang tiếp tục việc thiết kế ra nhiều tòa nhà khác nhau. Tôi dự kiến bắt tay vào xây dựng chúng vào cuối năm nay. Trước năm 2020, chúng tôi hy vọng rằng thành phố rừng xanh đầu tiên của Trung Quốc sẽ ra đời”.
"Thành phố rừng xanh" được tạo ra theo kết cấu từ tế bào, nguyên tử nhỏ nhất là các tòa nhà – được coi như một cánh hoa. Mỗi cánh hoa sẽ là nơi cư trú, phục vụ cho 20 nghìn người, 5 cánh hóa tạo thành một bông hoa nhỏ - cấp độ thứ 2 để tạo nên thành phố.
Khoảng trống ở giữa 5 cánh hoa tạo ra không gian xanh, không gian cộng đồng cho cư dân thành phố. Từ 5 bông hoa nhỏ lại tạo thành một bông hoa lớn hơn ở cấp độ thứ 3, cứ như thế các bông hoa này hợp lại để tạo nên một thành phố rừng xanh.
Mỗi tòa nhà đều được bao phủ bởi cây xanh và các loài hoa để chúng hấp thụ hàng tấn CO2 trong không khí, đồng thời bơm O2 trở lại môi trường, cung cấp môi trường sống thoải mái, dễ chịu cho cả con người và động vật hoang dã.
Việc hiện thực hóa đầu tiên của kế hoạch này dự kiến sẽ diễn ra ở thành phố Liễu Châu – nhà của khoảng 1.5 triệu cư dân ở tỉnh phía Nam Quảng Tây, Trung Quốc. Boeri hy vọng sau khi phát triển thành công thành phố rừng xanh ở Liễu Châu, thành phố tiếp theo sẽ được phủ xanh là Thạch Gia Trang, thành phố phía Bắc của tỉnh Hà Bắc, nơi được xếp hạng là ô nhiễm không khí khủng khiếp nhất của Trung Quốc.