“Rừng thẳng đứng” hay "tháp cây" là cách gọi khi nhắc đến các tòa nhà được bao phủ bởi hàng ngàn cây xanh và bụi rậm, những kiến trúc được nhìn thấy ở rất nhiều các tòa nhà tại Trung Quốc hiện nay.
“Cha đẻ” của khái niệm này, kiến trúc sư người Ý Stefano Boeri, đang triển khai các ý tưởng của mình tại Trung Quốc - nơi mà các thành phố đang rất cần đến những sinh vật để lọc khí carbon, tạo ra oxy. Sự hiện diện của ông tại thị trường nhà ở Trung Quốc được dự báo sẽ không phải chỉ một lần hay ngày một ngày hai.
Công ty kiến trúc của Boeri, Stefano Boeri Architetti, đã được ủy nhiệm để phát triển toàn bộ các “thành phố rừng thẳng đứng”. Kế hoạch tổng thể cho các thành phố này được xây dựng tại Liễu Châu và Thạch Gia Trang.
“Không chỉ các tòa căn hộ, chúng tôi sẽ phủ xanh các khu trường học, bệnh viện, bảo tàng… tất cả mọi thứ cấu thành nên một thành phố. Đó sẽ là một cuộc cánh mạng tạo nên những cánh rừng theo chiều thẳng đứng”, Boeri trả lời BluePrint.
Hai trong số những toà tháp chọc trời được xây dựng theo mô hình phủ xanh này đang dần được hình thành tại Nanjing. Dự kiến sẽ hoàn thành trong năm tới, các tòa nhà này nằm sát cạnh nhau, có thể hấp thụ tới 25 tấn CO2 mỗi năm và “thở ra” khoảng 130 pounds oxy mỗi ngày. Được biết, trong 2 tòa “tháp cây” ở Nanjing này có khách sạn Hyatt, các văn phòng và thậm chí cả 1 viện bảo tàng.
“Các tòa nhà tại Nanjing sẽ có những loài thực vật khác với Milan vì 2 khu vực này có những điều kiện tự nhiên và đa dạng sinh học khác nhau. Tuy nhiên các triết lý và cách tiếp cận của các tòa nhà này là giống nhau”, Boeri nói khi so sánh 2 tòa tháp tại Nanjing với 2 tòa tháp đầu tiên được ông “phủ xanh” ở Milan.
Nhà thiết kế người Ý đặc biệt tự hào về dự án đầu tiên của mình. “Đó là một hệ sinh thái. Đối với mỗi người thuê nhà sẽ có 2 cây gỗ, 8 cây bụi nhỏ và 20 loại thực vật khác”, Stefano Boeri cho biết thêm.
Ngoài Trung Quốc, mô hình “tháp cây” cũng được phát triển tại Tirana, Albania và Paris. Một dự án khác sẽ được xây dựng tại Lausanne (Thụy Sỹ) trong vài tuần tới.