Hôm trước nhân mấy thầy trò bàn vui về việc có những ý kiến đề xuất gộp Tết ta vào Tết tây cho gọn gàng, tiết kiệm, an toàn…, thì lại thấy hình như đang có hiện tượng “Tết ta hóa Tết tây”. Nghĩa là, từ lâu đầu năm mới dương lịch vốn được gọi là Tết thì đã đành rồi, nay lại thấy đến dịp này, bà con ta bắt đầu “chơi” Tết Nguyên đán sớm. Thế là, đã thấy có người khuân về nhà đào, quất, bình, lọ… và các thức hoa trái, đồ đựng này kia, cùng với bạt ngàn lan và những kỳ hoa dị thảo khác mà ngay đầu năm dương đã ngờm ngợp khắp nhiều hè phố rồi. Không đủ chỗ mà bày hàng hóa trước xuân Tết phục vụ các “thượng đế”, người ta phải giăng ra các bãi trống lớn, rộng như quảng trường. Và không ít người trong mấy ngày nghỉ Tết dương lịch này, đã lượn ra sắm sửa dần. Nhiều người cũng tranh thủ đi làm về, có việc đi qua cũng tạt vào ngắm nghía, khảo giá.
Và lâu lâu ngày trước thì sau Tết dương còn im ắng, chứ thường những năm qua, quãng thời gian từ Tết tây đến Tết ta đã là cả một chuỗi không khí rộn ràng. Ở đó có nao nức nghĩ trước về Tết Nguyên đán; có hồi hộp chờ đợi đến những ngày giáp Tết, áp Tết, những mong ngóng tất niên, Giao thừa; có tất bật, có hối hả của sự sắm sanh, chuẩn bị, tính toán thức này thức nọ; có khi rành rọt, cụ tỉ từng thứ, có lúc đập tay vào trán, à quên béng mất cái này… Và có cả những bâng khuâng của hồi tưởng, hoài niệm khi thời gian bắt đầu chuyển sang tính theo lịch âm của tháng Chạp với những cái mốc quan trọng, nào là rằm rồi đây, hăm ba ông Công ông Táo, nào hăm bảy, hăm tám…, Tết sầm sập đến rồi kìa… Cùng cả những ngẫm ngợi đời sống, sum vầy, tụ, tan, cách trở… trong chuỗi ngày mà thời gian cuối năm gợi nhắc tuổi người, sự đời, những lãng đãng gần xa nhân thế.
Thế rồi khi Tết sập đến một cái, thì chuỗi chúc tụng, hàn huyên, thăm nom liên miên mấy ngày mồng Một, mồng Hai, mồng Ba…, rồi lên chùa, lễ đình, đền… trôi nhanh lắm, vuột qua lúc nào không biết. Và người ta bảo nhau, chuẩn bị thì lâu chứ ăn Tết sao mà nhanh thế, ngoảnh đi ngoảnh lại một cái đã hết Tết rồi. Tiếc quá! Và trong nhà chị em, bạn bè lại nói với nhau, thực ra cái lúc chuẩn bị cho Tết mới là thích, là vui, là xốn xang chờ đợi chứ vào Tết một cái là chẳng vui bằng nữa! Như vậy, lại cảm thấy rằng, chính những ngày chưa Tết hình như đã… là Tết rồi đấy, khi mà người ta được sống trong một trạng thái khác lạ so với chuỗi ngày thường suốt bao lâu qua và rất nhiều khi trong những cái ngày chờ mong ấy, đã có thể được… vui như Tết.
Tôi ghé phòng làm việc người bạn đồng nghiệp, từ căn phòng tòa nhà non thế kỷ đã bày sẵn bình cúc dưới bức tranh khắc gỗ mực hồng mới đưa về, nhìn qua cửa sổ rộng thấy màu Tết đầy sân cơ quan. Ấy là tranh thủ mặt bằng sân gạch cũ ngay liền hè phố, người thuê chỗ bán bình gốm, chậu men, các thứ chai lọ và một dãy quất đã tập kết lượng hàng lớn, tạo nên một khung cảnh đa sắc trong phố cuối năm đang ồn ào hơn lên. Chỉ mấy ngày nữa thôi là đoạn đầu con phố nhà binh này, bạn nói, vốn chẳng phải chợ hoa truyền thống trong khu phố cổ Thủ đô, rồi cũng đầy ngập đào, quất người ta bày như chợ vậy.
Tôi vừa trở về đây từ ngôi chùa lớn trên quả núi dài ven dòng sông Đuống. Ngày thường mà đã mang cảm giác như sắp vào lễ hội chùa mồng Bốn tháng Giêng vậy. Người chưa thật đông, nhưng đã xôn xao các ki ốt bán đồ lễ dưới chân núi, phía ngoài cổng chùa. Và dân các nhà có bãi mở dịch vụ trông xe ở phía ngoài đã nhấp nhổm giữa đường vẫy, “lùa” khách. Ai “dại” gì mà tưởng “người nhà chùa” cơ chứ, người ta đi thẳng xe vào gửi trong bãi của chùa cho an tâm. Nhìn những nhóm khách ăn diện thong dong bước từng bậc đá lên ngôi chùa trên thềm cao, tôi nhớ những ngày xuân cũng ở nơi này mươi, hơn mười năm trước, nhiều người đi lễ trông còn lam lũ. Những con đường mở rộng, trải nhựa phẳng nhẵn kéo về quanh chốn hắt hiu một thời chưa xa này, đã góp thêm vào bao nhiêu thay đổi. Người ta đã có thể thoải mái rong xe theo những đường đê, đường tỉnh lộ, liên huyện để qua lại giữa các địa bàn mà không bị phụ thuộc vào đường cao tốc ngoài xa xa kia, để từ đó đến những nút giao lớn rồi mới rẽ vòng về những chốn như thế này, phải tốn khá nhiều đường đất. Không khí sung túc gợi cảm tưởng hội hè như gần lại hơn.
Ngay cả trước cuối năm dương lịch những hàng tháng, chúng tôi theo đường cao tốc và quốc lộ cũ xuyên các huyện, xã giáp ranh hai tỉnh miền đất Kinh Bắc xưa, cũng đã thấy ít nhiều xôn xao của đời sống các khu công nghiệp đang chuyển động. Ít bị ảnh hưởng của tình cảnh giảm việc, mất việc như ở các khu công nghiệp địa phương khác, nơi này có gì đó vẫn ánh lên tươi tắn hơn trên những con đường vào đêm đã thắp sáng hàng loạt đèn đường, đèn các khu sản xuất, đèn các khu chợ công nhân, các khu phố trọ, nhà trọ, khu nhà ở người lao động nơi này. Những con đường vào tối lại không thưa vắng người. Mà trái lại, người tan ca, người vào ca đêm, người tranh thủ chạy đi mua sắm, đèn xe lấp loáng những con phố huyện trên miền đất cày cấy một thời chỉ chiều xuống đã thưa vắng, ắng lặng.
Bây giờ một số xã, huyện nông nghiệp, nông thôn thuở nào đằng đẵng ấy, đang chuyển đổi dần theo hướng tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất, phố hóa theo mô hình đô thị xanh, và người nông dân trăm năm cày cuốc đã có nhiều phần đổi sắc trang phục công nhân, lại đón thêm nhiều công nhân mới là cư dân các vùng đất khác tìm về. Có những công nhân trẻ chúng tôi trò chuyện, xuống từ Hà Giang, Tuyên Quang… hoặc là người sở tại, khá gần nhau ở dự định tới đây. Đó là ở lại làm xuyên Tết, tranh thủ cải thiện bù trừ cho những thiếu thốn chung từ đợt dịch bệnh quần thảo xứ Bắc này. Nghe chừng cũng vất vả chứ chẳng ai nói cố gắng làm việc nhiều mà sung sướng cả! Nhưng thời buổi người khôn của khó, đơn hàng, việc làm lắm nơi bấp bênh, có được cơ hội mà làm tiếp đã là may mắn. Vì thế mà trong những ngày trước năm mới còn xa ấy, chưa có sắc xuân màu Tết của hàng hóa, của sắm sanh, của nghỉ ngơi, mà chúng tôi vẫn thấy trong lòng người lao động hừng lên những sáng sủa của tháng lương thứ mười ba thưởng Tết, của công xá nhân lên dịp làm xuyên Tết ở lại công ty.
Có Tết trong lòng những người lao động trẻ tranh thủ ấy không! Ngồi ngẫm mùa màng, thời tiết dịch chuyển, báo hiệu bằng những chồi lộc và thăng hoa trong vui say đoàn viên. Mùa xuân, tháng Tết của thời hiện đại bây giờ, càng lấp lánh những ánh kim quà bánh, vật chất mà những sung túc, thực dụng, trải nghiệm đa dạng và hưởng thụ tràn lan, nhiều khi chẳng biết thế nào mà nhận ra cho rõ. Thì trong bao nhiêu nao nức và hào nhoáng ấy, một không khí cần lao những ngày thời gian và trời đất chuyển giao, liệu có gì gọi là sắc xuân, mùi Tết được không đây? Tầm này thì các chợ công nhân nơi đó đã đủ đầy hàng hóa Tết cả rồi, và tranh thủ ngày nghỉ hay những quãng nghỉ trong ngày chờ vào ca, người ta sẽ sắm những món đồ lễ, những quà bánh vừa vặn, giản dị, một phần gửi về ông bà, bố mẹ ở quê xa, một phần dùng tại chỗ. Bởi sát Tết, tất bật làm thì đâu còn thời giờ mà chuẩn bị nữa. Thế là như nhiều người đã ví von về cái quãng trước Tết mà như Tết vậy, ít nhiều những ai đó dù thiếu Tết đợt tới thì cũng đã, đang có những khoảng xốn xang, những phút lặng mà nao nao xuân Tết cho mình.
Là như vậy đó, trên đường đến Tết, chúng ta gặp những hình, những tiếng, những sắc hương làm cho ta thấy như mình đang được chạm đến, đang được hưởng những món quà của xuân mới. Nó cho mình tươi tắn, cho những hoài niệm, hy vọng và tin vào những gì thực đang tươi xuân, đang thắm dần lên quanh đây. Ngẫm cái thói quen đi mua báo xuân, tìm đọc những giai phẩm Tết đã thành một thú vui, một cái nếp hằng năm đậm màu văn hóa, văn nghệ của bao người chờ xuân. Và cả chọn, mua những cuốn lịch năm mới thắm đỏ áo bìa đón Tết nữa. Thế mà giờ, các sạp thưa đi nhiều và lịch cũng tiêu thụ ít hơn trước do người ta xem lịch trên mạng, trên điện thoại di động rồi, thế nên chỗ bên cạnh cổng cơ quan nơi tôi làm, vốn là một điểm đến của người đón đợi, tìm mua lịch, mua báo xuân và đã như một địa chỉ văn hóa bên hồ Gươm vậy. Nhưng một chặng thời gian tạm không duy trì dịch vụ nữa, xem chừng không gian hơi… “ỉu”. Vậy mà, dường như không chỉ riêng câu chuyện kinh doanh nhỏ lẻ, mà một phần vì nhớ cái không khí Tết sớm ấy, nhớ những người mua, không muốn người ta phải bâng khuâng thấy thiếu thiếu đi qua nơi chốn từng thân thuộc, đã lại có những người tạm bày báo mới, treo lịch mới mà bồi hồi đón lại những chào mời, những bán mua, những hỏi thăm và đôi ba câu chuyện vui chờ đến Tết Quý Mão 2023, ngẫm lại mấy cái Tết dịch bệnh lao đao vừa rồi.
Sáng đến làm việc, hơi giật mình gặp lại những sạp hàng với sắc Tết quen thuộc trên hè lác đác lá rơi và có lúc thư thư bước ra cổng xem đường phố, nhìn lịch treo đỏ dần, kín dần trăm vẻ các bìa báo xuân, tôi lại nao nức thấy được tiếp vào mình một dòng chảy của hóng Tết, chờ Tết và nhận trước những tín hiệu thiện lành của mùa xuân đang thổi đến./.