Aa

Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam: "Không tuân thủ luật, doanh nghiệp như đánh đu trên dây"

Mai Dương
Mai Dương dohongvan115@gmail.com
Thứ Năm, 13/10/2016 - 21:30

Luật sư Trương Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, chiến lược phát triển của doanh nghiệp không song hành cùng tuân thủ pháp luật thì doanh nghiệp có thể đổ vỡ trong tích tắc.

Trước thềm Đại hội Hiệp hội BĐS Việt Nam nhiệm kỳ IV, Luật sư Trương Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế đã trả lời PV Reatimes về hoạt động của Ban trong việc nghiên cứu chính sách, đi sâu vào thực tiễn thị trường để tham mưu cho Lãnh đạo Hiệp hội trong công tác phản biện xã hội.

Đồng thời, ông Tuấn cũng nói đến tầm quan trọng của pháp luật trong hoạt động BĐS, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập như hiện nay.

Luật sư Trương Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam

Luật sư Trương Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam

PV: Là cánh tay đắc lực của Hiệp hội BĐS Việt Nam, Ban Pháp chế đã có hoạt động gì để làm tốt chức năng nghiên cứu chính sách, đi sâu vào thực tiễn thị trường, tham mưu cho Lãnh đạo Hiệp hội?

LS Trương Anh Tuấn: Ban pháp chế được thành lập cuối năm 2015 với cơ cấu gồm các luật sư, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý doanh nghiệp (DN) trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Sự ra đời của Ban pháp chế cho thấy các lãnh đạo đã rất quan tâm đến vấn đề pháp lý với Hiệp hội và với thị trường BĐS. 

Hoạt động của ban pháp chế triển khai mạnh và rõ ràng nhất là đóng góp vào dự thảo các văn bản pháp lý liên quan đến lĩnh vực BĐS hoặc liên quan đến vị trí, vai trò của Hiệp hội. Đấy là mặt nổi bật được các cơ quan nhà nước đánh giá tốt, tích cực về sự tham gia đóng góp vào quá trình soạn thảo văn bản pháp luật mà Hiệp hội đã nêu ý kiến.

Về việc đi sâu vào thực tiễn thị trường để tham mưu cho Lãnh đạo Hiệp hội trong công tác phản biện xã hội, bản thân các thành viên trong ban pháp chế có những người cũng hoạt động DN, vì thể khi họ thấy những khó khăn trong hoạt động thực tiễn đã cập nhật ngay tình hình để nghiên cứu, phát hiện và nêu ra bất cập.

PV: Công tác tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp hội viên, các DN bất động sản, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế khi tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam có ý nghĩa quan trọng thế nào trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?

LS Trương Anh Tuấn: Vấn đề pháp lý từ trước đến nay luôn là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Tại sao trong thời gian gần đây nó mới được nhấn mạnh, nêu lên nhiều và có giá trị cao hơn? Vì sự phát triển của xã hội dẫn tới nhận thức của mọi người nâng cao lên.

Trải qua thăng trầm trong hoạt động BĐS, mọi người hiểu rõ hơn về giá trị, vai trò của pháp luật, khi người ta sử dụng pháp luật, làm pháp luật, biết cách vận dụng luật thì DN đó sẽ tồn tại và trụ vững hơn. 

Đất nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng, chúng ta muốn vươn ra nước ngoài chúng ta phải hiểu rõ luật chơi. Khi chúng ta mở cửa thị trường để các nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường BĐS Việt Nam, chúng ta cũng phải có luật chơi rõ ràng và ai cũng phải tuân thủ.

Ngay từ sự nhận thức của những người làm trong cơ quan quản lý nhà nước đã thay đổi, họ chú ý mạnh mẽ đến vai trò của luật, đó cũng cơ hội rà soát đến hệ thống pháp lý.

PV: Riêng đối với các DN BĐS Việt Nam, pháp luật có ý nghĩa thế nào thưa ông?

LS Trương Anh Tuấn: Hiện nay sự phát triển thị trường BĐS tập trung đến lĩnh vực nhà ở nên ý thức mọi người từ chủ đầu tư, khách mua nhà... đều thấy pháp luật quan trọng hơn.

Chiến lược phát triển của DN không song hành cùng tuân thủ pháp luật thì DN có thể đổ vỡ trong tích tắc. Nếu dùng pháp luật, quản trị DN tốt thì mọi vấn đề tư vấn khác sẽ hỗ trợ, bổ trợ cho DN để đạt được mục tiêu lợi nhuận cao nhất. 

Nếu không sử dụng pháp luật và quản trị DN tốt thì DN giống như đánh đu trên một sợi dây để đi qua vực thẳm đến bờ bên kia tìm kiếm lợi nhuận. Khi xây dựng DN đi đúng pháp luật, quản trị DN tốt thì tự DN đã đi trên con đường rộng, an toàn để đến đích mà không lo rủi ro pháp lý. 

Xét về cách xử lý vấn đề trên thực tế thì DN thiên về những giải pháp, trong đó áp dụng luật đóng vai trò thứ yếu. DN có xu hướng xử lý bằng mối quan hệ, theo những cách dùng pháp luật để bổ trợ mà không phải là chủ đạo thực hiện. Cách giải quyết vấn đề này thường dẫn tới mọi việc có vẻ nhanh, nhưng thực tế lại có nhiều rủi ro vì tùy thuộc vào sự thăng trầm của mối quan hệ, vì vậy có độ rủi ro cao hơn so với việc lấy pháp luật làm xương sống, cơ sở chủ đạo để phát triển DN.

PVTheo ông, giải pháp nào để phát triển, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn pháp lý của Hiệp hội tới cộng đồng các DN BĐS?

LS Trương Anh Tuấn: Hiệp hội bất động sản là tổ chức đại diện cho cộng đồng các DN kinh doanh bất động sản tại Việt Nam. Với sứ mệnh và tầm nhìn thông suốt, Hiệp hội đã tham gia đóng góp tích cực cho cộng đồng DN bất động sản.

Hiệp hội đã tích cực tham gia xây dựng pháp luật, nêu ý kiến về những vướng mắc, khó khăn của cộng đồng DN với các cơ quan quản lý Nhà nước, điển hình là cuộc gặp giữa Hiệp hội bất động sản với Bộ Xây dựng ngày 12/8/2016

Để nâng cao hoạt động tư vấn pháp lý của Hiệp hội tới cộng đồng các doanh nghiệp BĐS, theo tôi trước tiên phải tác động tới nhận thức của các DN, nói cho họ biết có Ban Pháp chế, phạm vị, chức năng nhiệm vụ và hoạt động của Ban. Từ đó khi doanh nghiệp phát sinh nhu cầu, họ sẽ tìm đến sự tư vấn. Đây là nơi đại diện cho các doanh nghiệp BĐS, như vậy tiếng nói cộng đồng sẽ khác với tiếng nói đơn lẻ. 

Về mặt Ban Pháp chế, Ban sẽ thực hiện đúng vai trò hoạt động chuyên môn, cần phải có đội ngũ tinh hơn, thường xuyên hơn, đồng thời tạo cơ chế để các thành viên gắn bó với Hiệp hội. Tạo cơ chế cho các hội viên để hoạt động mạnh mẽ và tích cực hơn.  Tôi tin rằng Ban Pháp chế hội tụ đầy đủ các yếu tố về trình độ, chuyên môn để đáp ứng nhu cầu tư vấn, hỗ trợ DN. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top