Aa

Trương Gia Bình – “Bưởng trưởng” mỏ vàng trí tuệ Việt Nam, Kỳ 3: “Bưởng trưởng” xuất hiện và đi “lùa” nhân tài!

Thứ Sáu, 07/10/2016 - 06:51

Với Trương Gia Bình, việc hình thành và lãnh đạo một tổ chức xã hội-nghề nghiệp không phải là quá khó, bởi anh lúc này là đương kim Chủ tịch Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam đang hoạt động đầy ấn tượng và hiệu quả.

Chỉ ít lâu sau cuộc gặp “tam anh” ở quán cà phê Le Tonkin, Ban vận động thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 988/QĐ - BKHCNMT, ngày 18/6/2001 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường gồm 10 thành viên: Trưởng ban Trương Gia Bình, Tổng giám đốc Công ty FPT. Phó trưởng ban Hà Thế Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CMC, Nguyễn Nhật Quang, Giám đốc công ty Hài Hòa và các Ủy viên: Lê Anh Dũng - Công ty AIC, Phan Quốc Khánh - Công ty FAST, Vũ Hoàng Liên - Công ty VDC, Võ Văn Mai - Công ty HIPT, Phí Mạnh Hoàn - Công ty CABPRO, Lê Anh Tuấn - Công ty TTC, Trịnh Ngọc Tuấn - Công ty Giang Nam.

Hơn ai hết, Trương Gia Bình hiểu rằng như vậy vẫn chưa đủ, phải tìm cho được một Tổng Thư ký giỏi giang, thạo việc thì sự nghiệp khai thác “mỏ vàng trí tuệ” này mới có thể thành công. Và ngay lập tức, anh nghĩ đến Phạm Tấn Công (hiện đang là Phó Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương) khi ấy là Tổng Thư ký Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam.

Ông Trương Gia Bình

Ông Trương Gia Bình

Anh Bình kể: “Tôi phải dụ Phạm Tấn Công vì ông Công không liên quan gì đến phần mềm, rất lạ lẫm. Nhưng tôi thổi ra đó là tương lai rực rỡ của đất nước. Một nền công nghiệp đem lại cho đất nước 500 triệu USD, không kém gì xuất khẩu gạo, hơn cả xuất khẩu than. Thế là ông Công máu, ô kê liền!”

Còn anh Tấn Công thì tâm sự: “CNTT là ngành mình rất thích. Mình không học CNTT nhưng từ những năm 80 đã tiếp xúc với CNTT tại châu Âu khi du học. Luận văn tốt nghiệp là lập mô hình toán học, sử dụng hoàn toàn bằng máy tính, cũng phải tự lập trình. Lúc đó, tiếp cận CNTT thì rất mê, dù dùng máy tính cổ lỗ sĩ của Nga, bộ đục lỗ... Nghe anh Bình nói, mình rất thích vì một việc có thể đem lại 500 triệu USD cho đất nước thì rất vĩ đại, cộng thêm lại có niềm tin vào tầm nhìn của anh Bình.

Không ngần ngừ, mình gật chơi luôn. Anh Bình nói cần phải xây dựng, thiết kế lên tổ chức hiệp hội, sau đấy xúc tiến công việc, tập hợp hội viên, chuẩn bị tổ chức Đại hội”.

Ngày 27/4/2002, tiến hành Đại hội lần thứ I nhiệm kỳ 2002-2005, Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) chính thức thành lập với 55 hội viên ban đầu, anh Trương Gia Bình được bầu làm Chủ tịch.

Theo anh Nguyễn Nhật Quang, giám đốc công ty Hài Hòa, một điều lạ là những người sáng lập, những người đầu tiên tham gia VINASA đều a-ma-tơ về CNTT, vì đều tốt nghiệp đại học từ trước khi có máy tính PC, và a-ma-tơ về kinh doanh vì toàn giáo viên đại học, viện sĩ ra làm, không biết kinh doanh, luật lệ không thạo, không biết quản lý con người trong kinh doanh thế nào... Một nghịch cảnh nữa là Hiệp hội ra đời trong bối cảnh chưa có ngành phần mềm. Cái hay là hiệp hội doanh nghiệp về một ngành công nghiệp nhưng ra đời trước khi ngành công nghiệp đó hình thành. Một trong những hoạt động của hiệp hội là vận động để hình thành ngành công nghiệp đó. Lúc đó, không có doanh nghiệp thuần túy phần mềm, đều là doanh nghiệp phần cứng, tích hợp phần cứng, bắt đầu phát triển phần mềm, nhưng có niềm tin rằng tương lai của ngành CNTT là ở phần mềm.

Có lẽ chính cái lạ và cái nghịch cảnh ấy đã làm nên những dấu ấn khó phai mờ của nhưng người tiên phong cho nền CNPM Việt Nam phát triển sau này.

Những nhân tài mà “Bưởng trưởng” Trương Gia Bình “lùa” về còn có anh Kim (tiến sĩ trẻ mới đi học ở Mỹ về), chị Tâm (mới ở Đan Mạch về), chị Hà (Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Anh Trần Đoàn Kim kể: “Hồi đó, ngoài công việc ở FPT, anh Bình còn là một trong những Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam, chủ nhiệm khoa Quản trị kinh doanh của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSB). Đợt đấy đi học ở Mỹ về, tôi giới thiệu đối tác Ôxtrâylia cho khoa Quản trị kinh doanh của anh Bình. Đến gặp anh Bình và đối tác, anh Bình thấy ấn tượng thì mời về HSB, về khoa để làm giảng viên. Mình mới học thạc sĩ ở Mỹ về, thấy HSB cũng hay nên về làm việc từ năm 1999 – 2002.

Anh Bình rất ấn tượng với anh Công trong chuyện điều hành Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, nên anh Bình mời anh Công tham gia VINASA. Nhưng vì anh Công nhiều vai quá, vừa là người của Đoàn thanh niên, kiêm Phó ban Thanh niên, lại kiêm Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ, lại kiêm cả Tổng thư ký VINASA. Lúc bắt đầu thành lập VINASA, anh Công gần như chỉ kiêm nhiệm thôi, không ngồi ở đấy, lúc nào có việc gì thì đến chỉ đạo. Hiệp hội vẫn cần một người điều hành chính hoạt động hàng ngày.

Tôi có thời gian giúp anh Bình quản lý điều hành các hoạt động của bên Khoa mấy năm. Nên anh Bình tin tưởng, mời tôi về giúp. Không bỏ hẳn HSB, chỉ mang tính chất biệt phái, vẫn có thể đi dạy được. Còn mình sang VINASA quản lý điều hành. Quyết định biệt phái không ghi thời hạn. Đến 2006 thì tôi thôi, quay trở lại nghề dạy học và quản lý điều hành”.

Thế mới biết, cái ông “bưởng trưởng mỏ vàng trí tuệ Việt Nam” kỹ càng và khôn ngoan như thế nào trong vấn đề tổ chức nhân sự.

Kỳ sau: Một cam kết quốc tế liều lĩnh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top