Aa

Trương Gia Bình –“Bưởng trưởng” mỏ vàng trí tuệ Việt Nam, Kỳ 4: Một cam kết quốc tế liều lĩnh

Thứ Hai, 10/10/2016 - 08:13

Cho dù được đào tạo bài bản ở nước ngoài, rồi với vai trò Tổng giám đốc FPT đi công tác nước ngoài như cơm bữa, vậy mà khi nhận trách nhiệm “Bưởng trưởng” mỏ vàng trí tuệ Việt Nam, Trương Gia Bình cùng với VINASA non trẻ khi bước vào hội nhập quốc tế trong lĩnh vực phần mềm vẫn như anh nông dân quê mùa lần đầu tiên ra thành phố.

Trương Gia Bình quyết định lấy mô hình NASCOM của Ấn Độ (lúc đấy là cường quốc phần mềm với doanh thu 30 tỷ USD) để nghiên cứu và xác định, ngành phần mềm Việt Nam phải tham gia vào chuỗi giá trị của ngành phần mềm thế giới. Mà đầu tiên là tham gia Tổ chức hiệp hội khu vực châu Á – châu Đại Dương của các doanh nghiệp CNTT có tên gọi là ASOCIO.

Dù còn rất nghèo nhưng  “Bưởng trưởng” Trương Gia Bình vẫn cử anh Nhật Quang, anh Thế Minh CMC đi hội nghị ở Philippines khi ASOCIO tổ chức hội nghị thường niên. Tại đây, ASOCIO chính thức công nhận VINASA đại diện Việt Nam tham gia là hội viên của ASOCIO, đánh dấu mốc CNTT Việt Nam chính thức kết nối với cộng đồng CNTT khu vực.

Liền sau đó, tháng 10/2002, VINASA được công nhận là thành viên chính thức của Liên minh CNTT thế giới WITSA, là tổ chức liên minh toàn cầu các Hiệp hội doanh nghiệp CNTT các quốc gia, chiếm trên 90% thị trường CNTT thế giới.

Tháng 11/2002, VINASA trở thành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm làm Trưởng ban.

Có một câu chuyện liều lĩnh mà đến bây giờ khi kể lại, không ít thành viên tham gia khi đó vẫn còn hồi hộp. Đó là tại hội nghị ASOCIO 2002, khi các bạn bàn về sự kiện hàng năm quan trọng nhất của họ, cũng là sự kiện CNTT lớn nhất của 2 châu lục - Đại hội đồng ASOCIO - là chuyện tìm đơn vị đăng cai. Trong lúc bạn đang cân nhắc, 2 đại diện Việt Nam thấy nếu đăng cai thì nhận được 20.000 USD của ASOCIO hỗ trợ nên xung phong giơ tay nhận luôn.

Lúc đấy, Việt Nam với tinh thần hăng hái, muốn khẳng định vị thế luôn ngay sau khi gia nhập. Nhận xong thấy khối lượng công việc khổng lồ quá. Chi phí thực tế nếu tổ chức ngon lành thì số tiền phải gấp đến 20 lần. Vậy làm sao bây giờ?

Sau khi về nước, Trương Gia Bình gửi báo cáo ngay cho Bộ Bưu chính Viễn thông về cơ hội của Việt Nam trong việc đăng cai sự kiện lớn nhất của ASOCIO, và báo cáo Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm.

Sau đó, Trương Gia Bình và anh em Lãnh đạo Hiệp hội lên gặp Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, lúc đó là Trưởng Ban Chỉ đạo CNTT Quốc gia, và Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá. Thật may mắn, cả hai ông đều rất ủng hộ việc CNTT Việt Nam hội nhập với thế giới. Thấy cơ hội thuận lợi, “Bưởng trưởng” Trương Gia Bình bắt đầu trổ tài “chém gió”.

Đầu tiên là trình bày về ASOCIO Summit và WITSA thật “oách”, rằng họ đến Việt Nam là một vinh dự, là đem cơ hội cho CNTT của Việt Nam phát triển. Vì vậy, việc tổ chức như thế cần kinh phí rất lớn vì hàng trăm đại biểu từ các quốc gia trên thế giới đến, thuê địa điểm ở Melia rất hoành tráng, take care đại biểu... 

Và cái tài hùng biện ấy đã thuyết phục được Chính phủ đứng ra bảo trợ event và đồng ý hỗ trợ VINASA 1,5 tỷ đồng. Ôi, một hiệp hội mới thành lập, xuất phát điểm quỹ hoạt động có 400 triệu đồng, sau đó 1 năm cứ teo dần đi, ngân sách chỉ còn trên dưới 100 triệu đồng. Đến tháng 11/2013, được ngân sách Nhà nước rót cho 1,5 tỷ đồng để tổ chức hội nghị này. Ai nấy đều sướng tê người.

Thế mới biết, tài “chém gió” cũng là một tài sản.

Ấy là ở trong nước. Khi đã có tiền Chính phủ tài trợ rồi, ra nước ngoài “chém gió” kiểu gì để các thành viên quốc tế đến Việt Nam dự đại hội này càng nhiều càng tốt? Bởi trước đó, Việt Nam chưa bao giờ có sự kiện lớn, thu hút từng đó nước đến, toàn lãnh đạo Chính phủ, doanh nghiệp CNTT hàng đầu như vậy.

Đầu năm 2003, Trương Gia Bình và Phạm Tấn Công  sang Hội nghị ban chấp hành của ASOCIO tại Nepal để bảo vệ phương án tổ chức Đại hội của mình. Đến phần thuyết trình của Việt Nam chỉ được dành 7 phút, một đại biểu Malaysia tình cờ đi ngang qua làm ngắt dây máy tính. Lúc đó, khởi động máy tính không nhanh như bây giờ. Không để phí thời gian, “Bưởng trưởng” Trương Gia Bình liền nhảy lên nói vo luôn, không cần slide, thể hiện rõ tài hùng biện của mình.

Anh nói rất khéo rằng đến với Việt Nam là đến với Thủ đô có 1.000 năm lịch sử. Cả hội nghị ồ lên. Anh còn khuyến cáo nên dẫn theo vợ cho đỡ phí, nhất là các bà vợ mê shopping thì không thể bỏ lỡ cơ hội này. Hội nghị ồ lên rất nhiều câu cảm thán. Được ½ bài thuyết trình thì đoàn Việt Nam đã thuyết phục được toàn thể hội nghị.

Sau khi nối được máy tính, qua slide, ta đưa ra nhiều hình ảnh đẹp về Việt Nam, sự quan tâm của Chính phủ với CNTT. Lúc đấy, ngành CNTT còn khá non trẻ, không thể giới thiệu thuyết phục được bởi số liệu rất nhỏ bé. Năm 2002, lúc VINASA mới thành lập, doanh số mới chỉ có 50 - 60 triệu USD, quá nhỏ bé, không đáng nói, lực lượng lao động không có gì. VINASA phải lấy văn hóa, con người Việt Nam, hình ảnh du lịch Việt Nam ra để thuyết phục.

Với tài tổ chức của các nhà lãnh đạo trẻ của VINASA do Trương Gia Bình đứng đầu, tháng 11/2003, Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh CNTT châu Á – châu Đại Dương, trên 700 đại biểu từ hơn 30 quốc gia tham dự, là sự kiện CNTT quốc tế lớn nhất khu vực, được báo chí trong nước và thế giới đánh giá rất cao.

Sau đại hội ASOCIO lúc đấy, VINASA tạo được tiếng vang lớn và nhiều người bắt đầu biết đến VINASA, nhìn với con mắt khác. Một hiệp hội non trẻ mới có 1 năm thành lập đã tổ chức được đại hội mang tính thế giới chứ không phải khu vực. Vì có sự tham gia của WITSA, có thêm các “ông” từ Mỹ, Úc, Canada, châu Phi...

Vài năm sau đó, “Bưởng trưởng” Trương Gia Bình được bầu làm Phó Chủ tịch ASOCIO./.

Kỳ sau: Nếm mùi thất bại!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top