Aa

TS. Bùi Trinh: "Hiện chưa có cách nào chống doanh nghiệp FDI chuyển giá"

Thứ Tư, 20/12/2017 - 06:01

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, tại nhiều doanh nghiệp FDI, tổng số thuế được ưu đãi từ khi đi vào hoạt động tương đương số vốn họ bỏ ra đầu tư vào Việt Nam.

Qua 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam (1987 – 2017), không thể phủ nhận những đóng góp của khu vực này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), tính đến 20/11/2017, Việt Nam đã thu hút được hơn 316,9 tỷ USD vốn FDI đăng ký. Trong đó, trên 170,8 tỷ USD đã được giải ngân, đưa vào đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp có vốn FDI. Nguồn vốn này hiện đã chiếm tới gần 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm.

Tuy nhiên, bên cạnh các quan điểm đồng thuận, những đóng góp của FDI vào nền kinh tế như góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. TheLEADER đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Bùi Trinh xung quanh vấn đề này.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh

PV: Ông có nhận định như thế nào về những đóng góp của khu vực FDI đối với nền kinh tế Việt Nam?

TS. Bùi Trinh: Sự tăng trưởng của khu vực FDI tại Việt Nam kéo theo ba yếu tố mà nền kinh tế được lợi là thu nhập của người lao động, xuất khẩu và thuế gián thu.

Xét trên ba yếu tố này, thứ nhất về thu nhập của người lao động, có thể thấy rằng lao động người Việt Nam chủ yếu là lao động giá rẻ, các vị trị chủ chốt trong doanh nghiệp FDI đều là người nước ngoài.

Do những người này thường trú ở Việt Nam trên một năm nên về nguyên tắc, lương của họ vẫn tính vào giá trị gia tăng của nền kinh tế. Trong khi đó, thu nhập của từ 8 – 10 người Việt Nam mới bằng lương một người nước ngoài.

Mặt khác, số lao động người Việt Nam tại các doanh nghiệp FDI hiện nay cũng chỉ chiếm khoảng 3% tổng lao động trên cả nước. Nói như vậy để thấy rằng, tác động của khu vực này đối với việc giải quyết việc làm cho người dân Việt Nam là chưa nhiều như kỳ vọng.

Thứ hai là xuất khẩu. Theo phân ngành mới của Liên hiệp quốc thì Việt Nam không có công nghiệp chế biến. Những giá trị xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI không được tính vào xuất khẩu của Việt Nam theo như phân ngành mới của quốc tế.

Đó là thặng dư của nước đầu tư FDI và chỉ có một phần rất nhỏ thuộc về Việt Nam. Lâu nay đều do chúng ta "tự nhận" những giá trị vốn không phải của mình.

Bên cạnh đó, khi đầu tư sang Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp FDI đều báo cáo lỗ hoặc lãi một chút. Như vậy, thuế thu nhập doanh nghiệp phía Việt Nam thu được cũng chẳng là bao.

Năm 2016 tổng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp của khối FDI được miễn giảm và ưu đãi ở mức 35.300 tỷ đồng. Tại nhiều doanh nghiệp FDI, tổng số thuế được ưu đãi từ khi đi vào hoạt động tương đương số vốn họ bỏ ra đầu tư vào Việt Nam.

Thứ ba là thuế gián thu: Thuế gián thu các doanh nghiệp FDI cũng được ưu đãi về chính sách thuế. Hầu hết các doanh nghiệp FDI đều làm gia công rồi xuất khẩu. Các doanh nghiệp này do xuất khẩu trực tiếp nên đầu vào nhập khẩu được ưu đãi thuế.

Thuế này về bản chất là người dân Việt Nam phải trả khi sử dụng sản phẩm của họ. Sử dụng sản phẩm FDI trong trường hợp hầu hết là gia công thực chất là dùng hàng nhập khẩu dưới hình thức khác. Trong khi các doanh nghiệp nội không được ưu đãi thuế nếu bán hàng trong nước.

Còn về việc các doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế thì đây là thực trạng chung của tất cả các doanh nghiệp, kể cả trong nước và trên thế giới. Hiện nay chưa có cách nào chống chuyển giá. Để làm được điều này đòi hỏi phải có sự liên kết trên toàn thế giới.

PV: Đối với những tác động của FDI đối với tăng trưởng GDP của Việt Nam, ông có nhận định như thế nào?

TS. Bùi Trinh: Nhìn vào số liệu tăng trưởng GDP theo thành phần kinh tế trong khoảng thời gian 2005 – 2016 có thể thấy, các thành phần kinh tế trong nước có mức tăng trưởng bình quân trong 12 năm thấp hơn mức tăng trưởng GDP bình quân chung (6,1%), chỉ có khu vực FDI tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung (7,5%).

Như vậy, phải chăng, khu vực FDI đang là khu vực “gánh” tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian vừa qua chủ yếu nhờ các nhân tố như đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như Samsung. Trong khi nội lực chưa được tăng cường, năng suất lao động chưa được cải thiện. Điều này là hết sức đáng lo ngại đối với sự tăng trưởng.

PV: Vậy theo ông, Việt Nam cần có giải pháp gì để tăng trưởng kinh tế một cách bền vững?

TS. Bùi Trinh: Trong tăng trưởng kinh tế, giá trị gia tăng của khu vực FDI được tính vào GDP của Việt Nam, phía Việt Nam thực tế không được hưởng lợi là bao. Trong khi các doanh nghiệp này đang nhận được sự ưu đãi rất lớn từ chính sách, thuế, hơn nhiều so với các doanh nghiệp trong nước.

Do đó, đã đến lúc bản thân nền kinh tế của Việt Nam phải vượt lên chứ không phải chỉ dựa vào đầu tư nước ngoài. Việt Nam cần có một chiến lược về thu hút FDI hiệu quả và hữu ích hơn trong thời gian tới.

Chúng ta phải quay trở lại với cái cốt lõi nhất là nội lực, doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt là, khu vực kinh tế tư nhân phải là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, đồng thời, gia tăng vai trò của nông nghiệp để thúc đẩy sự phát triển.

Để làm được điều này, Việt Nam phải thực hiện những cuộc cải cách lớn như cải cách thể chế nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu một số lĩnh vực. Phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt phát triển vững mạnh, cạnh tranh được với khu vưc và thế giới. Có như vậy, nền kinh tế mới có thể tăng trưởng một cách bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top