Aa

TS. Cấn Văn Lực: 6 kênh đầu tư đáng lưu ý trong năm 2021

Thứ Năm, 11/03/2021 - 07:04

TS. Cấn Văn Lực nhận định rằng, hầu hết các kênh đầu tư trong năm 2021 đều sẽ khởi sắc, lựa chọn kênh đầu tư nào sẽ tuỳ thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư.

Nhà đầu tư trong nước đang đứng trước những cơ hội đầu tư kinh doanh lớn khi nền kinh tế dần hồi phục trở lại, đại dịch COVID-19 dần lùi xa. Môi trường lãi suất thấp, Chính phủ các nước sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp với những gói kích thích kinh tế quy mô lớn chưa từng có thôi thúc giới đầu tư tin vào sự bứt phá của nền kinh tế thế giới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cuối năm 2020 chứng kiến sự bùng nổ số lượng tài khoản đăng ký mới, tạo tiền đề cho sự vươn lên mạnh mẽ và chắc chắn của thị trường trước dự báo xác lập kỷ lục 1.200 điểm vào năm 2021.

Hiển nhiên, cơ hội đầu tư nhiều nhưng không phải cứ bỏ tiền ra đầu tư là sẽ nhất định thành công, để lựa chọn được một kênh đầu tư phù hợp với mong muốn của mỗi nhà đầu tư cần dựa vào rất nhiều yếu tố.

Có những nhà đầu tư chỉ cần giữ được tiền, không mất giá, gia tăng thêm chút giá trị sau 1 năm, "sống sót" tốt qua đại dịch, nhưng có những nhà đầu tư sẵn sàng "5 ăn 5 thua" để chọn được cho mình một kênh đầu tư có thể "ăn bằng lần". Để cung cấp thêm một góc nhìn về các kênh đầu tư năm 2021 để nhà đầu tư tham khảo, PV đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực về chủ đề này.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV

PV: Triển vọng các kênh đầu tư trong năm 2021 là gì thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Năm nay nói chung mỗi kênh đầu tư có ưu nhược điểm khác nhau, tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư. Ví dụ, những nhà đầu tư e ngại rủi ro thì chọn kênh đầu tư an toàn hơn, còn nhà đầu tư mạo hiểm sẽ chọn kênh rủi ro hơn, những nhà đầu tư trung tính sẽ chọn cách theo đa dạng hóa, phân tán rủi ro, bỏ trứng vào nhiều giỏ. Tiếp đó là tuỳ thuộc vào mức độ phát triển của thị trường và các kênh đầu tư.

Tuy nhiên, dù thế nào một điểm có thể chắc chắn rằng, năm nay các kênh đầu tư đều tích cực hơn so với năm ngoái trước bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam tiếp tục kiểm soát dịch bệnh ở mức độ tốt hơn, phục hồi kinh tế nhanh hơn, mạnh hơn.

Thế giới được dự báo tăng trưởng GDP từ 4 - 5%; còn Việt Nam được dự báo với kịch bản trung bình là 6,5 - 7%, khả quan là 7,5 - 8%; và kịch bản tiêu cực tăng trưởng 4 - 4,5%. Ngay cả kịch bản bi quan nhất thì tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 vẫn cao hơn tăng trưởng năm 2020 và cả thế giới cũng vậy. Phục hồi kinh tế khiến các kênh đầu tư sẽ tích cực hơn.

PV: Ông đưa ra khuyến nghị với từng kênh đầu tư cụ thể?

TS. Cấn Văn Lực: Nhìn một cách khái quát thì ở Việt Nam có thể chia làm 6 kênh đầu tư gồm: Chứng khoán, bất động sản, vàng, gửi tiết kiệm, khởi nghiệp và tài sản ảo.

Gửi tiết kiệm là kênh đầu tư truyền thống, phổ biến trên thế giới và càng phổ biến ở Việt Nam. Ngay cả trong dịch bệnh thì năm 2020, hệ thống ngân hàng giảm lãi suất nhưng huy động vốn trong dân cư vẫn tăng khoảng 13%. Năm nay cũng được dự báo tăng tương ứng 11 - 12% để đảm bảo tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu của cơ quan quản lý. Lãi suất dù rơi xuống tương đối thấp nhưng vẫn hấp dẫn, vì còn thực dương so với kỳ vọng lạm phát.

Kênh đầu tư thứ 2 là chứng khoán. Năm ngoái, toàn bộ thị trường và chỉ số VN-Index đã tăng 15%. Năm nay thị trường được dự báo sẽ tăng khoảng 15 - 20% cho thấy dấu hiệu tích cực hơn năm 2020. Tuy nhiên, tăng giảm cụ thể như nào cũng còn phụ thuộc lớn vào từng mã cổ phiếu.

Kênh đầu tư thứ 3 là vàng. Năm ngoái các nhà đầu tư vàng có thể nói là thắng lớn khi giá vàng đã tăng khoảng gần 30%. Sang tới năm nay, vàng lại là một kênh đầu tư tương đối rủi ro vì biến động phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới và trong nước. Cùng với đó, cơ hội lướt sóng, đầu tư vàng không còn nhiều như năm ngoái vì thị trường đã ổn định hơn.

Kênh đầu tư thứ 4 là bất động sản. Đây rõ ràng là kênh đầu tư người dân Việt Nam ưa chuộng vì gắn với nhu cầu dự trữ, tích luỹ và văn hoá đầu tư, sở hữu. Tính chung cả thị trường bất động sản năm nay sẽ phục hồi tích cực hơn nhưng cũng tùy vào từng phân khúc, nhà đầu tư cũng cần tính toán kỹ lường, cân nhắc trước khi xuống tiền.

Kênh đầu tư thứ 5 là khởi nghiệp. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, vốn đầu tư tư nhân, trong đó có startup của Việt Nam tăng mạnh, trung bình 15 - 18%/năm (riêng năm 2020 vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên nhóm đầu tư tư nhân chỉ tăng khoảng 2%). Năm 2021 được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ.

Đặc biệt nhiều mô hình kinh doanh mới, lĩnh vực đầu tư mới khiến giới trẻ quan tâm đầu tư khởi nghiệp, nổi lên như Fintech, Proptech (công nghệ bất động sản), giáo dục trực tuyến, thương mại điện tử, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, viễn thông hay Digital marketing.

Cuối cùng là kênh đầu tư vào tiền kỹ thuật số, tài sản ảo. Nói đúng hơn là kênh đầu cơ với rất nhiều rủi ro. Đây là kênh đầu tư không dành cho số đông mà chỉ dành cho nhóm nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm, chấp nhận rủi ro lớn. 5 rủi ro lớn với loại tài sản này là: Chưa được coi là tiền tệ chính thống nên không có 3 chức năng chính của tiền tệ; mức độ biến động giá rất mạnh (trong một ngày có thể biến động đến 20 - 30%) đồng nghĩa rủi ro rất cao.

Chức năng đầu tư đúng nghĩa và phòng ngừa lạm phát của Bitcoin là khá mơ hồ; tiếp theo là rủi ro pháp lý; rủi ro về phục vụ các hoạt động phi pháp; cuối cùng là rủi ro kỹ thuật và mất tiền xảy ra khi sàn giao dịch bị lỗi, bị hack, bị đánh sập như sàn Mt.Gox (2011), Bitstamp (2015), Bitfinex (2016), Bitconnect (2018)..; cùng với đó, hàng trăm nhà đầu tư bị mất tiền mà không biết đòi ai vì chưa có hành lang pháp lý nêu trên.

PV: Vậy nếu phân chia theo khẩu vị rủi ro từ thấp tới cao thì ông sẽ sắp xếp các kênh đầu tư này ra sao?

TS. Cấn Văn Lực: Nếu phân chia theo khẩu vị rủi ro từ thấp đến cao thì đầu tiên sẽ là kênh gửi tiết kiệm vẫn được coi là an toàn hơn cả, sau đó là kênh bất động sản, rồi đến chứng khoán, vàng, khởi nghiệp và tiền ảo.

PV: Ông có thể nói thêm thông tin về 3 kênh đầu tư đang được giới đầu tư trông đợi nhất trong năm 2021 là chứng khoán, bất động sản và vàng trong môi trường lãi suất thấp như hiện nay?

TS. Cấn Văn Lực: Có ý kiến cho rằng cổ phiếu nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 như du lịch, hàng không sẽ được hưởng lợi trong năm 2021. Theo tôi, nói chung kỳ vọng phục hồi tốt hơn nhưng về cơ bản sự phục hồi vẫn chủ yếu là trong nước, còn quốc tế thì ít nhất phải tới cuối năm hoặc đầu năm tới thì du lịch quốc tế và hàng không quốc tế mới có thể hồi phục.

Còn với bất động sản thì hiện nay đã thấy rõ sự nổi lên của phân khúc đất nền, các dự án, khu đất gắn với quy hoạch, gắn với những cơ sở hạ tầng lớn, bất động sản khu công nghiệp và xu thế second home. Với ý kiến cho rằng bất động sản nghỉ dưỡng có thể phục hồi, tăng, theo tôi phân khúc này cần thời gian dài hơn để hồi phục.

Riêng với vàng, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị duy nhất được xuất nhập khẩu vàng. Vì thế, nhà đầu tư cũng cần lưu ý tới rủi ro khi chênh lệch giá trong nước và thế giới quá lớn như hiện nay. Khi Nhà nước có những quyết định mang tính can thiệp, mạnh tay có thể mức chênh lệch này lập tức bị thu hẹp. Những hoạt động mang tính chất đầu cơ, găm giữ vàng ở thời điểm hiện tại rất có thể dẫn tới thua lỗ lớn về sau.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top