Aa

TS. Cấn Văn Lực: Con số tăng trưởng GDP cho thấy nỗ lực vượt khó của người dân và DN

Thứ Ba, 29/06/2021 - 16:30

Con số tăng trưởng GDP phần nào cho thấy sự nỗ lực vượt khó của người dân, DN trong nước khi vừa sản xuất vừa lo chống dịch, đồng thời, vẫn sát cánh cùng Chính phủ trong các chiến dịch phòng chống dịch bệnh.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý II/2021 của Việt Nam tăng trưởng 6,61% và GDP 6 tháng tăng trưởng 5,64% so với cùng kỳ năm 2020. Con số này có hơi thấp hơn so với dự báo vừa qua của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 5,8%, nhưng khá khớp so với dự báo mà chúng tôi đã công bố hồi đầu tháng 6, khoảng 5,5%.

Động lực tăng trưởng chính ở đây bao gồm: (i) Lĩnh vực nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 3,82% (cao hơn cả mức tăng 2,39% cùng kỳ năm 2019 và hơn nhiều so với mức tăng 1,19% cùng kỳ năm 2020), đóng góp 8,2% vào mức tăng trưởng chung; (ii) Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36% (cao gần bằng mức tăng 8,93% cùng kỳ năm 2019 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng 2,98% cùng kỳ năm 2020), đóng góp 59% vào mức tăng trưởng chung; trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 11,42% (cao hơn cả mức tăng 11,2% cùng kỳ năm 2019 và cao hơn nhiều mức tăng 4,96% cùng kỳ năm 2020). 

Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 khi chỉ tăng 3,96% (cao hơn nhiều so với mức tăng 0,57% cùng kỳ năm 2020, nhưng lại thấp hơn nhiều so với trạng thái trước dịch, mức tăng 6,7% cùng kỳ năm 2019).

Xét về phía cầu hay sử dụng GDP, xuất khẩu là điểm sáng với mức tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và tiêu dùng 24% (so với mức giảm 0,31% cùng kỳ năm 2020), đầu tư phục hồi khá với vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2021 tăng 7,2% (cao hơn nhiều mức tăng 3% của cùng kỳ năm 2020), trong đó giải ngân đầu tư công đã được thúc đẩy hơn, đạt 36,8% kế hoạch năm và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước; giải ngân vốn FDI tăng 6,8% (so với mức giảm 5% cùng kỳ năm 2020).

Tổng sản phẩm trong nước
Tổng sản phẩm trong nước. (Nguồn ảnh: Tổng cục Thống kê)

Con số tăng trưởng GDP phần nào cho thấy sự nỗ lực vượt khó của người dân, doanh nghiệp trong nước khi vừa sản xuất vừa lo chống dịch, đồng thời, vẫn sát cánh cùng Chính phủ trong các chiến dịch cho việc phòng chống dịch bệnh, đóng góp vào quỹ vaccine…; nhất là doanh nghiệp tại những địa bàn chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19 như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM, Bình Dương và nhiều tỉnh, thành khác.

Về phương án hỗ trợ doanh nghiệp, thứ nhất, cách hỗ trợ tốt nhất vẫn là Chính phủ kiên định thực hiện mục tiêu kép, trong đó, phòng chống dịch bệnh và chiến lược Vaccine là tiên quyết vào thời điểm hiện nay bởi vì chỉ có khống chế được dịch bệnh thì mới có thể yên tâm phục hồi sản xuất - kinh doanh và các hoạt động xã hội.

Tuy nhiên, cần hết sức linh hoạt, sáng tạo, sát thực tiễn tình hình, không quá cứng nhắc, nguyên tắc trong phòng chống dịch để dẫn đến “bế quan, tỏa cảng”, làm tê liệt các hoạt động như một vài địa phương đã mắc phải thời gian qua. Phấn đấu mức tăng trưởng GDP năm nay đạt khoảng 6,1 - 6,3% như kịch bản cơ sở của chúng tôi.

Thứ hai, sớm xem xét ban hành các gói, giải pháp hỗ trợ bổ sung, nhất là gói an sinh xã hội cùng với các giải pháp tài khóa mạnh mẽ hơn nữa (như việc miễn, giảm một số loại thuế, phí, bao gồm cả việc giảm giá điện ở diện rộng hơn chứ không chỉ lĩnh vực du lịch và các khu vực cách ly). Đồng thời, thực thi nhanh gọn, khẩn trương và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện là rất cần thiết.

Thứ ba, không chủ quan với lạm phát, nhưng không thái quá; tiếp tục tăng hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và giá cả, và tiếp tục kiểm soát rủi ro bong bóng tài sản, tài chính./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top