Aa

TS. Lê Đăng Doanh: Doanh nghiệp tư nhân tốn nhiều thời gian, tiền bạc để được “làm ăn trôi chảy”

Thứ Sáu, 12/10/2018 - 06:01

“Nếu môi trường kinh doanh khiến doanh nghiệp tư nhân “ăn xổi ở thì”, kết quả chỉ một thời gian ngắn, họ sẽ muốn đầu tư cho con học bên nước ngoài rồi bỏ vốn ra mua bất động sản định cư bên đó”, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Tại Tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý III/2018 diễn ra tại Hà Nội sáng 10/10, TS. Lê Đăng Doanh quan ngại trước số liệu người Việt đầu tư vào bất động Mỹ lên tới 3 tỷ đô la. Số người Việt Nam nhập quốc tịch nước ngoài là 450.000 người, chênh lệch lớn với số người nước ngoài nhập cư vào Việt Nam. TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, đây là con số cần phải xem xét kỹ lưỡng khi một số doanh nhân thành đạt nhất định đã bỏ ra nước ngoài định cư.

TS. Lê Đăng Doanh.

TS. Lê Đăng Doanh.

PV: Như ông vừa trao đổi tại tọa đàm, con số hơn 3 tỷ đô la người Việt Nam bỏ ra mua bất động sản ở Mỹ đang đặt ra nhiều e ngại về hiện tượng “chảy máu ngoại tệ”. Nhưng đáng nói hơn, đó là hiện tượng một số doanh nhân Việt muốn rời khỏi quê hương sang nước ngoài đầu tư hoặc định cư. Quan điểm của ông thế nào về hiện tượng này?

TS.Lê Đăng Doanh: Đến bây giờ, chỉ có Mỹ công bố số liệu về người Việt Nam bỏ tiền sang đầu tư vào bất động sản còn tại các nước như Canada, New Zealand, Australia… chưa có thống kê cụ thể. Nếu tổng hợp lại thông tin người Việt mua bất động sản ở nước ngoài thì con số chắc chắn sẽ còn tăng hơn nhiều.

Con số đó khiến ta phải đặt câu hỏi rằng, phải chăng các doanh nhân Việt Nam sau khi thành đạt đã quyết định sang nước ngoài định cư mà không muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam? Hay vì họ lo ngại không thể tiếp tục phát triển con đường kinh doanh tại quê hương? Họ đặt ra các lý do là muốn mua nhà cho con du học… nhưng lý do đằng sau đó có phải là như vậy? Chúng ta buộc phải xem xét và nghiên cứu kỹ lưỡng.

PV: Vì sao lại có hiện tượng “chảy máu ngoại tệ” và nhiều doanh nhân sang nước ngoài như vậy, thưa ông?

TS.Lê Đăng Doanh: Việc luồng vốn tại Việt Nam đổ ra nước ngoài có thể xuất phát từ chênh lệch lãi suất giữa đồng đô la tại Mỹ và Việt Nam. Lãi suất của đồng đô la ở Mỹ là 2,55%, còn đồng đô la tại Việt Nam là 0%.

Hiện nay, nền kinh tế của chúng ta đã và đang hội nhập rất sâu với nền kinh tế thế giới. Chúng ta phải tìm cách giữ đồng vốn cho doanh nghiệp, cho đất nước. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tạo một môi trường kinh doanh hấp dẫn, lâu dài để họ có cơ hội phát triển bền vững, xây dựng một thương hiệu quốc gia. Nếu môi trường kinh doanh khiến doanh nghiệp tư nhân “ăn xổi ở thì”, kết quả chỉ một thời gian ngắn, họ sẽ muốn đầu tư cho con học bên nước ngoài rồi bỏ vốn ra mua bất động sản định cư bên đó.

PV: Câu chuyện môi trường kinh doanh chưa đủ níu chân doanh nghiệp tư nhân Việt đã được bàn thảo rất nhiều lần nhưng đến bây giờ, bài toán đó mãi vẫn chỉ là chủ đề bàn luận mà loay hoay không tìm ra lối thoát. Thưa ông, vì sao lại như vậy?

TS. Lê Đăng Doanh: Theo tôi, Chính phủ đã có nỗ lực rất lớn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh nhưng tác động của nó lại chậm. Chậm là vì tiền lương của công nhân viên chức Nhà nước còn thấp. Muốn vào được vị trí trong Nhà nước, người ta phải đầu tư. Thế nên, để kiếm bù lại số tiền đầu tư, họ lại lách luật kiếm thêm thu nhập. Họ đưa ra các yêu cầu khắt khe và đòi hỏi các doanh nghiệp tư nhân phải thực hiện. Để giải quyết điều đó không phải dễ dàng.

Bên cạnh đó, đánh giá về cảm nhận tham nhũng của quốc tế đối với Việt Nam dù tăng từ 31/100 điểm lên tới 35/100 điểm nhưng con số này vẫn còn rất thấp. Như chúng ta đã biết, tại Việt Nam, một học sinh tiểu học đạt 3,5 điểm thì vẫn trượt. Điều đó cho thấy chúng ta phải làm việc công khai minh bạch, phải có trách nhiệm giải trình.

PV: Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân Việt còn đóng một tỷ trọng khiêm tốn nhưng tỷ trọng của khu vực kinh tế hộ gia đình lại chiếm tới hơn 1/3 so với tổng GDP kinh tế cả nước. Đâu là lý do khiến tỷ trọng kinh tế của 2 thành phần này lại chênh lệch lớn như vậy?

TS.Lê Đăng Doanh: Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân đăng ký theo Luật Doanh nghiệp, chiếm tới 9,2% GDP còn khu vực kinh tế hộ gia đình chiếm 32,6%. Theo quy định, hộ kinh tế gia đình nào tạo được 10 việc làm cho người lao động phải đăng ký theo Luật Doanh nghiệp.

Nhưng ở Việt Nam, nhiều “chiến hữu” của tôi tạo được việc làm cho hàng chục người song họ "ngại" đăng ký doanh nghiệp rồi nhờ ông A, bà B ở phường, ở quận "che" giúp.

Tôi lấy ví dụ, có hộ kinh doanh đồ gỗ xuất khẩu lên tới 300 tỷ đồng Việt Nam, tạo ra số lượng việc làm rất lớn nhưng lại tự nhận là hộ gia đình. Rất nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn vẫn đăng ký là khu vực kinh tế hộ gia đình tức là họ nộp thuế khoán nhưng đóng góp vào ngân sách chẳng là bao. Thay vào đó, họ nộp phí cho những "ông" ở phường, quận.

Nếu chúng ta không có sự thay đổi thì “tâm lý” thích là hộ kinh doanh gia đình hơn doanh nghiệp sẽ còn phổ biến. Khu vực kinh doanh hộ gia đình lãi rất cao song không nộp thuế mà phải bỏ phí cho một số ông “bảo kê”. Đó cũng là lý do 9,2% doanh nghiệp tư nhân phải đóng thuế cao mà 32,6% hộ gia đình nộp phí nhưng vào ngân sách Nhà nước lại… chẳng hề có hoặc rất ít.

PV: Số lượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/3 so với khu vực kinh tế hộ gia đình. Đây có phải là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam khi cạnh trạnh với nước ngoài trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghệ 4.0?

TS Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ doanh nghiệp tư nhân và cả hộ gia đình đều phải mất thời gian quan tâm, đầu tư tới “ông dù”, tức người bảo vệ cho họ. Họ mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để được “làm ăn trôi chảy” nên không có thời gian đầu tư vào khoa học công nghệ. Trừ những doanh nghiệp lớn mới có khả năng quan tâm tới khoa học công nghiệp.

Đơn cử như câu chuyện đấu thầu của chúng ta. Các dự án lớn lẽ ra phải đấu thầu nhưng rồi lại chỉ định thầu, vì doanh nghiệp nào bỏ tiền ra chi cho nhóm lợi ích cao sẽ được làm. Cuối cùng chất lượng những con đường được chỉ định thầu rất kém. Cứ mãi tình trạng như vậy thì làm sao doanh nghiệp lớn lên và có chi phí đầu tư cho công nghệ.

PV: Vậy còn đối với doanh nghiệp tư nhân bất động sản, ông đánh giá ra sao về những đóng góp của nhóm doanh nghiệp này với nền kinh tế đất nước?

TS Lê Đăng Doanh: Bất động sản là ngành kinh tế quan trọng và bất kỳ nước nào cũng trông đợi vào nó. Các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam hiện nay đang tạo ra sự chênh lệch rất lớn trong các phân khúc như sản phẩm cao cấp thì cung vượt cầu còn nhà ở xã hội lại thiếu hụt, tạo ra sự méo mó cho trị trường. 

Tôi nghĩ doanh nghiệp bất động sản cần phải có tác động để cân bằng lại thị trường. Đến hiện tại, tôi chưa có số liệu chính xác doanh nghiệp bất động sản đóng góp vào ngân quỹ nhà nước bao nhiêu nhưng khách quan họ đã góp phần thay đổi một phần bộ mặt xã hội.  

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top