Aa

TS. Lê Xuân Nghĩa: “Chưa đi vào ‘tâm bão’ để giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản”

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Bảy, 23/09/2023 - 06:00

Thừa nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ vướng mắc thị trường BĐS, song TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho rằng, thị trường vẫn còn rất khó khăn.

Thị trường bất động sản chỉ đang “mon men”, “rón rén” hồi phục

Để hồi phục thị trường bất động sản, trong khoảng 1 năm trở lại đây, Chính phủ đã quyết liệt ban hành nhiều cơ chế, chính sách nằm tháo gỡ khó khăn đến từng doanh nghiệp.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia khẳng định, đây là nỗ lực “chưa từng có” từ phía Chính phủ đối với thị trường bất động sản, tuy nhiên thẳng thắn nhìn nhận thì kết quả đạt được chưa cao.

Ông Nghĩa cho biết, thị trường bất động sản hiện nay vẫn đang vô cùng khó khăn khi doanh nghiệp khó phát triển dự án, thanh khoản chưa hồi phục, nguồn cung tiếp tục hạn chế.

“Mới đây nhất, một Tập đoàn bất động sản lớn hàng đầu cả nước phát hành trái phiếu khi không hề có nợ đọng ngân hàng. Chúng tôi nín thở theo dõi sự đón nhận của các nhà đầu tư nhưng kết quả cho thấy, thị trường chỉ đang “mon men”, “rón rén” phục hồi khoảng 30% so với kỳ vọng”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Theo chuyên gia, thị trường bất động sản chỉ đang “mon men”, “rón rén” hồi phục. (Ảnh: DDDN)

Chia sẻ rộng hơn về sức khoẻ của nền kinh tế, vị chuyên gia cho biết, toàn bộ nền kinh tế hiện nay cũng đang rơi vào tình trạng trì trệ, thanh khoản suy giảm nghiêm trọng. “Trước đây, vòng quay của dòng tiền là 1,8 - 2 vòng/năm thì năm nay chỉ còn 0,6 vòng. Tức là một năm chưa được một vòng quay. Vì vậy, không chỉ riêng bất động sản mà thời gian tới, quần áo sẽ chẳng ai mua, ăn uống cũng chẳng ai ăn, du lịch cũng vậy - rất kém. Như ngày lễ 2/9 vừa qua, nhu cầu chi tiêu của người dân cả nước rất hạn chế, các hoạt động vui chơi cũng vắng lặng”, ông Nghĩa nói.

Là doanh nghiệp phát triển bất động sản, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP. Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cũng thừa nhận, thị trường bất động sản nhìn tổng thể vẫn đang ở trạng thái khó khăn chồng chất, doanh nghiệp bất động sản đang phải “chịu đựng” nhiều vướng mắc.

Theo đó, các doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản đang tồn tại 4 vướng mắc chính: Thứ nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng; thứ hai là vấn đề quy hoạch; thứ ba là định giá đất; thứ tư là chuyển đổi mục đích sử dụng đất. 

Ngoài ra, sự chồng chéo về luật pháp cũng đang là một “nút thắt” lớn đối với thị trường bất động sản. Theo ông Hiệp, bất động sản hiện đang có 12 luật tác động chi phối, nếu rộng ra là 20 luật như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch, Luật Phòng cháy chữa cháy...

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP. Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (Ảnh:DDDN)

“Các bộ ngành chịu trách nhiệm làm luật chưa có cơ chế thống nhất, dù quy trình thực thi rất tốt nhưng quá trình xây dựng luật vẫn xuất hiện những chồng chéo. Bên cạnh đó, việc tiếp thu các ý kiến đóng góp trong quá trình xây dựng Luật vẫn còn hạn chế”, ông Hiệp thẳng thắn bày tỏ.

Các giải pháp chưa đi vào “tâm bão”

Bàn về các giải pháp để thực sự tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho thị trường bất động sản, giới chuyên gia đều cho rằng, cần giải quyết trọng tâm vấn đề, trọng tâm khó khăn của thị trường thì thị trường mới hồi phục.

“Chúng ta chưa vào “tâm bão”, chúng ta chưa đẩy được cung của nguồn nhà ở giá rẻ thì chưa giải quyết được vấn đề. Làm sao để các doanh nghiệp đi vào phát triển nhà ở giá rẻ được “tự do”, đó mới là điều quan trọng. Như Trung Quốc quy định khung giá cho nhà ở giá rẻ. Còn Việt Nam hiện nay, đất đai cấp vừa khó khăn, thủ tục vừa rắc rối lại còn làm cho các doanh nghiệp nản lòng thì khó có thể tạo được mặt bằng giá nhà ở phù hợp. Như vậy, khủng hoảng thị trường sẽ khó giải quyết”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Ở góc độ pháp lý, ông Nguyễn Quốc Hiệp bày tỏ mong muốn các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản nhanh chóng hoàn thiện, đồng bộ.

Chính phủ đã có những chỉ đạo về việc giảm tải, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng quy trình xử lý thủ tục hành chính hiện nay vẫn kéo dài. Vì vậy, lãnh đạo GP. Invest cho rằng, rất cần một cuộc cách mạng cho vấn đề này và nếu làm được thì đây sẽ là một trong những giải pháp thiết thực hỗ trợ cho doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục, phát triển.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng (Ảnh: DDDN)

Đưa ra giải pháp ở góc độ nguồn vốn, PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, Nhà nước cần tung ra những gói hỗ trợ mạnh hơn để vực dậy thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển thị trường này cả về phía cung lẫn cầu thì nên có những quỹ bảo lãnh cho vay. Theo đó, giải pháp cơ bản vẫn thuộc về Bộ Tài chính, về phía các chính sách tài khoá để bảo đảm an toàn và giảm nhẹ gánh nặng cho hệ thống ngân hàng.

“Hiện nay, Chính phủ đã ban hành hàng loạt giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp và tập trung toàn tâm, toàn ý cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn còn chưa hoàn toàn hồi phục, cần tiếp tục nhận diện tình huống khó khăn, tình thế bất thường để có cách tiếp cận, các giải pháp ‘khác thường’ ”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top