TS. Lê Xuân Nghĩa: Cơ cấu kinh tế phù hợp với Bắc Ninh hiện nay là mô hình "công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp"
Từ một tỉnh thuần nông, sau hơn 27 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, là trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Sự phát triển “thần kỳ” của Bắc Ninh, phần nào đó chứng minh rằng, địa phương này đã tận dụng thành công những ưu thế vốn có, nhất là ưu thế trong việc mở rộng thu hút đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, khi dư địa để Bắc Ninh bứt phá không còn nhiều, việc chuyển hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, dựa trên nền tảng nhân lực công nghệ cao là hướng đi cần thiết. Cùng với đó, không thể thiếu việc gia tăng nội lực, thông qua phát triển công nghiệp phụ trợ và lĩnh vực dịch vụ - nông nghiệp dựa trên những ưu thế, tiềm năng vốn có.
11 tháng năm 2024, kinh tế Bắc Ninh khởi sắc mạnh mẽ, GRDP tăng 6,03% so với cùng kỳ năm 2023, nhờ lực đẩy chủ đạo đến từ ngành công nghiệp, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,9% so với cùng kỳ. Đồng thời, địa phương này tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,04 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3 lần cùng kỳ.
Cũng trong 11 tháng năm 2024, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh duy trì mức tăng cao, đạt 30.478 tỷ đồng, bằng 97,6% kế hoạch năm và dự kiến vượt kế hoạch dự toán năm 2024 đề ra, nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu về thu ngân sách nhà nước. Những năm trước, Bắc Ninh cũng luôn có tên trong nhóm những tỉnh thành có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại, dịch vụ cũng phát triển tốt, doanh thu du lịch tăng 50%. Nhờ đó, Bắc Ninh đã sớm đạt 17/17 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của năm nay, theo báo cáo tại Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh khai mạc hôm 9/12 vừa qua.
Trước đó, ngày 22/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đáng chú ý, Quy hoạch tỉnh đặt ra mục tiêu phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu, bên cạnh đó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ.
Đây được đánh giá là xu hướng tất yếu, phù hợp, trong bối cảnh địa phương này đã trải qua nhiều năm mở rộng thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp theo chiều rộng. Đến nay, khi Bắc Ninh không còn nhiều dư địa để bứt phá “thần tốc” như trước, việc quyết tâm đưa ngành công nghiệp tỉnh nhà chuyển mình theo chiều sâu và gia tăng nội lực là hướng đi hợp lý.
Song quy hoạch là một chuyện, thực hiện như thế nào, từng bước đi ra sao thì rất cần một chiến lược rõ ràng, quyết liệt, với tầm nhìn căn cơ và dài hơi, nhất là về nhân lực công nghệ cao. Để từ đó, Bắc Ninh có thể gia tăng nội lực và chuyển mình theo con đường phát triển bền vững.
Để hiểu rõ hơn về con đường phát triển của Bắc Ninh, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.
PV: Nhiều Nghị quyết của Đảng từng nhận định, nhiều yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước thời gian qua đã chạm ngưỡng, cần phải tìm kiếm các dư địa tăng trưởng mới, theo chiều sâu. Bắc Ninh có lẽ là một địa phương điển hình cho hướng đi này, sau hơn 2 thập niên khai thác triệt để nguồn lực phục vụ cho sự tăng tốc phát triển công nghiệp, thưa ông?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Bắc Ninh vốn là một tỉnh thuần nông, diện tích nhỏ, nên định hướng phát triển của Bắc Ninh trước đây là chuyển từ nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, vì chỉ nhờ công nghiệp mới tạo ra đột phá tăng trưởng. Từ Tiên Sơn - khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh được xây dựng cuối năm 2000, đến nay, tỉnh đã có 15 khu công nghiệp tập trung, 1 khu công nghệ thông tin và hơn 30 cụm công nghiệp.
Có thể làm một phép so sánh để thấy công nghiệp đã mang lại sự đổi thay kinh ngạc cho Bắc Ninh. Năm 1997, khi mới tái lập tỉnh Bắc Ninh, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành (GRDP) chỉ đạt 2.020 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp vỏn vẹn 646 tỷ đồng, xếp thứ 10/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng. Hiện GRDP toàn tỉnh đạt hơn 220.000 tỷ đồng, vươn lên xếp thứ 4/11 tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và xếp thứ 9 cả nước. Chính công nghiệp là động lực chủ yếu nâng thu nhập bình quân đầu người tỉnh Bắc Ninh lên trên 6.000 USD/người, gấp hơn 30 lần năm 1997 (chỉ khoảng 196 USD/người).
Tuy nhiên, sau hàng chục năm tập trung phát triển công nghiệp, hiện Bắc Ninh không còn nhiều nguồn lực để xây dựng nhà xưởng cho thuê, phát triển công nghiệp theo chiều rộng nữa… Nếu vẫn tiếp tục theo hướng này, Bắc Ninh sẽ nhanh chóng đạt giới hạn về đất đai, nhân lực và cả khả năng hỗ trợ logistics.
Trong khi đó, nhiều tỉnh lân cận Bắc Ninh như Bắc Giang, Hưng Yên… cũng đang đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp. Các tỉnh này có điều kiện cơ sở hạ tầng tốt hơn với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy… đa dạng; quỹ đất còn nhiều, với giá đất và giá thuê đất rẻ hơn. Trong bối cảnh đó, lợi thế cạnh tranh của Bắc Ninh ngày càng thu hẹp dần, và việc tìm kiếm dư địa tăng trưởng mới, theo chiều sâu là cần thiết.
PV: Vậy theo ông, đâu là dư địa tăng trưởng mới cho Bắc Ninh?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Về mặt tổng thể, Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ, mật độ dân số cao, nên cơ cấu kinh tế phù hợp với Bắc Ninh hiện nay là mô hình "công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp". Nghĩa là ưu tiên phát triển công nghiệp trước, sau đó đến dịch vụ, cuối cùng mới là nông nghiệp.
Với công nghiệp, Bắc Ninh bắt buộc phải chuyển hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng tới công nghiệp công nghệ cao. Đây là loại hình công nghiệp không đòi hỏi nhiều đất nhưng yêu cầu lao động có tay nghề cao. Bắc Ninh có lợi thế gần Hà Nội - nơi có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, có khả năng cung cấp nguồn lao động chất lượng cao. Kỹ sư và công nhân tay nghề cao có thể sinh sống tại Hà Nội và đi làm ở Bắc Ninh. Đó là điều kiện lý tưởng để Bắc Ninh phát triển công nghiệp công nghệ cao, như công nghệ chip điện tử, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa. Các tỉnh khác khó có thể cạnh tranh với lợi thế này của Bắc Ninh.
PV: Để phát triển công nghiệp theo chiều sâu, Bắc Ninh cần lưu ý những vấn đề gì, thưa ông?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi nhớ khi làm việc với đoàn chuyên gia Mỹ, thời điểm Bắc Ninh còn chưa phát triển như bây giờ mà đang muốn học theo mô hình của Bình Dương, các vị chuyên gia ấy đã đưa ra 3 yếu tố then chốt để Bắc Ninh có thể trở thành một tỉnh công nghiệp mạnh như Bình Dương: Đó là phải giữ cho giá đất ổn định; có lực lượng lao động dự trữ, đảm bảo luôn có đủ nhân lực cho các doanh nghiệp khi cần; và phải đảm bảo cung cấp đủ điện.
Những lưu ý đó vẫn đúng trong bối cảnh hiện tại của Bắc Ninh. Thứ nhất, giá đất tăng cao đang là thách thức lớn đối với địa phương này. Vì vậy, điều tiên quyết là giữ giá đất ổn định. Bởi khi giá đất tăng quá cao, cho thuê công nghiệp tăng; nhà ở, ký túc xá cho công nhân thuê cũng tăng; chi phí sản xuất sẽ leo thang, tiền lương không thể tăng kịp để đáp ứng chi phí. Để giá đất tăng quá cao là “giết chết” công nghiệp, bởi khi đó các nhà đầu tư sẽ tìm đến những nơi có chi phí rẻ hơn như Bắc Giang, Hà Nam hay Hưng Yên…
Thứ hai, năng lượng là yếu tố quan trọng mà Bắc Ninh cần tính toán để dự phòng. Dù trong quá khứ, chúng ta đã thần tốc làm đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1, kéo dài từ Hòa Bình đến Phú Lâm (TP.HCM), cung cấp điện cho miền Trung và miền Nam lúc đó đang thiếu điện nghiêm trọng. Tuy nhiên trong tương lai, chúng ta vẫn có nguy cơ thiếu điện. Các nhà đầu tư nước ngoài rất sợ điều này vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, các nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng nghiêng về các ngành công nghệ cao, không đòi hỏi diện tích nhà xưởng rộng lớn như công nghiệp truyền thống. Nhà đầu tư chỉ chú ý đến những nơi điện nước ổn định, hạ tầng tốt, đặc biệt là có nguồn nhân lực trình độ cao, kỹ sư giỏi và trang thiết bị hiện đại.
Vì vậy, để phát triển công nghiệp theo chiều sâu, công nghiệp công nghệ cao, Bắc Ninh phải có Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D), mời chuyên gia quốc tế đến đào tạo, đầu tư vào các xưởng thực nghiệm hiện đại để phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao. Nếu làm được điều này, Bắc Ninh sẽ vẫn là tỉnh nổi bật trong thu hút đầu tư nước ngoài, có cơ may chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với các địa phương khác, rộng hơn là với các quốc gia khác có quỹ đất rộng lớn, nhân lực dồi dào.
PV: Vậy thì câu chuyện đào tạo nhân lực công nghệ cao sẽ là vấn đề cần được Bắc Ninh đặc biệt quan tâm hiện nay?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Nhân lực công nghệ cao có lẽ chính là “nút thắt cổ chai” của cả Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung, bởi nguồn nhân lực chất lượng cao hiện rất khan hiếm. Vì vậy, không chỉ Bắc Ninh mà các tỉnh thành công nghiệp trên cả nước cũng đều cần chú trọng đào tạo nhân lực công nghệ cao.
Đào tạo nhân lực công nghệ cao ở đây không chỉ là đào tạo lý thuyết, giảng dạy trên ghế nhà trường, mà phải chú trọng đào tạo trực tiếp tại chỗ, tức là ở nơi thực hành làm việc, các xưởng hoặc các trung tâm thực nghiệm lớn.
Trên thực tế, trong khi khả năng học hỏi của kỹ sư Việt Nam rất nhanh nhạy, thì hoạt động đào tạo công nghệ của chúng ta lâu nay lại chưa thực sự hiệu quả, do thiếu chiến lược và cơ sở thực hành phù hợp. Kỹ sư trưởng Formosa Hà Tĩnh từng chia sẻ, khi mới đầu tư vào Việt Nam, 17 công việc chủ chốt của nhà máy đều do kỹ sư người Đài Loan (Trung Quốc) đảm nhiệm. Họ dự đoán, để đào tạo được kỹ sư Việt Nam vận hành thay thế những vị trí đó thì mất khoảng 5-7 năm. Nhưng không ngờ, chỉ sau 2 năm, các kỹ sư Việt Nam đã nắm bắt và thay thế hoàn toàn cho các kỹ sư nước ngoài.
Hay trước đây, các kỹ sư Nga cùng làm cầu Thăng Long với kỹ sư Việt Nam. Ngay sau đó, các kỹ sư Việt Nam đã làm được cầu Chương Dương (TP. Hà Nội), cầu Bến Thủy (TP. Vinh). Cũng là những kỹ sư Nga đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình, nhưng rồi sau đó, chúng ta tự làm được Nhà máy thủy điện Sơn La có quy mô gấp đôi… Điều đó cho thấy, khi được học và làm trên thực tế cùng với chuyên gia nước ngoài, kỹ sư Việt Nam có thể tiếp thu công nghệ nhanh hơn và tiến bộ vượt bậc.
Vấn đề là chúng ta chưa có chính sách rõ ràng và thiếu môi trường thực nghiệm phù hợp để phát triển nguồn nhân lực này. Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung nguồn lực để đầu tư Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D), đầu tư xưởng thực nghiệm, thu hút doanh nghiệp nước ngoài mang công nghệ vào, cho phép kỹ sư của chúng ta được thực hành ngay trên giá trị doanh nghiệp của họ, dưới hình thức vừa làm vừa học.
Lưu ý là trung tâm R&D sẽ vừa giúp tỉnh tiếp cận được công nghiệp hiện đại từ các doanh nghiệp nước ngoài để gia tăng năng suất, vừa giúp doanh nghiệp trong nước tiếp thu và học hỏi công nghệ tiên tiến, qua đó thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ của tỉnh. Có thể xem trung tâm này như một “trường học” cho doanh nghiệp nội địa. Còn nếu cứ “nai lưng” đi làm thuê mà không phát triển công nghiệp phụ trợ, thì sẽ không có tương lai bền vững cho Bắc Ninh cũng như Việt Nam.
PV: Thời gian qua, thực tế việc phát triển các trung tâm nghiên cứu, công nghệ cao ở nước ta cho thấy đây không hề là việc dễ dàng, thậm chí với cả những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Vậy liệu Bắc Ninh có làm được không, thưa ông?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Để trả lời được câu hỏi này, trước tiên hãy nhìn một cách bao quát thị trường công nghiệp. Có thể thấy thị trường công nghiệp Việt Nam mở cửa rất sớm, bản chất là công nghiệp nội địa chưa thực sự phát triển, chưa tạo ra nhiều việc làm và do đó, cần doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào để giải quyết tình trạng thừa lao động. Khi mở ra như vậy, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ “đè bẹp” doanh nghiệp nội địa đang chưa kịp lớn. Kể cả những lợi thế của Việt Nam như công nghiệp thủ công mỹ nghệ, các làng nghề cũng dần dần bị áp đảo.
Thứ hai, làm công nghiệp cần vốn lớn, nhưng nguồn lực của hệ thống ngân hàng (tư nhân hóa khá sớm) đang phân tán, khó có thể tài trợ hàng tỷ USD cho mỗi dự án công nghiệp.
Thứ ba, vay vốn lớn thì lãi suất phải rẻ, nhưng mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng vẫn cao. Thậm chí, có những ngân hàng nhỏ lẻ thường nhìn vào lợi nhuận ngắn hạn là chính, ưa thích cho vay ở những lĩnh vực có thể trả lãi cao (như bất động sản), đẩy mặt bằng lãi suất lên cao. Vốn lớn, lãi cao chính là một trong những nút thắt hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp nói chung.
Bên cạnh đó, đối với việc đào tạo nhân lực cho thị trường công nghiệp, đầu tiên là đào tạo “thầy”, sau đó mới đào tạo “trò” và đặc biệt chú trọng đào tạo trong thực tiễn sản xuất. Tuy nhiên, chúng ta đã thiếu một chiến lược đào tạo nhân lực dài hơi, nhất là các chương trình đào tạo thực tế và các xưởng thực nghiệm trong trường đại học. Các trường đại học của chúng ta cơ bản còn thiếu thư viện sách công nghệ cập nhật liên tục từ nước ngoài, chưa nhiều trường có xưởng sản xuất, thử nghiệm công nghệ lớn…
Từ thực tế đó để thấy, ngay từ đầu chúng ta đã thiếu một chiến lược phát triển công nghiệp bài bản, căn cơ. Mặc dù trước đây, nhiều tài năng công nghệ chất lượng cao của Việt Nam được đào tạo ở châu Âu, nhưng thiếu chỗ để phát huy năng lực - chính là các Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) đủ năng lực để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận công nghệ từ nước ngoài.
Bắc Ninh muốn làm khác, muốn trở nên khác biệt so với các địa phương khác thì phải có chính sách phát triển nhân lực công nghệ cao. Nhất là trong bối cảnh công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển, một lượng lớn lao động phổ thông sẽ thất nghiệp. Các tỉnh công nghiệp như Bắc Ninh, hay Bình Dương phải sẵn sàng ứng phó, tăng cường đào tạo nhân lực công nghệ cao thay thế dần lao động phổ thông.
Về năng lực, Bắc Ninh là tỉnh thuộc top thu ngân sách cao của cả nước. Dân số năm 2022 đứng thứ 22 cả nước, diện tích nhỏ, hạ tầng cũng phát triển tương đối nên chi ngân sách thấp. Vì vậy, Bắc Ninh có thể đề xuất dự án để được giữ lại thêm một phần ngân sách của địa phương, tôi tin là Chính phủ sẽ ủng hộ. Chỉ cần có chính sách tốt và quyết tâm đủ lớn, Bắc Ninh sẽ có thể làm được.
Nhưng lưu ý, cần xây dựng cơ chế rõ ràng cho trường hợp nhận chuyển giao công nghệ chưa thành công, tránh quy trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại ngân sách.
PV: Bên cạnh trụ cột công nghiệp với hướng phát triển theo chiều sâu, ông cũng có nhắc đến trụ cột thứ hai trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Bắc Ninh, đó là dịch vụ?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Có thể nói, dịch vụ cũng là một trong những ngành thu hút lao động dư thừa nhanh nhất, nhanh hơn cả lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các loại hình dịch vụ tài chính ngân hàng, du lịch, văn hóa, y tế, giáo dục…
Bắc Ninh là tỉnh hiếm hoi có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, nên có rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành dịch vụ, du lịch, nhất là du lịch tâm linh. Vùng đất này có nhiều di tích chùa tháp, đình đền, lăng tẩm có giá trị lịch sử, kiến trúc và du lịch; cũng có nhiều lễ hội và các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, những làn điệu dân ca, dân vũ… đặc sắc. Nơi đây vốn là cái nôi của người Việt cổ, là nơi đầu tiên Phật giáo Ấn Độ du nhập vào Việt Nam; cũng là trung tâm chính trị, kinh tế - thương mại, văn hóa - tôn giáo lớn và cổ xưa bậc nhất nước ta.
Sở hữu lợi thế lớn nhưng trên thực tế, ngành dịch vụ Bắc Ninh chưa được khai thác bài bản. Việc phát triển du lịch vẫn thiếu chiến lược cụ thể, thiếu điểm nhấn. Ví dụ, dân ca quan họ, một di sản văn hóa phi vật thể vô cùng đặc sắc, nhưng lại chủ yếu được trình diễn theo lối cổ điển, thành lập đoàn hát, biểu diễn đơn lẻ, chứ chưa được khai thác thành một sản phẩm du lịch thực sự.
Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu quan điểm: Lấy truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng, các giá trị di sản văn hóa, tư duy sáng tạo, khát vọng vươn lên của con người Bắc Ninh - Kinh Bắc làm yếu tố nền tảng, sức mạnh nội sinh. Để làm được điều này, Bắc Ninh phải có chiến lược cụ thể.
PV: Chiến lược đó là gì, thưa ông?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Bắc Ninh cần phát triển du lịch với chiến lược, khẩu hiệu "đa dạng sinh thái, đa dạng loài". Đừng chỉ nhìn các di sản vật thể, phi vật thể dưới khía cạnh văn hóa, mà hãy xem đó là các sản phẩm du lịch. Du khách đến với Bắc Ninh để vừa du lịch, vừa chiêm ngưỡng văn hóa Phật giáo, văn hóa dân gian, vừa chiêm ngưỡng các loại hình nghệ thuật khác, vừa thưởng thức ẩm thực.
Để khai thác được thế mạnh này, Bắc Ninh cần tổ chức lại ngành du lịch theo chiều sâu và có tính hệ thống, biến các di sản văn hóa cả vật thể lẫn phi vật thể ở đây thành những sản phẩm du lịch đặc sắc.
Đặc biệt, hướng tới du lịch xanh là một chiến lược quan trọng. Du lịch xanh không chỉ là du lịch thân thiện với môi trường, mà còn gắn liền với việc khai thác, bảo vệ và quảng bá hệ sinh thái, văn hóa bản địa. Không nơi nào ở Việt Nam có mật độ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể dày đặc như Bắc Ninh, và chính điều này tạo lợi thế rất lớn cho tỉnh trong việc xây dựng các tour du lịch, cho phép du khách trải nghiệm văn hóa đa dạng. Đây là cơ hội để thu hút thế hệ du khách mới, những người quan tâm đến văn hóa, thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
PV: Có quan điểm cho rằng, lâu nay Bắc Ninh tập trung phát triển các khu công nghiệp và những tác động tiêu cực của lĩnh vực này đang phản ánh lên ngành dịch vụ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Nhiều năm qua, người dân Bắc Ninh háo hức xây nhà cho thuê, phát triển nhà ở cho công nhân. Các khu công nghiệp phát triển nhanh, công nhân đông, kéo theo việc xả rác thải và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Nhưng việc xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp chưa được chú trọng. Các làng nghề ô nhiễm dai dẳng cũng là vấn đề Bắc Ninh chưa thể xử lý triệt để. Nếu vấn đề môi trường không được chú trọng, thì có thể không xa nữa, Bắc Ninh sẽ trở thành một nơi chỉ để kiếm tiền mà không còn là nơi đáng sống.
Phát triển công nghiệp chắc chắn mang lại những lợi ích kinh tế to lớn, nhưng nhà đầu tư nước ngoài sẽ không ở lại mãi mãi. Khi giá đất, giá nhân công tăng lên, họ sẽ rút đi, tìm kiếm những nơi có chi phí rẻ hơn. Chẳng hạn, Samsung đã mở các nhà máy trị giá hàng tỷ USD tại Ấn Độ và Mỹ. Họ cũng có kế hoạch giảm số lượng công nhân tại Việt Nam. Đây là dấu hiệu cho thấy sự cạnh tranh về chi phí là điều tất yếu.
Vì vậy, Bắc Ninh phải tìm cách gia tăng nội lực, trong đó có việc khai thác tiềm năng, giá trị trong lĩnh vực dịch vụ. Nhưng trước hết, chúng ta phải phát triển mạnh mẽ dịch vụ xử lý rác thải - đưa Bắc Ninh trở thành một nơi vừa đáng sống, vừa có tiềm năng kinh tế.
PV: Khi “cái bóng” công nghiệp đang bao trùm cán cân kinh tế của tỉnh, người dân cũng bỏ ruộng, hăm hở đi vào các nhà máy, hay phát triển dịch vụ phục vụ công nhân và các nhu cầu công nghiệp khác. Trụ cột thứ 3 được ông đề cập là ngành nông nghiệp lại có vẻ đang yếu thế ở Bắc Ninh, ông nghĩ sao về điều này?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Tôi có cảm giác tỉnh nào ưu tiên phát triển công nghiệp thì sẽ bớt chú ý đến nông nghiệp. Hiện Bắc Ninh đang dành hơn 90% quỹ đất cho phát triển công nghiệp, nhưng ngành công nghiệp chủ yếu dựa vào vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính ở mức báo động mà chúng ta chưa có giải pháp thực sự hiệu quả để xử lý vấn đề này. Vì vậy, nếu chỉ chú trọng phát triển công nghiệp sẽ thiếu bền vững. Để nâng cao nội lực, song song với việc phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nội địa, thì phải chú trọng khai thác cả lĩnh vực nông nghiệp.
Phát triển kinh tế nông nghiệp là xu hướng không thể đảo ngược, bởi nông nghiệp vẫn đang là lĩnh vực tạo ra nhiều giá trị gia tăng nhất cho nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu của chúng ta mỗi năm đạt khoảng 400 tỷ USD, trong đó 75% (gần 300 tỷ USD) là của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; doanh nghiệp nội địa đóng góp khoảng 100 tỷ USD. Trong 100 tỷ USD này, có đến 55 tỷ USD đến từ lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, để thấy giá trị gia tăng của nông nghiệp đang cao hơn công nghiệp. Vậy nên, cũng như nhiều địa phương khác, Bắc Ninh không thể xem thường nông nghiệp!
PV: Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn 2050 đã đặt ra mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa tập trung, nông nghiệp tuần hoàn gắn với công nghiệp chế biến, hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp của tỉnh.
Hiện tại, thế mạnh của Bắc Ninh vẫn là công nghiệp. Vậy để nông nghiệp trở thành động lực gia tăng nội lực cho kinh tế Bắc Ninh, cần lưu ý điều gì thưa ông?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Bắc Ninh có những lợi thế nhất định để phát triển nông nghiệp như khí hậu khá thuận lợi, ôn hòa. Tỉnh cũng có quỹ đất bỏ hoang nhiều do người dân tập trung làm công nghiệp. Mặc dù đây là nhược điểm, nhưng Bắc Ninh có thể biến điều này thành ưu điểm, dồn điền đổi thửa để tạo ra những khu sản xuất nông nghiệp tập trung, nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn - hướng tới hai thị trường trọng điểm là Hà Nội với các khu công nghiệp lân cận và Trung Quốc. Nhu cầu về rau quả, thủy hải sản, đồ gỗ tại đây là rất lớn.
Hiện Bắc Ninh đã có một số mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, hướng tới phục vụ hai thị trường này, và cả các thị trường khác, như những khu nuôi thủy hải sản tập trung. Vấn đề là cần đầu tư thêm về công nghệ, để sản phẩm vừa đạt chuẩn an toàn thực phẩm, xanh sạch, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, vừa bảo vệ môi trường. Để đầu tư công nghệ hiệu quả, phải sản xuất tập trung, quy mô lớn, thành lập hợp tác xã, công ty cổ phần, còn nếu làm manh mún sẽ không hiệu quả.
Cũng lưu ý, quỹ đất Bắc Ninh ngày càng hạn hẹp, nên sản xuất nông nghiệp phải bước vào giai đoạn tập trung hóa. Cần có doanh nghiệp đứng ra thu gom đất đai, giao cho bà con nông dân cổ phần để họ yên tâm sản xuất. Muốn làm được điều này thì phải có cơ chế hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Tóm lại, Bắc Ninh đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, cũng như đặt ra nhiều mục tiêu phát triển trong tương lai, tầm nhìn đến năm 2050. Đứng trước nhiều thách thức như đất đai khan hiếm và ngày càng đắt đỏ, thiếu hụt nguồn nhân lực, di sản văn hóa ngày càng mai một, lợi thế cạnh tranh ngày càng thu hẹp, Bắc Ninh cần nâng cao nội lực, đầu tư vào công nghệ cao, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Phát triển dịch vụ “đa dạng sinh thái”; công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch chính là chìa khóa để Bắc Ninh phát triển bền vững.
PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của chuyên gia!