Aa

TS. Lưu Bích Hồ: Không nên thu hút vốn FDI quá nhiều vào bất động sản

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Chủ Nhật, 12/08/2018 - 20:00

“Trong nước, nguồn vốn cũng không nên ưu tiên quá nhiều cho lĩnh vực bất động sản, cần thắt chặt và hạn chế, hướng tới tập trung các lĩnh vực khác như công nghiệp chế biến", là khẳng định của TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Tại Tọa đàm khoa học “Dự báo kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2018 và ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ  - Trung Quốc”, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tổng số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018 đạt 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn thực hiện đạt 8,37 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ 2017.

Vốn FDI đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (38,9%), kinh doanh bất động sản (27,4%), bán buôn bán lẻ (7,4%), dịch vụ giải trí (5,5%) và cung cấp điện, khí đốt (5,5%). Trong đó, hình thức đầu tư M&A tăng mạnh, đạt giá trị 4,1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng 82,4% so với cùng kỳ 2017. Nhà đầu tư chủ yếu đến từ Đông Á gồm Nhật Bản (31,8%), Hàn Quốc (24,9%), ngoài ra có cả Singapore (11,8%).

(Ảnh: TTXVN)

(Ảnh: TTXVN)

Trên báo cáo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định rằng: “Dòng vốn tiêu dùng đi vào lĩnh vực bất động sản là con số hiện đang chưa thống kê được. Nhìn vào cơ cấu vốn FDI đổ vào Việt Nam, tỷ lệ đầu tư vào kinh doanh bất động sản lên tới 5,54 tỷ USD, đứng thứ 2 chỉ sau công nghệ chế biến (hơn 7 tỷ USD) khoảng 2 tỷ USD. Một sự chênh lệch không quá nhiều. Vốn FDI đang được ưu tiên vào bất động sản với một con số rất lớn”.

Theo TS. Lưu Bích Hồ, không nên tìm mọi cách để thu hút vốn FDI vào thị trường bất động sản mà nên chuyển hướng ưu tiên sang các ngành như công nghệ chế biến. Lý giải điều này, ông Hồ cho hay: “Chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào vốn FDI. Nếu vốn FDI bị rút ra thì thị trường bất động sản sẽ tắc. Chúng ta không thể xem thường khi bất động sản xảy ra bong bóng. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế”.

Trước bối cảnh nền kinh tế được dự báo còn nhiều quan ngại, TS. Lưu Bích Hồ nhấn mạnh: “Trong nước, nguồn vốn cũng không nên ưu tiên quá nhiều cho lĩnh vực bất động sản, cần thắt chặt và hạn chế, hướng tới tập trung các lĩnh vực khác như công nghiệp chế biến”.

Theo TS. Bùi Thúy Vân, Trưởng Khoa Kinh tế đối ngoại, Học viện Chính sách và Phát triển (APD) - Bộ kế hoạch và Đầu tư, điều quan ngại về vốn FDI đổ mạnh vào thị trường bất động sản Việt Nam là khi dòng vốn chủ yếu rơi vào phân khúc nhà ở, văn phòng cao cấp. “Thực tế, đây là phân khúc dư thừa nguồn cung, chưa đáp ứng được nhu cầu thật sự về nhà ở khiến lợi ích thực sự của FDI vào thị trường bất động sản giảm, làm tăng nguy cơ khủng hoảng”, bà Vân nói.

Một số chuyên gia lại cho rằng vấn đề thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản không nên hạn chế bởi khách quan nhìn nhận, nhờ nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài là sự xuất hiện của các dự án, các công trình bất động sản lớn, những khách sạn 5 sao... Điều quan trọng nhất là vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản được phân bổ cũng như sử dụng như thế nào. Nếu vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản phục vụ cho các nhu cầu bức thiết của xã hội như các phân khúc dành cho người thu nhập thấp, trung bình, bất động sản công nghiệp thì rất tốt. Đây là hướng đầu tư nên khuyến khích và cần đẩy mạnh.

Trả lời phỏng vấn trên Thời báo kinh tế Việt Nam, TS. Phan Hữu Thắng (Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài (FDI) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tác giả cuốn sách FDI: Đồng tiền "hai mặt" cho rằng: “Thông qua việc thu hút FDI vào bất động sản chúng ta sẽ có điều kiện để quy hoạch lại những khu vực tiềm năng. Vấn đề là chúng ta sẽ phân bổ đầu tư vào đâu, khi nào để đảm bảo  tính cân bằng, bền vững và đúng quy hoạch”.

Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (NCIF - Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ đạt khoảng 6,83%. Trong đó, tăng trưởng quý III và IV không có yếu tố đột phá, với mức tăng ước đạt lần lượt 6,72% và 6,56%. Lạm phát bình quân năm 2018 trong khoảng 4 - 4,2%. Từ nay đến cuối năm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phải đối mặt nhiều vấn đề như việc tăng giá USD, chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và các nước khác, biến động của giá hàng hóa cơ bản và năng lượng trên thị trường quốc tế...

TS. Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích và dự báo (NCIF) dự báo, đà tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại do thiếu động lực hỗ trợ, bất chấp việc đạt 7,08% trong nửa đầu năm - mức cao kỷ lục kể từ năm 2011.

Cũng theo chuyên gia này, nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm chưa rõ ràng, trong khi các động lực chính như công nghiệp chế biến - chế tạo và thu hút đầu tư nước ngoài đang có xu hướng bão hòa. Cụ thể, lực đẩy từ khu vực đầu tư nước ngoài mất dần và chưa có động lực mới bổ sung; công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị; tác dụng của các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh chưa rõ nét, trong khi nền kinh tế vẫn tăng trưởng dựa chủ yếu vào vốn từ sự gia tăng dòng đầu tư...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top