TS. Nguyễn Đình Cung: Một quốc gia hùng cường không thể thiếu được nền kinh tế tư nhân hùng mạnh

TS. Nguyễn Đình Cung: Một quốc gia hùng cường không thể thiếu được nền kinh tế tư nhân hùng mạnh

Thứ Hai, 18/11/2024 - 06:15

Nền kinh tế thị trường không thể vắng bóng khu vực kinh tế tư nhân. Cho đến nay, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khu vực kinh tế này luôn luôn là động lực chủ yếu, mang tính chất quyết định trong việc phát triển kinh tế của một quốc gia. Một quốc gia hùng cường không thể thiếu được nền kinh tế tư nhân hùng mạnh.

Ở nước ta, kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân ngày càng đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Để kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế, cần phải tiếp tục đổi mới tư duy nhận thức và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) ghi lại ý kiến của TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) xung quanh vấn đề này.

Về mặt pháp lý, kinh tế tư nhân Việt Nam bắt đầu phát triển từ năm 1990. Thời điểm đó, có Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân, đặt nền tảng pháp lý đầu tiên cho kinh tế tư nhân Việt Nam. Đồng thời, thông qua hai luật này, chúng ta thừa nhận sự tồn tại của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam về mặt pháp lý.

Từ đó đến nay, về mặt chính trị, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cũng dần được thừa nhận và ngày càng có vị trí quan trọng hơn. Từ việc thừa nhận sự tồn tại, đến năm 2000 - 2001, kinh tế tư nhân được thừa nhận là "bộ phận không thể thiếu", và sau đó tiếp tục nâng lên thành "động lực quan trọng". Cùng với đó, chúng ta ngày càng hoàn thiện về mặt pháp lý cho sự phát triển của kinh tế thị trường nói chung và khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam nói riêng. Đầu tiên là cam kết bằng những điểm nền tảng, căn bản từ Hiến pháp, đó là bảo vệ tài sản của khu vực tư nhân, không cải tạo xã hội chủ nghĩa, không quốc hữu hóa tài sản của tư nhân. Sau đó, là bảo vệ, mở rộng quyền tự do kinh doanh. Cho đến nay, doanh nghiệp tư nhân được kinh doanh tất cả những lĩnh vực ngành nghề mà pháp luật không cấm. Đây là một sự thay đổi có tính chất bước ngoặt về mặt pháp lý, tiến đến chuẩn mực của nền kinh tế thị trường nói chung.

Các quan điểm của Đảng về kinh tế tư nhân và phát triển kinh tế tư nhân thể hiện tập trung trong các cương lĩnh xây dựng đất nước, văn kiện đại hội Đảng, nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Bắt đầu từ Đại hội VI (tháng 12/1986), nền kinh tế nhiều thành phần đã được thừa nhận chính thức trong văn kiện Đảng. Đến Đại hội IX (tháng 1/2001), Đảng ta khẳng định kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế có vị trí quan trọng lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, được khuyến khích phát triển không hạn chế về quy mô trong những ngành, nghề, lĩnh vực và địa bàn mà pháp luật không cấm. Gần đây, Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 10 khóa XII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đều nhấn mạnh kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng của nền kinh tế".

Cùng với đó, về mặt pháp lý, chúng ta ngày càng hoàn thiện cho sự phát triển của kinh tế thị trường nói chung và khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam nói riêng.

Với một nền tảng chính trị và pháp lý ngày càng hoàn thiện như vậy, thì khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phát triển. Xét về số lượng, Việt Nam có lực lượng kinh tế tư nhân đông đảo, với hơn 1 triệu doanh nghiệp tư nhân, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể (trong đó, có hơn 1 triệu hộ đăng ký kinh doanh), theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Xét về độ phủ sóng, kinh tế tư nhân đang phục vụ mọi nhu cầu thiết yếu của người dân, ở mọi miền đất nước... Trong khi khu vực kinh tế nhà nước chưa thể phủ sóng cả về số lượng lẫn dịch vụ, chưa thể cung cấp mọi dịch vụ - hàng hóa thiết yếu cho đời sống người dân; khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài cũng mới chỉ tập trung chủ yếu ở khoảng 20 tỉnh thành phát triển (thậm chí, có khoảng 20 tỉnh không có bóng dáng đầu tư nước ngoài), thì chính kinh tế tư nhân đang làm rất tốt điều này.

Về quy mô, kinh tế tư nhân Việt Nam chủ yếu vẫn là hình thức nhỏ và siêu nhỏ, tuy nhiên đã bắt đầu nổi lên những tỷ phú USD, những công ty, tập đoàn tư nhân mang tính khu vực và toàn cầu, dẫn dắt thị trường trong nước, và thậm chí, có phần nổi bật so với lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân cũng có vai trò chủ chốt và năng lực cạnh trạnh tốt trong lĩnh vực xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, thuần Việt, nhất là ngành nông nghiệp (gạo, cà phê…) và ngư nghiệp.

Với sự phát triển vượt bậc, kinh tế tư nhân có đóng góp to lớn vào sự phát triển của kinh tế đất nước. Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, kinh tế tư nhân đóng góp 45% GDP, 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra 85% việc làm cho tổng số lao động, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu. Nhưng con số này có thể chưa phản ánh được đầy đủ sự đóng góp của hàng triệu hộ kinh doanh cá thể.

Riêng doanh nghiệp bất động sản, mặc dù còn những tồn tại nhất định, nhưng không thể phủ nhận, ngành bất động sản đã làm thay đổi bộ mặt đất nước. Những công ty, tập đoàn bất động sản như Vingroup, Sun Group… thực sự đã làm giàu và đẹp cho những vùng đất mới.

TS. Nguyễn Đình Cung: Một quốc gia hùng cường không thể thiếu được nền kinh tế tư nhân hùng mạnh- Ảnh 1.

Kinh tế tư nhân có đóng góp to lớn vào sự phát triển của kinh tế đất nước. (Ảnh minh họa: TP.HCM)

Không chỉ dừng lại ở đó, những công ty, tập đoàn tư nhân Việt Nam cũng đang dần làm chủ công nghệ. Trước đây, Việt Nam luôn khát khao có sự xuất hiện của ngành công nghiệp ô tô. Và chính doanh nghiệp tư nhân đã biến ước mơ đó thành hiện thực. Từ chiếc xe 4 chỗ "Made in Việt Nam" đầu tiên được sản xuất tại miền Bắc nước ta năm 1958 (do những người thợ của nhà máy Chiến Thắng chế tạo dựa trên nền tảng mẫu ô tô Fregate chạy xăng của Pháp), đến năm 2004 đã đánh dấu bước "chuyển mình" mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khi có hai doanh nghiệp mang thương hiệu Việt đầu tiên được cấp phép sản xuất, lắp ráp. Đó là Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) và Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki). Đến nay, Thaco vẫn trụ vững, mở rộng phân khúc sang lắp ráp xe tải, xe con, xe khách… với thị phần tăng chóng mặt, cạnh tranh rất tốt ở trong nước. Sở hữu Khu liên hợp sản xuất ô tô lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam tại Chu Lai – Quảng Nam, Thaco là minh chứng cho sức mạnh của kinh tế tư nhân, góp phần hiện thực hóa giấc mơ ô tô Việt cho người Việt.

Sau Thaco, Việt Nam có Vinfast với xe điện - hướng đi khác biệt so với những doanh nghiệp làm ô tô đi trước. Thông thường, việc chọn con đường khác biệt thì rủi ro cao, nhưng nếu thành công cũng sẽ rất rực rỡ. Khi Vinfast chọn con đường khác biệt, cũng có thể sẽ ngoài tầm hiểu biết của nhiều người, nên khen chê là chuyện bình thường, nhưng tôi cho là chúng ta nên có thái độ ủng hộ. Doanh nghiệp muốn lớn lên, quốc gia muốn hùng cường, trước hết phải dựa vào tinh thần yêu nước và khát vọng phát triển quốc gia trong mỗi công dân Việt Nam.

Những doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân can đảm đi đầu không chỉ xứng đáng được cổ vũ về mặt tinh thần, mà xã hội còn nên ưu tiên mua sắm và sử dụng sản phẩm họ làm ra. Không chỉ là một nhóm, một bộ phận mua sắm, mà phải làm sao huy động được người dân, xây dựng được tâm trạng xã hội tốt đẹp về sản phẩm. Thực tế cho thấy, mỗi quốc gia đều có sản phẩm mang tính biểu tượng và phát triển nhờ lòng tự tôn, tự hào dân tộc, như Nhật Bản có Toyota, Hàn Quốc có Samsung… Có Nhà nước dẫn dắt thì sản phẩm quốc gia mới có cơ hội phát triển.

Chúng ta cũng nên có thái độ trân trọng, ủng hộ doanh nhân vì họ thực sự đã dấn thân và có khát khao cống hiến, đóng góp cho xã hội, cho sự phát triển của đất nước. Đúng là vào thời kỳ 30, 40 năm trước, đất nước còn nghèo và ai cũng đề cao mục đích phát triển kinh tế, nuôi sống gia đình. Còn bây giờ, số doanh nhân Việt Nam có tài sản hàng chục triệu USD không hiếm. Khi đã vượt qua nỗi lo "cơm áo gạo tiền" trong gia đình, thì động lực cho những doanh nhân bươn chải trên thương trường lại là khát khao cống hiến, phát triển đất nước, xã hội. Đối với họ, phía sau hàng trăm, hàng nghìn công nhân là hàng trăm, hàng nghìn gia đình. Doanh nghiệp phát triển thì gia đình công nhân viên no ấm. Nếu doanh nghiệp thất bại, bê trễ, không có tiền trả lương thì sẽ ảnh hưởng rất lớn. Nhiều doanh nghiệp "mở mắt" ra đã phải đau đầu với hàng tỷ đồng trả lương. Nếu chỉ nghĩ đến bản thân thì có lẽ họ đã từ bỏ, bởi việc vận hành doanh nghiệp thực sự vất vả, với muôn vàn khó khăn. Vậy nên, có thể nói, doanh nhân Việt Nam đã thực sự dấn thân và cống hiến. Tôi cho là xã hội phải nhìn nhận được điều đó, để tin tưởng, ủng hộ và trợ giúp.

Nhìn vào thực tế, kinh tế tư nhân Việt Nam đã trở thành động lực thực sự quan trọng và không thể thiếu. Chính sách dành cho doanh nghiệp tư nhân theo đó cũng đã có những thay đổi quan trọng. Mà đầu tiên, phải ghi nhận một bước ngoặt lớn so với trước kia, đó là người dân có quyền tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm và chưa cấm.

Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản đã được nhắc đến nhiều lần nhưng chưa được giải quyết triệt để. Rào cản thứ nhất là sự sáng tạo trong kinh doanh đang bị hạn chế. Hệ thống luật pháp đang được xây dựng trên nguyên tắc quản lý, như thông qua những quy định về điều kiện kinh doanh. Luật Đầu tư 2020 hiện hành có 227 ngành nghề kinh doanh có điều kiện (trước đây là 243 ngành nghề theo quy định của Luật Đầu tư 2014). Mỗi ngành nghề lại chia ra hàng chục ngành nghề khác, đẩy con số ngành nghề kinh doanh có điều kiện lên đến hàng nghìn ngành nghề, đã phần nào hạn chế quyền tự do, tính đổi mới, sáng tạo trong kinh doanh của doanh nhân, doanh nghiệp.

Với hệ thống quy định pháp luật còn chồng chéo, thì dù muốn và có ý thức tuân thủ quy định, doanh nghiệp vẫn có thể gặp sai sót, vi phạm. Nhất là, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có ban pháp chế đầy đủ để thường xuyên cập nhật văn bản pháp luật và xử lý vướng mắc như các doanh nghiệp lớn. Trên nền tảng pháp luật đó, mỗi doanh nghiệp còn phải tiếp 5 đến 10 đoàn thanh tra mỗi năm, làm nản lòng người kinh doanh, thậm chí gắn với lo ngại hình sự hóa quan hệ kinh tế. Đây là những rào cản vừa hữu hình, vừa vô hình rất lớn đối với hoạt động kinh tế. Vì vậy, chỉ có ít doanh nghiệp vượt qua được và lớn lên; nhưng ngay cả khi đó, họ vẫn phải đối mặt với nguy cơ càng mở rộng kinh doanh thì rủi ro ngày càng cao trong bối cảnh pháp luật khó dự đoán.

Bên cạnh đó, doanh nhân, doanh nghiệp còn phải đối mặt với rào cản về thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai. Áp lực cạnh tranh lại ngày càng lớn, phức tạp, nhất là trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế. Xu thế yêu cầu về phát triển xanh, bền vững cũng gia tăng chi phí gia nhập thị trường lớn, đặc biệt chi phí gia nhập thị trường xuất khẩu ngày càng cao.

Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt như vậy, chính sách dành cho doanh nghiệp tư nhân đòi hỏi phải có những thay đổi đột phá, quyết liệt hơn nữa. 

Một đột phá có tính bước ngoặt nhất có lẽ là việc tập trung giải nghĩa, thế nào là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự và thực thi được điều này trên thực tế. Vấn đề này đã đưa vào Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; với nhiệm vụ "khẩn trương rà soát, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế…".

Thực tế, chúng ta đã nói đến việc "không hình sự hóa quan hệ kinh tế" từ những năm 2000, và một thời gian dài đã hạn chế được rất nhiều hệ lụy. Hiện nay có hai luồng ý kiến về vấn đề này. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, thực tế Luật Hình sự đã quy định cụ thể các tội danh, ai vướng vào tội nào thì khép tội như thế và đó không phải là "hình sự hóa" quan hệ kinh tế dân sự. Luồng ý kiến thứ hai, có nhiều tội đang quy về tội Hình sự thì nên bỏ.

Tôi cho là, cần phải tư duy ngược từ thực tế đi lên, bằng cách xem xét lại các tội danh, khi quay thì quay trở lại sửa Luật Hình sự. Mục đích cao nhất là để doanh nhân có cơ hội làm lại trước những sai sót do thiếu hiểu biết hay chưa có kinh nghiệm. Đội ngũ doanh nhân đang rất cần điều này để đảm bảo được sự an toàn khi phát triển doanh nghiệp. Vì chỉ khi có niềm tin rằng, tài sản và sinh mệnh chính trị được pháp luật bảo vệ, thì doanh nhân mới có động lực tính chuyện lâu dài, làm to, làm lớn, sáng tạo và bùng nổ, từ đó thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.

Để tạo ra thay đổi có tính bước ngoặt và tác động cực kỳ lớn này, cần quyết tâm chính trị rất cao. Nghị quyết đã có, thì phải có quyết tâm chính trị chỉ đạo từ trên xuống mạnh mẽ, nếu không sẽ lại trôi qua.

Còn đột phá có tính quan trọng nhất, chính là thay đổi tư duy. Hệ thống luật pháp, hệ thống thể chế phải là hệ thống thúc đẩy sự phát triển, khuyến khích và đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, để hiện thực hóa khát vọng hùng cường Việt Nam như chúng ta đã nhiều lần đề cập, chứ không phải hệ thống thể chế thiên về quản lý và kiểm soát.

Chỉ khi thay đổi tư duy thì nội dung pháp luật mới thay đổi, nếu không, cuối cùng việc ban hành pháp luật vẫn có thiên hướng kiểm soát và quản lý bởi lợi ích cục bộ. Chỉ khi thay đổi được tư duy hệ thống, mới gián tiếp tháo gỡ được những vướng mắc thể chế hiện nay. Từ đó, mở ra không gian phát triển rộng rãi nhưng an toàn cho doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Đó là điều họ đang mong chờ nhất./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top