Aa

TS. Nguyễn Đình Cung: “Nền kinh tế đang ở đáy của tăng trưởng“

Thứ Năm, 27/07/2023 - 09:00

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho rằng với bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang ở đáy của tăng trưởng và đỉnh điểm của khó khăn.

“Kinh tế khó khăn nhất 30 năm qua”

PV: Trong khi ông nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam khó khăn thì các tổ chức quốc tế lại đánh giá nước ta vẫn khá tốt. Ông có thể nói gì về điều này?

TS. Nguyễn Đình Cung: Với hơn 30 năm trải nghiệm qua các cải cách, diễn biến thăng trầm kinh tế Việt Nam, một lần nữa, tôi khẳng định đây là thời điểm khó khăn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, đánh giá nói chung của các cơ quan nhà nước chưa sát với tình hình thực tế.

Với nhận định của các tổ chức quốc tế, tôi cho rằng dường như chúng ta vui mừng trước những ánh sáng như con đom đóm rồi sẽ mất đi và hài lòng với những thứ đó nên không tìm được giải pháp.

PV: Vậy, ông cho rằng nền kinh tế đang có những khó khăn chính gì?

TS. Nguyễn Đình Cung: Cầu nhập khẩu giảm mạnh làm thu hẹp sản xuất trong nước, nhất là các ngành, sản phẩm định hướng xuất khẩu; xuất khẩu và sản xuất công nghiệp vẫn đang xu hướng giảm. Việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân vẫn chưa được cải thiện, lãi suất cho vay không tăng nhưng ở mức cao và giảm rất chậm. Một điều đáng tiếc là hiện nay vẫn thiếu các biện pháp hỗ trợ giảm chi phí, giải quyết khó khăn và tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Sinh kế của một bộ phận dân cư chuyển từ chính thức sang phi chính thức.

Thêm vào đó, lạm phát gia tăng và có nguy cơ vượt chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra. Thị trường tài chính có thời điểm chao đảo, lung lay và có phần mất niềm tin. Rõ ràng, trong bối cảnh như vậy, mọi người đều chọn phương án dừng lại, không tiếp tục đầu tư khiến thanh khoản toàn thị trường suy giảm. Dòng vốn trong nền kinh tế trở nên cạn kiệt.

Do đó, các mục tiêu về kinh tế xã hội có thể quá cao trong điều kiện kinh tế thế giới vẫn thách thức kéo dài sang đến năm 2024. Hiện rất cần có những thay đổi mạnh mẽ, nhất quán vừa hỗ trợ mạnh đối với doanh nghiệp và người lao động, vừa giải quyết các vướng mắc thể chế đã tồn tại từ nhiều năm.

Chính sách tài khóa là động lực duy nhất cho tăng trưởng

PV: Ông từng khẳng định động lực chủ yếu cho kinh tế Việt Nam 2023 là đầu tư công. Vậy quan sát nền kinh tế thời điểm hiện tại, ông có thay đổi quan điểm không?

TS. Nguyễn Đình Cung: Về đầu tư công, tôi cho rằng không nên hy vọng tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư công (ví dụ như các dự án PPP) vào thời điểm này, bởi lẽ không có động lực, không có cơ chế khuyến khích, tinh thần kinh doanh rất ảm đạm.

Trên thực tế, năm nay, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công đã được cải thiện nhưng đây lại chỉ là cải thiện mang tính nhất thời nên không thể tạo ra “cú hích” mang tính đột phá cho nền kinh tế. Nói đến đầu tư công là nói đến chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, vì không phải bây giờ mới chậm, mà đã kéo dài nhiều năm nay. Tất cả chúng ta đều biết giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng thực ra cải thiện đó không bền vững.

Về vấn đề này, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, song việc đầu tiên cần làm là hóa giải được căn bệnh “sợ sai không dám làm”, nếu không thì việc chậm vẫn xảy ra; phải nêu rõ cách làm thế nào, ai làm.

Tôi cho rằng muốn đẩy mạnh đầu tư công cần bỏ chủ trương đầu tư trong Luật Đầu tư, tất cả những dự án đầu tư công quan trọng đã có trong quy hoạch, qua rất nhiều vòng lựa chọn rồi thì nên cho triển khai ngay, khi có quyết định là tìm kiếm nhà đầu tư luôn chứ không đợi triển khai rồi mới tìm, như vậy sẽ mất 3 - 4 năm nữa.

Bên cạnh đó, cũng nên xem lại một số quy định trong Luật Đầu tư và một số luật liên quan khác, từ đó bỏ đi những thứ đang kìm hãm hay ngăn cản trong việc đầu tư. Thậm chí, việc bỏ đi một khâu xin phép trong thủ tục là giảm đi một rủi ro đối với công chức thực thi, làm giảm nguy cơ mắc vào tội làm trái quy định.

PV: Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ phải thay đổi cách tiếp cận trong đầu tư công?

TS. Nguyễn Đình Cung: Trước tiên, cần có cách tiếp cận mới chi phối từ việc xây dựng, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, phân bố, lựa chọn dự án và triển khai thực hiện thì mới có thể đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mang lại hiệu quả và tạo động lực đột phá cho nền kinh tế.

Theo đó, cách tiếp cận mới là với những dự án quan trọng quốc gia, liên vùng mà có thể gọi là “không thể không làm” như: dự án vành đai 3, 4 TP. Hà Nội, TP.HCM, cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Biên Hoà - Bà Rịa Vũng Tàu… thì cần có cơ chế mới, lấy hiệu quả làm thước đo đánh giá.

Đã là các dự án “không thể không làm” thì cần cơ chế đột phá và phải tập trung vốn, nguồn lực triển khai thật nhanh, lấy hiệu quả đặt lên hàng đầu, vì nếu triển khai chậm sẽ càng đội vốn gây lãng phí, kém hiệu quả.

Nếu hiểu rằng các quy định, thủ tục cuối cùng cũng là để đảm bảo hiệu quả thì nên dùng cách tiếp cận khác, lấy hiệu quả là thước đo, tập trung chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát, phối hợp giữa trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau.

Giải ngân vốn đầu tư công hiện nay có tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế, từ thanh khoản, các tổ chức tín dụng, cách tiếp cận vốn của doanh nghiệp… Nếu tháo được “đập nước” đầu tư công, tôi tin rằng “cánh đồng” kinh tế sẽ tươi tốt trở lại.

PV: Nhưng, trước mắt nếu chưa thể trông vào đầu tư công thì đâu sẽ là “cứu tinh” của nền kinh tế ở thời điểm hiện tại?

TS. Nguyễn Đình Cung: Chỉ tiêu kiểm soát lạm phát 2023 dưới 4,5% là thách thức rất lớn và cần cân nhắc vì không nên thắt chặt cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá trong lúc này. Nếu thặt chặt tiền tệ thì cần nới lỏng chính sách tài khóa, giảm thuế, miễn thuế nhiều hơn nữa so với giá trị chương trình phục hồi và phát triển mà Quốc hội đã thông qua.

Không giống như năm 2022, lạm phát chủ yếu từ chi phí đẩy, lạm phát 2023 chịu tác động từ cả các yếu tố bên trong như: lãi suất tăng, tỷ giá tăng gần 10% tác động trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chi phí đẩy nhập khẩu từ bên ngoài chắc chắn sẽ cũng sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh. Vì vậy, chính sách tài khoá là “phao cứu sinh” duy nhất đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top