Aa

TS. Nguyễn Đức Kiên: "Thủ tục đọng" cản bước đầu tư công

Thứ Bảy, 25/07/2020 - 06:30

Một trong những dự án điển hình đang chậm trễ do nguyên nhân “thủ tục đọng” đó là Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Chuyên gia kinh tế. Ảnh: VGP/Phan Trang.

Đã 5 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ nhận định đầu tư công sẽ là “cú hích” cho nền kinh tế (tháng 2/2020) và người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh “địa phương nào không tiêu hết tiền, Chính phủ điều động. Địa phương nào cần tiền để phát triển, Chính phủ mang tiền đến” nhưng tính đến thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều bộ ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân chậm.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm trễ này cũng như những giải pháp để đạt mục tiêu phát triển kinh tế cả năm 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường trên thế giới.

Rào cản, vướng mắc từ chính sách

PV: Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ nêu nguyên nhân giải ngân chậm là do “3 cái đọng”: Vốn đọng, nợ đọng, thủ tục đọng. Theo ông, trong 3 vấn đề này, đâu là điểm nghẽn mang tính quyết định?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Với vấn đề Thủ tướng nêu, cá nhân tôi và Tổ tư vấn kinh tế nhận thấy nguyên nhân quan trọng nhất gây nên việc giải ngân chậm là thủ tục đọng. Dẫn đến tình trạng, có nhiều công trình, dự án có khối lượng nhưng không thanh toán được. Nhiều công trình, dự án làm xong rồi nhưng không quyết toán được nên còn nợ đọng xây dựng cơ bản.

Một trong những dự án điển hình đang chậm trễ do nguyên nhân “thủ tục đọng” đó là Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tình trạng nợ đọng chính sách xảy ra khi Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Đồng Nai không có sự phối hợp trong việc xây dựng đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân.

Nếu như năm 2015, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành chính thức được triển khai, phần giải phóng mặt bằng được tách riêng ra làm một dự án do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 18.000 tỷ đồng thì đến năm 2017 tổng mức đầu tư đã lên đến 23.000 tỷ đồng. Còn đến thời điểm hiện tại (năm 2020) khi mà UBND tỉnh Đồng Nai mới đang làm công tác kiểm đếm để giải phóng mặt bằng thì chắc chắn chi phí cho việc giải phóng mặt bằng không còn ở con số 23.000 tỷ đồng nữa.

Đây là những nguyên nhân không phụ thuộc vào lạm phát, không phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài, không phụ thuộc vào bất cứ điều gì mà phụ thuộc vào năng lực của chính đội ngũ chúng ta. Có thể nói Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là điển hình của sự trì trệ, mà trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND tỉnh Đồng Nai, UBND các huyện, xã và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc bố trí đơn giá giải phóng mặt bằng.

PV: Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020, được kỳ vọng tháo gỡ tình trạng “có tiền nhưng không tiêu được”. Tuy nhiên, trên thực tế, Luật Đầu tư công chỉ xử lý được những vướng mắc trong thủ tục đầu tư công, chứ không xử lý được những vấn đề liên quan đến đấu thầu, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường... Xin hỏi ông nhìn nhận và đánh giá thực trạng này thế nào?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Cần phải hiểu rằng, đầu tư công bao giờ cũng phức tạp hơn và kéo dài hơn đầu tư tư nhân vì chúng ta sử dụng ngân sách, tiền thuế của nhân dân. Trên thực tế, Luật Đầu tư công năm 2014 đã có nhiều tiến bộ, nhưng cách làm của các địa phương, bộ ngành vẫn không thay đổi mà vẫn muốn phải sửa lại Luật Đầu tư công theo cách làm cũ của mình. Nếu chúng ta thay đổi cách làm theo hướng kéo dài thời gian chuẩn bị sẽ rút ngắn được thời gian triển khai thi công, còn hiện ta đang làm ngược, thời gian chuẩn bị ngắn nên thời gian thi công bị kéo dài.

Một vấn đề nữa đó là sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính với các cơ quan chủ quản đầu tư công không tốt. Chúng ta bị bệnh “kế hoạch hóa”, tức là khi có quyết định chủ trương đầu tư là phải bố trí vốn ngay, bố trí đồng đều. Nhưng chúng ta “quên mất” rằng khi bố trí vốn thì thực tế sử dụng khác, giai đoạn đầu ít vốn, giai đoạn thi công cần nhiều vốn còn giai đoạn hoàn công lại sử dụng ít vốn. Việc này dẫn đến tình trạng, Nhà nước bố trí vốn xong nhưng lại chưa có khối lượng thi công, dẫn đến đọng vốn. Thậm chí, có những công trình bố trí vốn rải đều, đến lúc nghiệm thu, quyết toán đưa công trình vào sử dụng rồi vẫn chưa có vốn để trả dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản.

Một vấn đề nữa mà chúng ta chưa giải quyết được dứt điểm đó là tiền vốn chuẩn bị cho dự án được tính vào chi phí dự án, nhưng ban đầu thì ai đứng ra vay hay lại tính vào chi phí thường xuyên của các cơ quan quản lý? Khi dự án chưa được  phê duyệt thì kinh phí đã bỏ ra lập dự án được tính vào nguồn nào? Đây là vấn đề ta chưa giải quyết dứt điểm, và cũng là một trong những “nút thắt” của đầu tư công.

PV: Vẫn là những khó khăn về cơ chế chính sách, ngoài Luật Đầu tư công thì còn luật nào đang cản trở giản ngân vốn đầu tư công, thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Hiện nay chúng ta đã sửa xong Luật Xây dựng, còn Luật Môi trường sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp tiếp theo, về cơ bản những luật này khi được sửa đổi đã giải quyết được những ách tắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư. Những quy định về đấu thầu đất đai, xây dựng, môi trường không chỉ gây khó khăn cho đầu tư công mà còn cả đầu tư FDI và đầu tư tư nhân.Vì vậy, cần có đánh giá khách quan các tồn tại trong quá trình triển khai đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng. Không nên có những ưu đãi đặc thù về bảo vệ môi trường, về hiệu quả sử dụng đất… cho riêng các dự án đầu tư công.

Điển hình như trong Luật Môi trường, khi dự án triển khai phê duyệt thì phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), nhưng báo cáo này sẽ đánh giá ở giai đoạn Báo cáo tiền khả thi (Pre FS) hay Báo cáo khả thi (FS)? Nếu ở giai đoạn Pre FS thì chưa đủ cơ sở để đánh giá tác động môi trường mà phải ở giai đoạn làm FS mới đánh giá được. Chúng ta mất nhiều năm để tranh luận vấn đề này, bị lúng túng trước áp lực của xã hội về vấn đề bảo vệ môi trường và khiến các dự án trong tình trạng “dậm chân tại chỗ”.

PV: Dưới áp lực giải ngân đầu tư công và sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, vừa rồi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã có văn bản xin hoàn trả vốn Ngân sách Nhà nước. Ông nhìn nhận động thái này của 2 cơ quan nói trên như thế nào? Đây có phải “vòng luẩn quẩn” của câu chuyện giải ngân vốn không, thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Tôi cho rằng việc 2 cơ quan nói trên hay bất kỳ cơ quan nào muốn trả vốn hay xin bổ sung vốn là việc bình thường trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, chúng ta cần đánh giá việc vì sao họ lại xin trả vốn? Do họ không tiêu được số vốn này hay do dự toán công trình ban đầu không đến mức đấy hay do trong thời gian vừa qua họ không làm nên không sử dụng đến vốn? Chúng ta phải đánh giá năng lực điều hành của cán bộ phân công phụ trách lượng vốn đó, mọi việc đều phải thực hiện đúng quy định pháp luật.

Xử lý “căn bệnh kinh niên” của nền kinh tế

PV: Có ý kiến cho rằng giải ngân đầu tư công cũng nên để khối tư nhân tham gia. Ông đánh giá quan điểm này thế nào?

 TS. Nguyễn Đức Kiên: Tôi rất thích đối thoại với những ý kiến cho rằng cần mở cửa cho tư nhân tham gia nhưng xin hỏi còn lĩnh vực nào Nhà nước không mở cửa cho tư nhân tham gia? Đừng nói lý thuyết mà hãy chỉ ra lĩnh vực nào không cho tư nhân tham gia. Vấn đề là họ có tham gia hay không?

Các nhà máy nhiệt điện đều có các nhà đầu tư tư nhân, điện mặt trời cũng 100% tư nhân, lĩnh vực hàng không cũng chỉ có 1 hãng hàng không quốc gia và 2 hãng tư nhân, vận tải đường bộ 100% doanh nghiệp tư nhân, đường thủy đến 80% sản lượng của doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đường sắt không ai tham gia… Nói như vậy để thấy Nhà nước không hạn chế khối tư nhân đầu tư.

PV: Để giải bài toán giải ngân đầu tư công năm nay, tạo cú hích cho nền kinh tế, theo ông cần phải làm gì?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Đến giờ phút này, ta chỉ còn hơn 4 tháng để giải ngân, cá nhân tôi với tư cách làm công tác nghiên cứu, cho rằng để đầu tư công đóng góp khoảng 0,4 - 0,5 điểm phần trăm trong tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay với tổng số tiền giải ngân khoảng 700.000 tỷ đồng là khó.

Phải nhìn nhận đây là “căn bệnh kinh niên” của nền kinh tế, cứ đầu năm thì chúng ta thủng thẳng làm, qua mùa mưa (tháng 5 - 9) thì ta lại nhiệt tình thi công, giải ngân. Đây cũng là bài học cho các cơ quan Chính phủ để năm sau tổ chức, điều hành đầu tư công tốt hơn. Từ tháng 2/2020, ngay khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát, Thủ tướng Chính phủ đã nhận định đầu tư công sẽ là cú hích cho nền kinh tế, nhưng đáng tiếc, từ Chính phủ triển khai đến các bộ, ngành, địa phương vẫn chậm. Đến giờ, khi Thủ tướng Chính phủ phải đi từng địa phương để đôn đốc thì ta cũng thấy rõ sức ì của cả bộ máy là rất lớn.

Về giải pháp, tôi cho rằng chúng ta làm theo Luật, không khuyến khích các địa phương “trăm hoa đua nở” để giải ngân không đúng theo quy định, có vấn đề gì khó khăn thì báo cáo lên cấp có thẩm quyền. Các bộ, ngành địa phương phải làm hết trách nhiệm, hết thẩm quyền rồi hãy báo cáo lên Chính phủ.

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top