Aa

TS. Nguyễn Hữu Huân: “Kiểm soát lạm phát nhưng vẫn phải chừa dư địa cho tăng trưởng“

Thứ Sáu, 12/08/2022 - 06:40

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, chính sách tiền tệ trong thời gian qua đã góp phần kiểm soát tốt lạm phát, nhưng mặt trái là đại bộ phận doanh nghiệp và người tiêu dùng không thể tiếp cận được với nguồn vốn.

Sau thành tích ấn tượng trong 6 tháng đầu năm, vấn đề tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong 6 tháng cuối năm đã trở thành tâm điểm thảo luận của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Để góp một góc nhìn về chủ đề này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính - Đại học Kinh tế TP.HCM:

PV: Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm khá tươi sáng với tăng trưởng GDP cao nhất 10 năm qua. Với tư cách là một nhà quan sát - nghiên cứu kinh tế, ông có bất ngờ trước kết quả này?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn thì kinh tế vĩ mô của Việt Nam lại có được những tín hiệu rất tích cực. Tuy nhiên, các con số này cũng cần phải xem xét thận trọng. Nguyên nhân là sau đại dịch, tốc độ tăng trưởng thường rất mạnh ở giai đoạn đầu do có sự “bùng nổ" sau một thời gian dài bị kìm nén bởi các quy định giãn cách xã hội, nhưng đây chỉ là tác động nhất thời hay có thể duy trì dài lâu thì chưa trả lời được.

Mặt khác, mức tăng trưởng 7,72% của quý II/2022 là so với cùng kỳ năm ngoái - năm chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, do vậy, con số này mang tính biểu hiện cho sự phục hồi của kinh tế nhiều hơn là một kỳ tích vô tiền khoáng hậu hay thăng hoa trong nghịch cảnh.

PV: Tăng trưởng thông thường dựa vào 3 trụ cột: Đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng. Trong số này, đầu tư công 6 tháng còn khá chậm chạp; xuất khẩu chỉ tăng trưởng 17% (cùng kỳ tăng 28%) và xuất siêu chỉ 700 triệu USD; tiêu dùng có phục hồi nhưng chưa thực sự mạnh mẽ. Như vậy cả 3 trụ cột đều không quá mạnh. Vậy động lực cơ bản nào đã tạo nên tăng trưởng cao trong 6 tháng? Có sự khác biệt nào ở bức tranh tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2022 so với các năm trước đó?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Như đã phân tích ở trên, việc kinh tế năm nay tăng trưởng mạnh so với năm trước đa phần là do việc bãi bỏ các hạn chế về giãn cách xã hội, giúp nền kinh tế sôi động trở lại. Các trụ cột đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng vẫn đang phát huy vai trò, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Thời gian tới, đây vẫn là các động lực tăng trưởng chính. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, tăng trưởng sẽ còn phụ thuộc thêm vào sự hồi phục của ngành du lịch, vận tải và đầu tư nước ngoài.

TS. Nguyễn Hữu Huân cho ràng tăng trưởng vẫn có độ trễ nhất định.

PV: Lạm phát 6 tháng đầu năm ở mức 2,44%, không quá cao, nhưng cũng chưa hẳn là một điều đáng mừng. Bởi cách tính CPI của Việt Nam không giống thế giới, tức mức độ gia tăng chi phí của người dân không được đo lường một cách đầy đủ. Lạm phát khiến sức mua của người dân suy yếu, sản xuất gặp khó khăn. Điều này được dự báo sẽ gia tăng ở thời gian tới, có thể gây nên tình trạng đình lạm. Ở Việt Nam hiện nay, ông nhận thấy tình trạng đình -lạm đã xuất hiện chưa, hay đã có dấu hiệu chưa? Và nguy cơ của tình trạng đình lạm có lớn không? 

TS. Nguyễn Hữu Huân: Tình trạng đình lạm hiện nay đang xảy ra ở hầu hết các quốc gia phát triển, chẳng hạn như Mỹ khi lạm phát tăng cao trong khi kinh tế bắt đầu rơi vào suy thoái (tăng trưởng GDP âm 2 quý liên tiếp).

Tuy nhiên, ở Việt Nam thì điều nay chưa xảy ra vì lạm phát vẫn nằm trong mức cho phép là 4% và tăng trưởng thì lại vượt kỳ vọng. Có thể nói ở thời điểm hiện tại, Chính phủ đang điều hành kinh tế vĩ mô khá tốt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Một phần bởi cơ địa của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tốt, dư địa phát triển nhiều. Bên cạnh đó, nước ta cũng lại không bị ảnh hưởng quá lớn bởi các yếu tố về giá lương thực tăng cao, do Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lương thực. Ngoại tệ cũng dồi dào vì hiện nay Việt Nam đang xuất siêu và có dự trữ ngoại hối lớn. Lo ngại về tình trạng đình lạm, vì vậy là có, nhưng không thực sự quá lớn.

PV: Dự báo của ông về lạm phát Việt Nam trong các tháng tới, khi giá xăng dầu đã bắt đầu “hạ nhiệt”, lạm phát thế giới được cho là có dấu hiệu đạt đỉnh? Và theo ông, mục tiêu lạm phát 4% có thể đạt được không?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi cái này còn tùy thuộc vào diễn biến căng thẳng giữa Nga và phương tây ở những tháng cuối năm, đặc biệt là khi thế giới bước vào mùa đông và nhu cầu năng lượng tăng cao. Nên nếu Nga vẫn tiếp tục sử dụng chiêu bài năng lượng thì kịch bản xấu có thể xảy ra và lạm phát trong nước có thể vượt 4% là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

"Ngân hàng Nhà nước cần phải có sự phối hợp hài hòa giữa bơm hút tiền trong nền kinh tế, tránh việc siết quá chặt hay nới lỏng quá tay để đảm bảo kiểm soát lạm phát nhưng vẫn phải chừa dư địa cho tăng trưởng", TS. Huân đánh giá. 

Tuy nhiên, nếu điều đó có xảy ra đi chăng nữa thì cũng không phải là vấn đề quá to lớn nếu chỉ loanh quanh ở mức 5 - 6%, đó là mức có thể chấp nhận được trong bối cảnh cả thế giới đang chìm trong cơn bão lạm phát cao nhất trong lịch sử. Chúng ta không thể kỳ vọng Việt Nam nằm ngoài cuộc chơi khi đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với độ mở kinh tế lên đến hơn 200% GDP.

PV: Lạm phát tác động trực tiếp tới lãi suất. Cuộc đua lãi suất của các ngân hàng thương mại đã bắt đầu. Ngân hàng Nhà nước đang ở trong thế kẹt: Khống chế lạm phát và duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong khi phải thúc đẩy tăng trưởng cho một nền kinh tế “nghiện” tín dụng. Ông đánh giá việc điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua thế nào? Khuyến nghị của ông về chính sách tiền tệ trong thời gian tới để giải thế kẹt hiện tại của Ngân hàng Nhà nước? Đặc biệt, có nên nới room tín dụng năm nay không?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Việc quản lý bằng các biện pháp hành chính như "room" tín dụng thì đã nhiều chuyên gia đề cập rồi đó là biện pháp phi thị trường và cần phải loại bỏ, thay vào đó nên sử dụng các công cụ chính thống của chính sách tiền tệ như nghiệp vụ thị trường mở, tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu để quản lý cung tiền trong nền kinh tế.

Theo tôi chính sách tiền tệ trong thời gian qua đã góp phần kiểm soát lạm phát tốt, nhưng mặt trái là do thắt quá chặt nên đại bộ phận doanh nghiệp và người tiêu dùng không thể tiếp cận được với nguồn vốn để tái đầu tư sản xuất hay tiêu dùng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và từ giờ đến cuối năm tôi e ngại về câu chuyện tăng trưởng hơn là lạm phát. Vì tăng trưởng sẽ có độ trễ và khi các con số ra rồi thì thay đổi chính sách lại cần một thời gian từ 1 đến 2 quý để nền kinh tế có thể hấp thụ kịp thời.

TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng tránh việc siết quá chặt tay hay nới lỏng tay để đảm bảo kiểm soát lạm phát nhưng vẫn phải chừa dư địa cho tăng trưởng (Ảnh minh hoạ: Hải Thu)

Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần phải có sự phối hợp hài hòa giữa bơm hút tiền trong nền kinh tế, tránh việc siết quá chặt hay nới lỏng quá tay để đảm bảo kiểm soát lạm phát nhưng vẫn phải chừa dư địa cho tăng trưởng. Và đương nhiên đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của Ngân hàng Nhà nước, mà Chính phủ và Bộ Tài chính cũng cần thực thi các chính sách tài khóa đồng bộ với chính sách tiền tệ để có thể đạt được cả hai mục tiêu trên.

PV: Chính sách tài khóa nên như thế nào để phối hợp tốt với chính sách tiền tệ nhằm ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Chính sách tài khóa lại thường ra chậm hơn vì các chính sách thuế, phí, chi tiêu ngân sách phải mất một khoảng thời gian để có thể thay đổi hay thực thi vì liên quan đến nhiều bộ ngành, quy trình, thủ tục và xét duyệt. Do vậy, việc phối hợp nhịp nhàng giữa hai chính sách này là rất khó, và đòi hỏi cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, tránh việc trống đánh xuôi kèn thổi ngược, một bên đang hút trong khi bên kia lại kích cầu, hoặc tránh việc lệch pha giữa hai chính sách tại cùng một thời điểm.

Và Chính phủ cần là nhạc trưởng chính để điều phối hai dàn nhạc này một cách nhịp nhàng. Ngoài ra Chính phủ cũng cần quyết liệt hơn trong việc thay đổi chính sách tài khóa cho phù hợp với diễn biến rất nhanh của kinh tế vĩ mô trong bối cảnh có nhiều sự bất ổn và không dự đoán được như hiện nay, tránh rập khuôn hoặc bị động thì sẽ chậm trễ trong việc ứng phó với các tín hiệu thị trường.

PV: Dự báo của ông về tăng trưởng GDP trong 6 tháng cuối năm? Và đâu là động lực tăng trưởng chính trong 6 tháng cuối năm?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi 6 tháng cuối năm nếu như không có quá nhiều tin xấu từ căng thẳng giữa Nga và phương Tây thì kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể cán đích ở mức tăng trưởng cao từ 6.5% đến 7%, và động lực chính sẽ vẫn từ xuất khẩu, dịch vụ, tiêu dùng và đặc biệt là du lịch.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top