Aa

TS. Nguyễn Trí Hiếu: “Chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm nay là cần thiết”

Thứ Sáu, 07/02/2020 - 10:30

"Tôi cho rằng nền kinh tế năm nay gặp nhiều thử thách hơn năm ngoái nhiều, vì thế một chính sách tiền tệ nới lỏng là cần thiết", TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.

Quan điểm được TS. Nguyễn Trí Hiếu đưa ra khi trao đổi nhanh quanh vấn đề tác động của dịch virus corona tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng như kế hoạch ứng phó nhằm giảm bớt những thiệt hại.

PV: Thưa ông, với những diễn biến đang thể hiện, ông có đánh giá gì về khả năng tác động của dịch virus corona tới kinh tế Việt Nam?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Dịch cúm virus corona đang ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, dĩ nhiên Trung Quốc là nước thiệt hại nhiều nhất. Do Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, với vị trí đó những tác động của dịch bệnh là rất lớn, trong đó có những tác động đối với nền kinh tế Việt Nam.

Trước mắt có thể thấy nó ảnh hưởng tới du lịch, giao thông vận tải, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc, ví dụ như thanh long đang ứ đọng ở cửa khẩu không được nhập vào nước này, nhiều đơn hàng đang bị hủy…

Ngoài các lĩnh vực trên, dịch bệnh này sẽ có thể có những tác động lớn tới các lĩnh vực khác. Tác động như thế nào, có lẽ phải chờ trong tháng 2, 3 xem thế giới có kiểm soát được dịch bệnh hay không. Nếu kiểm soát được thì nền kinh tế toàn cầu sẽ trở lại bình thường, trong đó có nền kinh tế Trung Quốc cũng như Việt Nam.

PV: Nếu kịch bản xấu là dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp, ông cho rằng Việt Nam nên ứng phó ra sao?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nếu sau 2 tháng dịch bệnh tiếp tục phát triển, không kiểm soát được thì hệ quả của nó không thể lường được. Giả sử dịch bệnh ở mức độ trung bình, tức tác động nhưng không phải tác động trong một sự khủng hoảng lớn. Trong trường hợp đó, Chính phủ Việt Nam cần có các biện pháp hỗ trợ như thế nào?

Ảnh minh họa.

Tôi cho rằng, thứ nhất Ngân hàng Nhà nước cần áp dụng những gói tài trợ hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho các nông dân, đặc biệt là những vùng có xuất khẩu.

Thứ hai chính sách tiền tệ năm nay có thể được nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Vì qua câu chuyện virus corona, cộng với nhiều khủng hoảng khác trên thế giới đang tác động tới nền kinh tế Việt Nam. Đó là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc; các cuộc chiến tranh, khủng hoảng chính trị, quân sự ở Trung Đông; đặc biệt nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)… cũng chỉ mới ở giai đoạn đầu và tác động của nó còn rất lớn.

Tôi cho rằng nền kinh tế năm nay gặp nhiều thử thách hơn năm ngoái nhiều, vì thế một chính sách tiền tệ nới lỏng là cần thiết. Trong đó có vấn đề tìm cách giảm lãi suất, các gói hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước đối với một số đối tượng của nền kinh tế.

PV: Cụ thể các ngành bị ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh cần được hỗ trợ ra sao, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Với các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có du lịch, vấn đề truyền thông trên quốc tế là rất quan trọng để cho thấy Việt Nam đang kiểm soát được tác động của bệnh dịch, các điểm du lịch của mình thực sự an toàn. Chúng ta cần có những thông tin chính xách về tình hình dịch bệnh cũng như tất cả biện pháp bảo vệ an toàn cho du khách.

Thứ hai cũng có thể có những gói hỗ trợ cho ngành du lịch, công ty du lịch. Chính phủ cần đầu tư để có biện pháp phòng chống, chữa trị bệnh tại vùng trọng điểm du lịch, những vùng ven biển cũng là vùng du khách Trung Quốc đến nhiều…

Với ngành giao thông vận tải, tôi đang lo ngại những hãng hàng không xử lý như thế nào khi mà du khách nước ngoài đến Việt Nam giảm đi nhiều, người dân trong nước cũng hạn chế đi lại. Theo đó, hàng không lẽ ra là lĩnh vực cần được sự quan tâm của Chính phủ.

PV: Vừa qua Chính phủ cho biết sẽ không điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Ông có ý kiến gì về chủ trương này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Về việc Chính phủ không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trước tác động của dịch bệnh virus corona, tôi thấy có lẽ năm nay nên điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng. Như đã phân tích cho thấy dịch bệnh này đã bắt đầu tác động tới nền kinh tế. Chính phủ nên theo dõi sát sao để có sự điều chỉnh phù hợp với nền kinh tế hơn.

Cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top