Aa

TS. Nguyễn Trí Hiếu: “Ma trận” sở hữu chéo ngân hàng là “tệ nạn” của nền kinh tế

Minh Hằng
Minh Hằng hangminh0807@gmail.com
Thứ Năm, 18/01/2024 - 06:00

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc thiếu những báo cáo về tình trạng sở hữu chéo là một vấn đề nhức nhối, trong khi đáng ra những thông tin này cần phải được công bố một cách minh bạch, lượng hóa được chi tiết, cụ thể để xã hội có thể giám sát.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes), TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho rằng, thời gian vừa qua, những vụ việc nổi cộm trên thị trường đã làm dấy lên một thực trạng đáng báo động về lợi ích nhóm trong hệ thống tài chính - ngân hàng và chúng ta cần phải làm rõ cũng như có giải pháp ngăn chặn cụ thể, kịp thời. Tuy nhiên, việc giải quyết tình trạng này luôn là một thách thức lớn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: “Ma trận” sở hữu chéo ngân hàng là “tệ nạn” của nền kinh tế- Ảnh 1.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng.

PV: Nhìn từ "cơn chấn động SCB và Vạn Thịnh Phát", ông có đánh giá ra sao về các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành và những vấn đề đặt ra với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng trong việc giải quyết vấn đề sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Hiện nay, sở hữu chéo là vấn đề nổi cộm trong hệ thống tài chính - ngân hàng. Đối với trường hợp như SCB và Vạn Thịnh Phát, về cổ phần, có thể bà Trương Mỹ Lan kiểm soát đến 90% thông qua những công ty có liên quan, sử dụng tiền của SCB để phục vụ cho mục đích cá nhân. Đó là vấn đề lợi ích nhóm, tức là lợi ích của một bộ phận lớn trong xã hội bị khuynh đảo, kiểm soát bởi một nhóm lợi ích.

Tình trạng này có thể sẽ còn tồn tại ở một số ngân hàng thương mại khác chứ không chỉ riêng SCB. Từ lâu, Ngân hàng Nhà nước đã tìm cách giải quyết triệt để hoặc giảm thiểu sở hữu chéo nhưng tình trạng này vẫn tồn tại dẫn đến những sai phạm.

Có thể nói, sở hữu chéo đã gây ra vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Đây có thể được ví như một "tệ nạn" trong nền kinh tế Việt Nam mà đến giờ, chúng ta chưa có phương án để giải quyết triệt để. Trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề nghị một số quy định để giảm thiểu tác động và ngăn chặn sở hữu chéo như giảm tỷ lệ cổ phần của cá nhân, tổ chức trong một ngân hàng… Tuy nhiên, các quy định này dễ dàng bị "lách" khi các nhà đầu tư có thể ủy quyền cho các bên liên quan hay các công ty liên quan mua, sở hữu cổ phần và các nhà đầu tư có thể thông qua các cổ phần này nắm giữ một loại quyền lực mềm để chi phối hoạt động của một hay nhiều ngân hàng. Vì thế có thể nói, vấn đề ủy quyền để kiểm soát ngân hàng cũng chưa kiểm soát được. Và chính từ đó, các cá nhân, doanh nghiệp dựa vào những "lỗ hổng" của hệ thống pháp luật để chi phối hay khuynh đảo tổ chức tín dụng.

Nói như vậy để thấy, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là bước tiến mạnh mẽ trong việc nỗ lực xử lý các "lỗ hổng" trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa đưa ra các điều khoản đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng lách luật.

Hiện nay, trên thị trường có không ít những tổ chức tín dụng yếu kém. Tôi cho rằng, đối với những tổ chức tín dụng yếu kém nói chung sẽ có 3 cách để xử lý:

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đưa tổ chức tín dụng yếu kém vào vòng kiểm soát đặc biệt. Sau một thời gian được kiểm soát đặc biệt mà tổ chức tín dụng đó có sự phục hồi thì Ngân hàng Nhà nước có thể để tổ chức đó hoạt động bình thường như các tổ chức tín dụng khác.

Thứ hai, nếu trong trường hợp tổ chức tín dụng yếu kém đó không phục hồi, phát triển thì Ngân hàng Nhà nước có thể chỉ định và chuyển giao bắt buộc tổ chức yếu kém đó cho một tổ chức tín dụng phát triển ổn định khác. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này hiện quy định trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang có rất nhiều vướng mắc.

Thứ ba, yêu cầu tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản.

PV: Chúng ta nói nhiều về sở hữu chéo, nhưng hiện tại, chưa có bất cứ một báo cáo đánh giá nào về mức độ rủi ro trong sở hữu chéo được công bố công khai?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đúng là trên thực tế, chúng ta chưa biết rõ và cũng chưa thể đánh giá chi tiết, cụ thể những rủi ro mà sở hữu chéo gây ra là như thế nào. Có lẽ dư luận và cả xã hội cần được biết sở hữu chéo tại tất cả các ngân hàng hiện đang ở mức độ ra sao.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: “Ma trận” sở hữu chéo ngân hàng là “tệ nạn” của nền kinh tế- Ảnh 2.

Thời gian vừa qua, những vụ việc nổi cộm trên thị trường đã làm dấy lên một thực trạng lợi ích nhóm trong hệ thống tài chính ngân hàng. (Ảnh minh họa: Báo Công Thương)

Chẳng hạn, một cá nhân sở hữu nhiều ngân hàng và những ngân hàng đó sở hữu lẫn nhau thì họ có quyền lực trên cả hai ngân hàng và mức độ quyền lực như vậy sẽ mang tới những rủi ro gì thì chưa một ai biết chính xác. Chúng ta chưa có những báo cáo về tình trạng sở hữu chéo và đây là một vấn đề nhức nhối cần phải được thông tin một cách minh bạch và lượng hóa cụ thể, chi tiết để xã hội giám sát.

Thời gian vừa qua, những vụ việc nổi cộm trên thị trường đã làm dấy lên một thực trạng lợi ích nhóm trong hệ thống tài chính ngân hàng và chúng ta cần phải làm rõ cũng như có giải pháp ngăn chặn cụ thể, kịp thời. Tuy nhiên, việc giải quyết tình trạng này luôn là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Do đó, hiện tại, nếu không thể triệt tiêu được ảnh hưởng của lợi ích nhóm, của sở hữu chéo thì ít nhất chúng ta cũng cần phải kiểm soát được tình trạng này.

PV: Tình trạng sở hữu chéo, chi phối, thao túng đối với tổ chức tín dụng sẽ tạo ra những rủi ro như thế nào đối với nền kinh tế, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chúng ta có thể hiểu, sở hữu chéo là vấn đề lớn ảnh hưởng đến sự tồn tại của hệ thống ngân hàng. Sở hữu chéo tạo ra một nhóm quyền lực có thể thao túng ngân hàng. Thông qua sở hữu chéo, những thành viên trong HĐQT ngân hàng có thể phê chuẩn các gói tín dụng cho các bên liên quan vay mà không phù hợp với quy định hiện hành. Để hợp thức hóa các khoản tín dụng này, họ sẽ phải "lách" bằng nhiều phương thức khác nhau.

Nhìn từ trường hợp điển hình SCB, khi một cá nhân, một tổ chức có thể chi phối, thao túng và lũng đoạn một ngân hàng thì họ sẽ sử dụng ngân hàng đó như một công cụ tài chính, biến ngân hàng thành sân sau để tài trợ cho những dự án đầu tư của họ. Rõ ràng, trường hợp của SCB và Vạn Thịnh Phát đã khiến cho nhiều nhà đầu tư và nền kinh tế thiệt hại nặng nề.

Có thể khẳng định, thiệt hại từ vấn đề lợi ích nhóm tới nền kinh tế là rất lớn. Trước hết, sẽ tác động mạnh tới những công ty có liên quan đến Vạn Thịnh Phát như: Xây dựng, vật liệu xây dựng, môi giới… Bởi cả một tập đoàn lớn bị đóng băng, tài sản bị"đóng băng" thì tất cả hoạt động của "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát cũng vì thế mà "đóng băng".

PV: Theo rà soát của Ngân hàng Nhà nước, đến 31/12/2023 có 17 cổ đông là tổ chức tại 13 ngân hàng thương mại cổ phần, 1 công ty tài chính, có mức sở hữu cổ phần vượt 10%.

Tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sau chỉnh lý, tiếp thu, tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân được đề nghị giữ như hiện hành, tức 5%. Giới hạn cho cổ đông là tổ chức (gồm cả số cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Cổ đông sáng lập phải giữ tối thiểu 50% vốn điều lệ ngân hàng trong 5 năm từ ngày nhà băng được thành lập. Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của ngân hàng nhưng Chính phủ sẽ quy định mức sở hữu tối đa và điều kiện mua. Quy định về tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức tại ngân hàng lần này được giữ nguyên như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, tháng 11/2023.

Những quy định này có ý nghĩa ra sao để hạn chế sở hữu chéo, thưa chuyên gia?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Hiện nay, việc xử lý tình trạng sở hữu chéo của các ngân hàng thực hiện thông qua quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã có điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan của cổ đông. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu chưa giải quyết được căn cơ tình trạng sở hữu chéo khi thực tế vẫn phát sinh việc thuê, nhờ người đứng tên cổ phần để gia tăng phần sở hữu nhằm chi phối, kiểm soát tại một số tổ chức tín dụng.

Tôi cho rằng, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần và tỷ lệ vốn cho vay như quy định tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là phù hợp, song không hạn chế được đáng kể bởi các cá nhân, tổ chức dễ dàng "lách" được các quy định như vậy để có thể tăng cổ phần thực tế.

PV: Sự thực là khi nhìn vào vụ án SCB - Vạn Thịnh Phát thì thấy rằng, những quy định này chưa thực sự bịt được kẽ hở để ngăn chặn sở hữu chéo và thao túng ngân hàng?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đúng vậy, Vạn Thịnh Phát chính là một ví dụ điển hình của việc dù có điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần nhưng vẫn chưa thực sự bịt được kẽ hở để ngăn chặn sở hữu chéo và thao túng ngân hàng. Như tôi đã nói, vấn đề khó ở đây là vấn đề uỷ quyền và rất khó để giám sát được trường hợp chủ của các ngân hàng có phải là chủ của doanh nghiệp lớn hay không.

Có rất nhiều trường hợp các chủ ngân hàng từ bỏ chức vụ Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc để giữ lại chức vụ Tổng giám đốc của một công ty con nằm trong "hệ sinh thái" của một ngân hàng. Nhưng thực chất, họ vẫn có thể là người đứng sau giật dây, điều hành, chỉ đạo ngân hàng đó. Chính vì thế, để giảm thiểu mức độ sở hữu thực tế chứ không phải trên giấy tờ vẫn là một bài toán rất khó đối với Việt Nam.

Ở Mỹ, vấn đề tuân thủ được thực hiện rất chuẩn chỉnh. Cá nhân, tổ chức nói thật và làm thật, trong trường hợp họ làm sai quy định thì sẽ bị xử lý rất nghiêm và nặng nề. Trong nhiều trường hợp các cổ đông phải tuyên thệ (Affidavit) rằng nếu họ khai gian, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên tại Việt Nam chưa có thông lệ này. Hơn nữa, còn xuất hiện tình trạng nói một đằng nhưng làm một nẻo, dẫn đến chưa thực sự kiểm soát được sở hữu thực sự của một cá nhân hay một tổ chức kinh tế tại ngân hàng.

Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển trong việc kiểm soát sở hữu chéo. Chẳng hạn, tại Mỹ, các cá nhân, tổ chức không bị hạn chế về tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng hoặc tại doanh nghiệp, song hạn mức và quy trình cho vay vốn tín dụng chịu sự kiểm soát chặt chẽ, và chỉ được phê chuẩn nếu tất cả các điều kiện của gói tín dụng như lãi suất, tài sản bảo đảm, các nghĩa vụ, các cam kết (financial covenants), phương pháp trả nợ là phù hợp với điều kiện thị trường và không có ngoại lệ. Nếu bị phát hiện những điều kiện cho vay là những điều kiện ưu đãi thì sẽ bị xử lý nghiêm và công bố rộng rãi nếu xảy ra sai phạm.

Do vậy, muốn chấm dứt được tình trạng sở hữu chéo, có lẽ cần những biện pháp rất mạnh tay. Muốn chấm dứt thì phải làm sao để hội đồng quản trị của ngân hàng có những báo cáo chân thực, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đồng thời có chế tài xử phạt rất nặng, thậm chí có thể thu hồi giấy phép hoạt động của ngân hàng nếu thành viên trong ban lãnh đạo khai báo không chính xác và thiếu minh bạch. Cần phải có một vài ngân hàng sai phạm bị xử phạt một cách mạnh tay để làm gương cho toàn thị trường.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: “Ma trận” sở hữu chéo ngân hàng là “tệ nạn” của nền kinh tế- Ảnh 3.

Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển trong việc kiểm soát sở hữu chéo.

PV: Hiện tại, Việt Nam có khoảng 50 ngân hàng lớn, nhỏ, có những ngân hàng rất tốt, có những ngân hàng cần phải đánh giá thêm. Chúng ta có nên có quy hoạch cho hệ thống ngân hàng không?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã đưa vào sử dụng hệ thống thẩm định tình hình sức khỏe tài chính của ngân hàng - CAMELS để thanh tra giám sát xếp loại các ngân hàng theo tiêu chí đánh giá, bao gồm: Mức độ an toàn vốn (Capital Adequacy), chất lượng tài sản (Asset Quality), khả năng quản lý (Management), lợi nhuận (Earnings), tính thanh khoản (Liquidity) và mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường (Sensitivity to market risk). Kết quả thẩm định sẽ dẫn đến việc xếp hạng cho mỗi ngân hàng và được giữ kín, không công bố công khai. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng nên công khai kết quả thanh tra của toàn ngành để cộng đồng được biết bao nhiêu ngân hàng được xếp hạng rất cao (rất ít rủi ro), cao (có rủi ro nhưng hạn chế), bình thường (có rủi ro nhưng đang được kiểm soát), thấp (rủi ro cao) và có khả năng phá sản (rủi ro rất cao) để từ đó, người dân biết được tình trạng sức khoẻ thực sự của các ngân hàng trên thị trường tài chính.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Thông báo số 527/TB-VPCP, ngày 18/12/2023 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng chỉ đạo: "Khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định đối với tình trạng sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng, việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau".

Ngăn chặn vấn đề sở hữu chéo và thao túng ngân hàng không chỉ là yêu cầu của hệ thống ngân hàng mà là vấn đề của xã hội và nền kinh tế. Vấn đề quan trọng nhất là phải có cơ chế giám sát tốt và theo dõi đối với chủ ngân hàng và các cổ đông, để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo.

Về tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Điều 63, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng theo hướng giảm so với quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể là tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không vượt quá 15% và 20%, giảm xuống còn 10% và 15%. Mục đích của việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần này nhằm hướng tới việc loại bỏ tình trạng sở hữu chéo, sử dụng tỷ lệ sở hữu cổ phần để thao túng, chi phối hoạt động của các tổ chức tín dụng từ một số cổ đông, nhóm cổ đông lớn.

Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An (Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng) cho rằng, vấn đề điều chỉnh tỷ lệ sở hữu này không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo. Điều này chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ. Việc khống chế tỷ lệ không quan trọng bằng việc giám sát thực thi quy định, chưa nói đến việc có thể tạo ra rào cản ngăn cản dòng vốn ngoại chảy vào hệ thống ngân hàng nội khi những người chủ ngân hàng nắm giữ 15 – 20% vốn ngân hàng không thể lũng đoạn các hoạt động cho vay của chính tổ chức đó. Trên thực tế, những trường hợp sai phạm vừa qua cho thấy, tỷ lệ sở hữu thực sự của những chủ thể này cao hơn rất nhiều so với quy định thông qua các công ty con, công ty liên kết hoặc các cá nhân đứng tên đó.

Theo Đại biểu Quốc hội, việc sửa đổi pháp luật để phù hợp thực tiễn rất cần thiết. Tuy nhiên, khống chế tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng không đủ ngăn tái diễn vụ việc tương tự như Ngân hàng SCB bởi sở hữu chéo hay thao túng ngân hàng bản chất rất phức tạp. Nếu nhìn trên giấy tờ, nhiều cổ đông sở hữu thấp hơn tỷ lệ cho phép nhưng vẫn nắm quyền chi phối. Do đó, bên cạnh việc siết tỷ lệ sở hữu với hiệu quả còn khá mơ hồ, cần xem xét quy định thật chặt chẽ về điều kiện, thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan. Cổ đông có hệ thống giám sát chéo, thiết lập một khung pháp lý cụ thể trong lĩnh vực tài chính để làm rõ cơ cấu sở hữu, chủ sở hữu thực và trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm minh với những trường hợp cố ý làm trái.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, hiện năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng còn hạn chế; tình trạng "sở hữu chéo", tài sản bảo đảm được định giá không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp "nội bộ", "sân sau" còn phức tạp.

Theo Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam (VIRES), một trong những vấn đề cần giải quyết then chốt của hệ thống tín dụng, đó là tình trạng "sở hữu chéo". VIRES phân tích: Trên thực tế, tình trạng sở hữu chéo giữa hệ thống tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp trong lĩnh vực có độ rủi ro cao (như bất động sản) với biểu hiện thao túng dòng chảy tín dụng, rót vốn vào "sân sau", sử dụng vốn sai mục đích đang có tác động xấu đến chất lượng tín dụng, làm gia tăng rủi ro hệ thống.

"Tình trạng sở hữu chéo có thể khiến dòng chảy tín dụng (huy động ngắn hạn) bị hướng vào những doanh nghiệp rủi ro, không có năng lực trả nợ, trong khi những doanh nghiệp chân chính muốn vay lại không tiếp cận được", VIRES nhấn mạnh.

Theo thông tin trên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp , ở giai đoạn 2017, theo kết quả kiểm toán báo cáo tài chính của các tổ chức tài chính, ngân hàng năm 2017 được Kiểm toán Nhà nước gửi đến Quốc hội, "Một số tổ chức tín dụng vi phạm quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần. 2 ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần sở hữu cổ phần trực tiếp qua lại lẫn nhau; một số tổ chức tín dụng bao gồm: NHTM cổ phần Hàng hải, NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NHTM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (khi đó là VNCB, ngày nay là CBBank), NHTM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) nắm giữ cổ phần của hơn 2 tổ chức tín dụng khác". Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, số cặp sở hữu chéo năm 2015 là 7 cặp và giảm xuống còn 2 cặp vào cuối năm 2017.

Những "hệ sinh thái" đặc biệt trong nền kinh tế Việt Nam

1. Sovico Group, Vietjet Airs, HDBank

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 của Tập đoàn Sovico (Sovico Group), năm 2022, Sovico Group ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 687,5 tỷ đồng, tăng trưởng 134% so với năm 2021. Tương ứng, lợi nhuận gộp thu về của năm 2022 là 137 tỷ đồng so với con số 83 tỷ đồng của năm 2021. Trừ đi các chi phí hoạt động và liên quan, lợi nhuận sau thuế đạt gần 3.273 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2021.

Theo giải trình của Sovico[1], chỉ số năm nay tăng mạnh chủ yếu nhờ ghi nhận cổ tức được chia từ các công ty trong hệ sinh thái, bao gồm Vietjet Airs, HDBank, Công ty bất động sản Sovico Real Estate…

Sovico là tập đoàn được vợ chồng tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo thành lập từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Đến nay, tập đoàn này là một trong những doanh nghiệp lớn hoạt động trong các lĩnh vực từ tài chính, ngân hàng, hàng không, bất động sản đến công nghiệp. Tuy nhiên, từ trước năm 2022, thông tin về Sovico Group rất hiếm khi được công bố đại chúng.

Đáng chú ý, năm 2022, doanh nghiệp này đã hợp nhất các hoạt động kinh doanh, bao gồm mảng tài chính, bảo hiểm, hàng không, phát triển đô thị. Tổng tài sản của tập đoàn tính đến 31/12/2022 tăng gấp 3 lần lên 165.075 tỷ đồng, tương đương gần 7 tỷ USD.

Thời gian qua, một số thành viên thuộc Sovico Group của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tích cực huy động vốn phát triển doanh nghiệp từ phát hành trái phiếu.

Theo báo cáo sơ bộ 6 tháng đầu năm 2023[2], Sovico Group ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.547 tỷ đồng, gấp 3,7 lần so với cùng kỳ 2022.

Thời điểm cuối tháng 6/2023, vốn chủ sở hữu tập đoàn này là 50.789 tỷ đồng, tăng gấp 4,3 lần so với kỳ trước.

Nợ phải trả hơn 109.190 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ trái phiếu chiếm 32.504 tỷ đồng, bằng gần 30% tổng nợ phải trả.

Sovico cho biết để tăng nguồn vốn hoạt động, đầu tư vào các dự án, tái cơ cấu tài chính, tập đoàn này đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ năm 2019.

Đến ngày 10/11/2022, giá trị trái phiếu do Sovico phát hành đang lưu hành trong khách hàng là 18.592 tỷ đồng.

CTCP Sovico vừa công bố việc điều chỉnh kỳ hạn trái phiếu thêm 2 năm, tới cuối năm 2026.

Về tình hình kinh doanh, CTCP Sovico lãi 499 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, xấp xỉ mức cùng kỳ. Dư nợ trái phiếu tính đến hết tháng 6/2023 là gần 8.000 tỷ đồng.

CTCP Sovico cũng là cổ đông sáng lập của Hãng hàng không Vietjet Air (VJC).

Tại báo cáo tài chính hợp nhất đã soát xét vừa công bố, lợi nhuận sau thuế VJC đạt 136 tỷ đồng, thấp hơn so với 385 tỷ đồng tại báo cáo tự lập.

Theo giải thích từ VJC, lợi nhuận sau thuế vận tải hàng không và hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 đạt 48 tỷ đồng và 137 tỷ đồng do tăng thêm chi phí marketing, quảng cáo để mở rộng đường bay quốc tế và hoãn ghi nhận một doanh thu thương mại tài chính tàu bay. Trên thế giới, hầu hết các hãng hàng không đều sở hữu tàu bay từ nguồn phát hành trái phiếu.

Mới đây, VietJet Air đã thông báo nghị quyết hội đồng quản trị về việc thông qua phương án phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 60 tháng, lãi suất 12%/năm. Đồng thời, hãng hàng không này cũng đang tiếp nhận 3 tàu bay mới từ nhà sản xuất Airbus.

Đầu đầu năm 2024, HDBank đã có báo cáo hoàn tất kế hoạch bán hơn 3,2 triệu cổ phiếu Hãng Hàng không Vietjet (VJC) theo lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành[3].

Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trong giai đoạn từ ngày 11/12/2023 đến ngày 29/12/2023, hoàn thành 100% khối lượng đăng ký, mang về khoản thu nhập cao sau nhiều năm tham gia vốn từ khi hãng thành lập.

Quý III/2023, HDBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng trên 11,3%, tiền gửi tăng trên 51% so với đầu năm.

2. T&T Group, SHB, PV Power

Được thành lập vào năm 1993, T&T được xem là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ra đời vào thời điểm đó.

Đến hiện tại, SHB đã trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam, một ngân hàng đã xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh với vốn điều lệ đạt 36.194 tỷ đồng – tăng gấp hơn 90.000 lần so với khi thành lập; tổng tài sản đạt gần 596.000 tỷ đồng; gần 11.000 cán bộ nhân viên đang làm việc tại trong và ngoài nước; phục vụ hơn 5 triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, SHB đã đạt kết quả kinh doanh tích cực. Tổng tài sản của SHB đạt hơn 528 nghìn tỷ đồng. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cá nhân đạt gần 400 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 380 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 9.035 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ, hoàn thành 78% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đã đề ra, nằm trong Top 5 ngân hàng TMCP tư nhân có lợi nhuận cao nhất.

T&T Group cũng đã tham gia cùng các tập đoàn lớn của nhà nước như Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Cao su Việt Nam; đầu tư sáng lập và trở thành cổ đông lớn của một số định chế tài chính khác như Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH), Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS)…

Nhưng để có được những thành công đó[4], phải nói nhiều đến công lao, tâm huyết của Doanh nhân Đỗ Quang Hiển với việc nắm bắt tốt cơ hội, sự quyết tâm cao nhất, thậm chí là "lao tâm khổ tứ" để thực hiện tốt nhất chiến lược của tập đoàn T&T trong việc mở rộng đầu tư, tham gia vào lĩnh vực tài chính vào năm 2005, bằng cách trở thành cổ đông lớn của ngân hàng nông thôn Nhơn Ái – tiền thân của SHB ngày nay. Đây được xem là một thành công điển hình của Việt Nam khi các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Và với chiến lược phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, SHB đã luôn tăng trưởng vượt bậc trong hoạt động của mình. Không những vậy, việc SHB tham gia tái cấu trúc công ty thủy sản Bình An vào thời điểm 2012 hay thương vụ sáp nhập ngân hàng Habubank đến bây giờ vẫn được xem là một trong những dấu ấn thành công hiếm hoi trên thị trường tài chính…

Đến nay, khi vươn mình trở thành một Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam, T&T Group vẫn kiên định con đường gắn lợi ích của doanh nghiệp với sự phát triển và tiến bộ của xã hội, sự giàu mạnh của đất nước. Vốn điều lệ của Tập đoàn hiện đạt 22.000 tỷ đồng, hệ thống trên 200 đơn vị thành viên, 80.000 cán bộ nhân viên hoạt động ở trong nước và nước ngoài, hàng trăm ngàn cổ đông và hàng triệu khách hàng. Và để có được điều đó, dấu ấn lớn nhất chính là tư duy chiến lược " chuẩn bị kỹ, thực hiện nhanh" của doanh nhân Đỗ Quang Hiển.

Bắt đầu từ năm 2007 khi trở thành tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành như bất động sản; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; thương mại tiêu dùng; năng lượng, môi trường; phát triển hạ tầng giao thông và logistics; y tế và thể thao… đều được doanh nhân Đỗ Quang Hiển ấp ủ, chuẩn bị rất kỹ và thực hiện rất nhanh. Trong đó có cả những dấu ấn rất quan trọng trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ, T&T Group đã tham gia cổ phần hóa và tái cấu trúc các tổng công ty, công ty nhà nước hoạt động kém hiệu quả, từng một thời là niềm tự hào của quốc gia, với mục tiêu khôi phục lại thương hiệu, nâng cao giá trị của các doanh nghiệp này. Chỉ cần đề cập đến một lĩnh vực là năng lượng tái tạo cũng có thể hình dung được để hiện thực hóa những ấp ủ của mình, doanh nhân Đỗ Quang Hiển đã phải chuẩn bị kỹ như thế nào? Nếu như khoảng 15 năm trước, thời điểm mà Việt Nam chủ yếu tập trung vào thủy điện, điện than thì doanh nhân Đỗ Quang Hiển và tập đoàn T&T đã có những kế hoạch chuẩn bị cho việc đầu tư và phát triển năng lượng tái tạo.

Năm 2023[5], Tập đoàn T&T Group, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam-CTCP (PV Power) vừa ký thỏa thuận hợp tác toàn diện hướng tới mục tiêu trở thành đối tác chiến lược của nhau trong quá trình hoạt động và phát triển.

Chia sẻ về sự kiện hợp tác này, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Tập đoàn T&T Group, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng SHB cho biết, với hệ sinh thái đa ngành vững mạnh của T&T Group, uy tín thương hiệu của SHB và những kinh nghiệm quý giá của PV Power - nhà sản xuất điện năng lớn tại Việt Nam, các bên sẽ cùng cộng hưởng thế mạnh, phát huy hết các tiềm năng, lợi thế của mỗi bên để mang lại những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho cán bộ công nhân viên ba đơn vị và khách hàng.

Ông Hoàng Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị PV Power đánh giá cao tiềm lực hợp tác đầu tư của các bên trong thỏa thuận hợp tác lần này. Ông tin tưởng rằng, với thế mạnh của Tập đoàn T&T trong đầu tư phát triển các dự án điện - đặc biệt là năng lượng tái tạo, kết hợp với SHB - một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam, ba bên khai thác tốt nhất thế mạnh của mỗi đơn vị nhằm mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh, trở thành đối tác chiến lược của nhau trong thời gian tới.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top