Aa

TS. Nguyễn Trí Hiếu: "Nền kinh tế Việt Nam có sức chống chịu tốt"

Thứ Năm, 31/12/2020 - 11:11

Lọt vào nhóm có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, Việt Nam được dự báo sẽ còn ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan trong năm 2021.

Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2020 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất của quý IV các năm trong giai đoạn 2011 - 2020, nhưng lại là mức tăng trưởng vượt dự kiến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp.

Đặc biệt, với sự bứt tốc của nền kinh tế trong quý IV/2020, tăng trưởng GDP cả năm đã ước đạt 2,91%. Theo Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng này tuy là thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011 - 2020, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam.

Chia sẻ với Reatimes, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, năm 2020, nhờ việc kiểm soát dịch tốt cùng chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý, Việt Nam ghi nhận nhiều kết quả khả quan. Vị chuyên gia này có những nhận định, đánh giá sâu hơn về chỉ số tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. 

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế. 

PV: Báo cáo mới đây nhất của Tổng cục Thống kê Việt Nam đưa ra, tăng trưởng GDP cả nước ước tính dạt 2,91%. Nhìn vào con số dự báo tăng trưởng GDP mới này, ông nhận định như thế nào?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: 2,91% là một con số tăng trưởng ước tính sát với dự báo trước đó về bức tranh kinh tế Việt Nam. Đây là con số rất thấp so với nhiều năm qua. Năm 2019, tăng trưởng GDP của Việt Nam là 7% nhưng hiện tại, con số này chỉ đạt khoảng 1/3 so với năm trước. Dù đây là con số tăng trưởng thấp so với các năm trước nhưng đối chiếu với nhiều nước khác trên thế giới, đây là con số thuộc nhóm tăng trưởng dương tốt nhất.

Thành quả này đến từ việc kiểm soát dịch bệnh và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tốt. Nhìn toàn cảnh bức tranh kinh tế, các chỉ số khác đều có tín hiệu tích cực. Xuất khẩu của Việt Nam tăng cao với giá trị lên tới 19,1 tỷ đô la.

Bên cạnh đó, các thị trường đều có sự ổn định. Về thị trường tiền gửi ngân hàng, tuy lãi suất xuống thấp nhưng vẫn duy trì được sự bình ổn. Thị trường vàng có sự biến động do ảnh hưởng của tình hình thế giới. Thị trường chứng khoán có tín hiệu khởi sắc với kết quả tăng điểm trong tuần qua. Trong khi đó, kể từ thời điểm tác động của Covid-19 dẫn tới đóng băng trong tháng 3, 4 thì quý IV thị trường bất động sản có sự phục hồi mạnh mẽ

Tôi cho rằng, đây là kết quả khả quan nhờ một số chính sách kịp thời, nhanh nhạy từ Chính phủ. Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ có tín hiệu khả quan trong năm 2021. 

PV: Điều gì khiến ông lo ngại rằng, chúng ta không thể quá lạc quan với con số về tăng trưởng kinh tế như hiện nay?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Dù điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam là xuất siêu nhưng chủ yếu giá trị gia tăng thuộc về doanh nghiệp FDI.

Mặt khác, ảnh hưởng của Covid-19 đã kéo theo hơn 100.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động. Số lượng doanh nghiệp đã và đang đứng trước ngưỡng phá sản rất lớn. Nền kinh tế bị tác động mạnh bởi du lịch khi lượng du khách nước ngoài giảm đến 78%. Tổng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng giảm. Hoạt động tín dụng có tín hiệu tăng trưởng chậm so với kế hoạch mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Năng suất lao động của Việt Nam dù được đánh giá là gia tăng nhưng thực tế vẫn còn thấp so với các nước xung quanh.

Kết quả này đặt ra cảnh báo Việt Nam cần phải thận trọng hơn trong phát triển kinh tế. 

Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ có tín hiệu khả quan trong năm 2021. 

PV: Với sự phục hồi của quý IV, ông dự đoán như thế nào về bức tranh kinh tế năm 2021?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Có thể nói, để đạt được kết quả trong năm 2020 như hiện tại là một sự chống chịu tốt của nền kinh tế Việt Nam. Con số tăng trưởng 6 - 8% trong năm 2021 là điều hoàn toàn có thể diễn ra với Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, kịch bản của nền kinh tế còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như khả năng kiểm soát dịch bệnh. Kết quả chống dịch của thế giới còn tồi tệ và nghiêm trọng, nhất là bước vào giai đoạn mùa lạnh, nguy cơ bùng phát có thể tiếp tục tăng mạnh. Dù Việt Nam đã kiểm soát dịch tốt và có nhiều hợp tác với các nước trên thế giới. Song, thách thức của Việt Nam là khi mở rộng thị trường xuất khẩu, rào cản của dịch bệnh là yếu tố cần phải cân nhắc.

Tuy nhiên, tôi cho rằng Việt Nam có nhiều điểm sáng trong năm 2021 nếu tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại mới và sức bật từ kết quả tăng trưởng khả quan trong năm 2020.

PV: Với kết quả kiểm soát dịch bệnh tốt, con số tăng trưởng kinh tế khả quan, có ý kiến cho rằng, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của dòng vốn FDI. Quan điểm của ông thì sao?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đây là câu hỏi mà tôi phải để ngỏ. Trong tình hình cả thế giới chịu tác động bởi dịch bệnh, Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng. Nhưng khi dịch bệnh khiến nền kinh tế các nước khó khăn thì doanh nghiệp rất khó có tiềm lực để mở rộng và bành trướng sang nước khác.

Tuy nhiên, chúng ta đang kỳ vọng làn sóng doanh nghiệp ngoại dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nhưng cục diện cũng có thể thay đổi nếu chính quyền của ông Joseph H. Biden có chính sách ôn hòa hơn với Trung Quốc.

- Cảm ơn chia sẻ của ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top