Aa

TS. Phạm Sỹ Liêm: Đề nghị phải dừng ngay những dự án BT vì thiếu minh bạch!

Thứ Ba, 27/06/2017 - 13:40

“Tôi đề nghị dừng hết các dự án theo hình thức BT, kể đang làm và sẽ làm thì đều không nên làm. Chỉ trừ trường hợp nào không thể khác được còn lại phải cho đấu giá”, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng trao đổi với Reatimes.

PV:  Thưa TS. khoảng 4-5 năm trở lại đây, do ngân sách dành cho việc xây dựng hạ tầng giao thông và các công trình công cộng hạn chế, Hà Nội đã giao cho một số đơn vị xây dựng các dự án theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của cách làm này?

TS. Phạm Sỹ Liêm: Tôi luôn luôn không đồng tình biện pháp làm BT vì thiếu sự minh bạch. B là xây dựng. Trong xây dựng, hình thức phổ biến là người ta thường tổ chức đấu thầu để chọn một nhà thầu nào đưa ra giá thấp nhất, nhưng trong khi thực hiện hình thức BT thì không có việc đó.

Còn T là chuyển giao để đổi lấy đất. Đất phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có vị trí của nó, nếu dùng để xây dựng. Yếu tố này chỉ được đánh giá thông qua đấu giá.

Thông thường, trong đấu giá ai trả cao nhất thì người đó được. Tuy nhiên, giá ở dự án BT này cũng không có đấu giá đất, đấu thầu dự án cho nên nó không tuân thủ các quy tắc giá cả của thị trường, vì thế rất dễ bị lợi dụng.

Chẳng hạn, nếu hai bên thông đồng nhau, tức là chính quyền và nhà đầu tư thông đồng với nhau, họ nâng giá công trình lên rất cao và hạ giá đất xuống rất nhiều. Trong khi thông đồng đấy họ phải chuyển một phần tiền đó cho anh ký quyết định.Như vậy, với một việc không minh bạch như thế có thể sẽ tạo điều kiện cho tham nhũng, cho nên tôi rất phản đối.

TS. Phạm Sỹ Liêm.

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Theo tôi, chỉ có những trường hợp nào đó rất hãn hữu, bất khả kháng, ở một nơi xa xôi nào đó không ai muốn đến đó cả, có một anh tình nguyện thì cũng được.

Ví dụ, ở một hòn đảo hay vùng rừng núi nào đó, không có nhà đầu tư nào quan tâm, chỉ có một anh thôi thì trong điều kiện Nhà nước không có tiền để làm thì cũng được. Nhưng các chỗ khác phải thông qua đấu thầu, đấu giá hẳn hoi, phải qua kênh thị trường.

Vì đấu thầu cũng có thể thông thầu, đấu giá cũng có thể thông giá. Nghĩa là “chơi quân xanh quân đỏ”, cho nên các cơ quan hành pháp cũng phải hết sức quan tâm việc này để chống tham nhũng. Vì vậy, việc làm dự án theo hình thức BT là không được.

PV: Thưa ông, ở Hà Nội hiện nay, đơn cử có một số đơn vị như Tasco khi xây dựng 3,5km đường Lê Đức Thọ kéo dài được đổi 70ha đất, hay như Tập đoàn Bitexco khi xây dựng tuyến đường vòng quanh Công viên Chu Văn An cũng để được đổi 90ha đất. Ông đánh giá thế nào về sự “đổi chác” này?

TS. Phạm Sỹ Liêm: Tất cả những chuyện đó là không minh bạch.

Lấy gì làm căn cứ và tại sao lại là 80, 90ha mà không phải là 100ha, lý lẽ nào ở đây, giá cả nào? Anh làm sao biết giá? Giá thì nay khác, mai khác? Anh lấy giá một năm trước hay 10 năm trước, chẳng ai biết.

Liên quan đến việc đầu tư, xây dựng Công viên Chu Văn An, theo một nguồn tin riêng của Reatimes, cách đây vài năm, chủ đầu tư dự án The Manor Central Park (Bitexco – PV) đã có đơn đề nghị lãnh đạo TP. Hà Nội cho phép đơn vị này triển khai xây dựng Công viên Chu Văn An theo hợp đồng BT. Tuy nhiên, hiện lãnh đạo TP. Hà Nội chưa đồng ý với đề xuất của Bitexco về việc đầu tư xây dựng dự án trên.

Được biết, hiện lãnh đạo Hà Nội mới chỉ đồng ý về mặt chủ trương sẽ giao cho chủ đầu tư dự án The Manor Central Park thi công 2 hồ điều hòa trong Công viên Chủ Văn An và hiện đơn vị này mới đang lập đồ án xây dựng 2 hồ điều hòa, trình lãnh đạo Hà Nội quyết định.

PV:  Thưa TS. không chỉ được giao nhiều đất mà những đơn vị này còn được giao đất ở những khu đất “vàng” để thực hiện dự án. Theo ông, việc giao đất như vậy có xứng đáng?

TS. Phạm Sỹ Liêm: Không! Việc này là hoàn toàn không đúng và là cơ hội. Tôi không nói chắc chắn xảy ra nhưng đây là cơ hội cho tham nhũng.

Đã nói đất đai là phải đấu giá. Còn anh giao cho thiên hạ từng đấy, anh tự định giá thì biết là bao nhiêu. Nếu không qua đấu thầu thì phải có chuyên gia định giá để đánh thuế đất đai nhưng còn việc chuyển giao quyền sở hữu phải theo đúng giá thị trường.

PV: Thưa TS. liên quan đến việc thực hiện các dự án theo hình thức BT này, trao đổi với Reatimes, một số chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho rằng, việc thực hiện các dự án này tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, lãng phí rất lớn nên cần phải dừng ngay. Ông nói sao về ý kiến này?

TS. Phạm Sỹ Liêm: Tôi hoàn toàn đồng tình việc đó. Thực ra không phải nhà đầu tư BĐS nào cũng có lợi. Chỉ có anh nào có “quan hệ”, khéo “chạy chọt” nên các nhà đầu tư BĐS khác không có cơ hội cạnh tranh mà thị trường thì phải có cạnh tranh.

Quảng cáo Công viên Chu Văn An rộng 100ha ở tường bao của dự án The Manor Central Park. Ảnh: Kháng Trần

Quảng cáo Công viên Chu Văn An rộng 100ha ở tường bao của dự án The Manor Central Park. Ảnh: Kháng Trần

PV: Thưa TS. trở lại với câu chuyện về việc xây dựng Công viên Chu Văn An. Sau khi Hà Nội có chủ trương xây dựng công viên này, Bitexco đã có đề xuất xin TP. Hà Nội cho phép xây dựng dự án này theo hình thức BT. Ông có đồng tình với đề xuất này?

TS. Phạm Sỹ Liêm: Tôi đề nghị dừng hết các dự án theo hình thức BT vì đang làm và sẽ làm thì đều là không nên làm. Chỉ trừ trường hợp nào không thể khác được còn lại phải cho đấu giá. Anh nào đưa giá tốt, điều kiện tốt thì cho làm.

PV: Xin cảm ơn TS. về cuộc trao đổi!

Khu tưởng niệm Chu Văn An, ngày 20/8/2009, Sở Quy hoạch – Kiến trúc và UBND huyện Thanh Trì đã phối hợp tổ chức công bố Quy hoạch chi tiết 1/500 Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì.

Công bố ở thời điểm đó, khu di tích nằm trong tổng thể khu Công viên văn hóa Triều Khúc, có tổng diện tích khoảng 54,9 ha gồm Khu 1 là khu tưởng niệm, bao gồm các công trình tưởng niệm, bảo tàng, nơi hội thảo và các di tích liên quan… Cùng với Đình Ngoại, chùa Quang Ân, khu tưởng niệm sẽ tạo nên một quần thể công trình văn hóa, kiến trúc, di tích lịch sử truyền thống… 

Khu vực 2 là nơi phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của nhân dân và khách du lịch, với cảnh quan môi trường trong lành… Tại đây có hệ thống hồ điều hòa, kênh dẫn nước (rộng trên 10 ha); có các khu chức năng, công viên văn hóa cây xanh kết hợp với các công trình kiến trúc cảnh quan, dịch vụ du lịch, TDTT…

Điểm nhấn của khu di tích là Công viên Chu văn An. Tại đây có tượng người học trò thủy thần đã hy sinh làm mưa chống hạn cứu dân. Ngoài ra, còn có sa bàn vùng Thanh Liệt, Bằng Liệt, Huỳnh Cung, Vĩnh Ninh thể hiện các di chỉ, văn chỉ, di tích… có liên quan đến cuộc đời của nhà giáo Chu Văn An, như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, Cầu Đậu, Cầu Bươu, Đầm Mực, Miếu Gàn, mộ thần Thuồng Luồng…

Bài sau: Đổi đất lấy hạ tầng: Bitexco và những dự án đầy ... toan tính 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top