Tại Toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Ổn định kinh tế vĩ mô và Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 28/5, các chuyên gia đánh giá Chính phủ đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô - điều kiện tạo được sự ổn định nhiều mặt, kể cả đời sống người dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng
Khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi; biến động nhanh; rất khó lường, khó dự báo, có những thực tiễn xảy ra còn vượt quá dự báo và độ phức tạp của tình hình thế giới tác động đến các nền kinh tế là những cụm từ Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương mô tả gói gọn về bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.
Theo Thứ trưởng, do nền kinh tế có độ mở lớn (gần 2 lần so với GDP) nên Việt Nam phải chịu tác động lớn từ những yếu tố ngoại cảnh như xung đột địa chính trị, lạm phát,… Những yếu tố này đã làm chậm quá trình phục hồi, thậm chí đẩy nền kinh tế đến nguy cơ suy thoái.
“Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, song chúng ta vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu Quốc hội giao, cũng như đảm bảo các cân đối lớn, điều hành giải pháp tiền tệ, tài khoá ở mức hợp lý. Đơn cử như vấn đề tỷ giá, lãi suất, dù có điều chỉnh, mức biên độ phù hợp đã giúp không tạo ra các cú sốc lớn với kinh tế vĩ mô”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.
Cụ thể, thống kê so sánh với các nước trên thế giới và khu vực, bối cảnh vĩ mô của Việt Nam vẫn ở mức khá tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32%; trong khi các đối tác chính, nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng thấp như Mỹ đạt 1,6%; EU đạt 1,3%; Nhật đạt 1,3%; Hàn Quốc đạt 0,8%. Khi tăng trưởng thấp, cầu tiêu dùng của những nền kinh tế này cũng giảm theo, dẫn tới đơn hàng của doanh nghiệp và sản phẩm đầu ra của chúng ta bị ảnh hưởng. Số liệu tăng trưởng của lĩnh vực chế biến, chế tạo quý I cũng đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng GDP 3,32% vẫn cao hơn so với dự báo của World Bank và IMF trong năm 2023 là hơn 2% cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn ở mức khá tích cực, tạo tiền đề để phấn đấu trong các tháng cuối năm.
“Bên cạnh đó, sau 4 tháng, chúng ta đạt chỉ số lạm phát dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Các nền kinh tế khác đều ở mức khá cao như: Singapore (5,5%); Indonesia (khoảng 5%), EU (khoảng 7%); Mỹ (khoảng 5%). Đây là các nền kinh tế đối tác của chúng ta và họ đều đang chống đỡ với tình trạng lạm phát gia tăng”, ông Trần Quốc Phương cho hay.
Với những gì đã làm được, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào các chính sách, điều hành từ năm ngoái cũng như đầu năm này để đạt mục tiêu đã đề ra.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, cho rằng bối cảnh thế giới đang khiến nhiều nước phải vật lộn. Đáng mừng là Việt Nam đang thể hiện bản lĩnh tốt. Bên ngoài nhìn vào Việt Nam hiện như con tàu chòng chành thế nhưng có sự chèo lái vững vàng, hệ số tín nhiệm cải thiện, thu chi ngân sách tốt, lạm phát kiểm soát chặt chẽ so với nhiều nước.
Cũng theo TS. Vũ Minh Khương, IMF dự báo Việt Nam năm nay tăng trưởng 5,8%, nhưng đưa ra con số dự đoán năm sau khá cao.
“Nhìn vào yếu tố tăng trưởng, Việt Nam vẫn là điểm sáng. Thế giới vẫn kỳ vọng cao vào tương lai của Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài tôi có dịp tiếp xúc vẫn háo hức muốn vào Việt Nam, kỳ vọng Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị mới”, ông Khương cho hay.
Còn GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng trong bối cảnh thế giới có những cơn sóng chao đảo như vấn đề lạm phát, sụt giảm tăng trưởng, Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là thành công lớn nhất. Đây cũng là điều kiện tạo được sự ổn định rất nhiều mặt, kể cả đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và chúng ta không phải trả giá cho việc khôi phục lại các cân bằng.
Kết quả kiểm soát lạm phát đáng ghi nhận
Trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, các chuyên gia đánh giá cao kết quả kiểm soát lạm phát. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng sự phối kết hợp trong các chính sách khi điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là sự kết hợp nhuần nhuyễn trong chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có vai trò rất quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát thời gian qua.
“Có thể thấy khi chúng ta cần kiểm soát lạm phát, chúng ta phải thực hiện nhiều giải pháp liên quan đến chính sách tiền tệ để giữ lạm phát ở mức mục tiêu hoặc dưới mức mục tiêu. Để thúc đẩy hỗ trợ cho nền kinh tế, chính sách tài khóa mở rộng đã được thực hiện như giãn hoãn thuế, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, nhiều sắc thuế… cho doanh nghiệp, cho người dân. Rồi chúng ta tăng cường, mở rộng đầu tư công, đầu tư vào hạ tầng, hệ thống đường cao tốc và các hạ tầng khác. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần giải quyết các vấn đề sau giai đoạn đại dịch”, ông Nguyễn Đức Chi phân tích.
Đứng từ góc độ Bộ Tài chính là cơ quan tham mưu về chính sách tài khóa, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đánh giá chính sách tài khóa trong những năm vừa qua chính là điểm tựa, bệ đỡ để thực hiện các nhiệm vụ vĩ mô khác.
Đồng quan điểm, GS.TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh việc điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ đã ứng phó rất kịp thời, phù hợp và hiệu quả. Quan trọng hơn, Việt Nam không bị rơi vào lạm phát sau khi chính sách tài khóa đi theo hướng mở rộng, vẫn giảm được gánh nặng cho doanh nghiệp, như giảm thuế, giãn, hoãn các khoản đóng góp.
Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Cường cũng nhấn mạnh rằng kiểm soát lạm phát vẫn thường phải đi đôi với hạn chế nguồn lực bơm ra thị trường, ví dụ như tiền tệ. Nếu quá lo ngại lạm phát, tiếp tục thắt chặt đồng tiền, hạn chế cung vốn cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp không có nguồn lực để sản xuất kinh doanh.
“Áp lực lạm phát thế giới vào Việt Nam ít nhưng áp lực suy thoái thì cao hơn, đáng lo ngại hơn. Nếu chúng ta không hành động sớm, chờ lúc suy thoái rồi mới bơm tiền vào cứu trợ thì khó phục hồi cũng tương tự như cơ thể mà quá yếu nếu thêm thuốc bổ cũng không phục hồi được”, ông Cường nêu ý kiến.
Do đó, theo ông Cường, cần tính đến chuyện cân bằng các chính sách kiểm soát lạm phát (nới lỏng tiền tệ), chuyển hướng hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, để tạo tăng trưởng, công ăn việc làm. Mục tiêu của chúng ta không phải là tăng trưởng để tạo của cải, công ăn việc làm, người dân có thu nhập, cải thiện đời sống mà là việc doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại. Điều này sẽ giúp duy trì cân bằng kinh tế vĩ mô.
Sau năm 2022 ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng chuyển hướng của Chính phủ trong giai đoạn này là phải tập trung cho tăng trưởng, thay vì kiểm soát lạm phát như vừa qua.
Cần xây dựng hệ sinh thái trái phiếu
Cũng tại Toạ đàm, các chuyên gia đã đưa ra những bình luận đáng chú ý về trái phiếu - kênh dẫn vốn quan trọng song rơi vào khủng hoảng khi nhiều doanh nghiệp lớn phát hành vướng vòng lao lý. Để vực dậy thị trường vốn quan trọng này, TS. Vũ Minh Khương kiến nghị Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái trái phiếu lành mạnh.
TS Khương dẫn kinh nghiệm nhiều quốc gia, hiện trái phiếu được phát hành theo 3 loại:
Một là, phát hành trái phiếu có bảo hiểm, giúp nhà đầu tư yên tâm bỏ tiền, vì bảo hiểm kiểm tra rất kỹ chất lượng trái phiếu.
Hai là, phát hành trái phiếu có bảo lãnh.
Ba là, trái phiếu không có bảo lãnh, bảo hiểm thì cần ít nhất thẩm định qua đánh giá của các đơn vị chuyên nghiệp.
Theo ông, hiện một số quốc gia không chú ý đầu tư nâng cấp hệ sinh thái cho trái phiếu nên khó phát triển, như Indonesia hay Philippines chỉ phát hành được lượng trái phiếu rất nhỏ. Trong khi ở Hàn Quốc, họ có thể phát hành cả nghìn tỷ USD.
"Xây dựng một nền tảng cho hệ thống tài chính lành mạnh cho tương lai của Việt Nam là vấn đề rất cấp bách", ông Khương nêu quan điểm.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng phải có những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến thị trường trái phiếu, ứng xử một cách linh hoạt và hiệu quả, đáp ứng kịp thời diễn biến thực tiễn.
Theo ông Nguyễn Đức Chi, doanh nghiệp phát hành phải chịu trách nhiệm đến cùng với những nghĩa vụ như các cam kết của mình với nhà đầu tư. Nhà nước giám sát các doanh nghiệp, giám sát thị trường để đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật. Bản thân các nhà đầu tư cũng phải tôn trọng quy định của pháp luật để Nhà nước hỗ trợ và giám sát thị trường này minh bạch, đảm bảo hài hòa các quyền lợi, lợi ích của các bên.
Khi tình hình thị trường bất động sản gặp khó khăn, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ và giúp cho các doanh nghiệp phát hành, như chính sách giãn nợ, chuyển nhóm nợ, giảm lãi suất, giãn thuế, giảm thuế… Những giải pháp này hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ổn định trở lại và phát triển bền vững.
“Thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Doanh nghiệp phải tôn trọng các thỏa thuận của doanh nghiệp phát hành với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật và phải thực thi trách nhiệm của mình. Nhà nước đảm bảo việc đó được thực hiện," Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói./.