Aa

TTCK điều chỉnh do căng thẳng Nga - Ukraine có thể là cơ hội tốt để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu

Thứ Ba, 01/03/2022 - 06:06

VNDirect đánh giá tác động trực tiếp của xung đột Nga - Ukraine đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ không lớn và thị trường chứng khoán điều chỉnh có thể là cơ hội tốt để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Báo cáo mới đây của Chứng khoán VNDirect dẫn các số liệu thống kê lịch sử cho thấy, các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị phần lớn ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong ngắn hạn. Chỉ số S&P 500 (đại diện cho TTCK Mỹ) thường chạm đáy trong khoảng 2 - 3 tuần sau khi sự kiện nổ ra, với mức giảm bình quân khoảng 6% (S&P 500 ghi nhận mức giảm mạnh nhất là 16,9% trong chiến tranh vùng Vịnh và nhẹ nhất là 0,2% trong sự kiện Nga sáp nhập Crimea).

Sau đó, chỉ số S&P 500 thường sớm phục hồi và quay trở lại xu thế tăng điểm trong vòng 2 - 3 tháng sau khi sự kiện nổ ra. Cụ thể, chỉ số này ghi nhận mức tăng điểm bình quân khoảng 2,5% trong vòng 3 tháng sau khi sự kiện xảy ra (ngoại trừ chiến tranh vùng Vịnh). Trong vòng một năm sau sự kiện, chỉ số S&P 500 ghi nhận mức tăng điểm bình quân là 7,3%.

Thị trường chứng khoán thường sớm tạo đáy và phục hồi trong các cuộc xung đột trước đây

Thống kê lịch sử đã chỉ ra rằng các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị “khó có thể cản trở đà tăng của thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn”. Thực tế, những quốc gia liên quan như Mỹ hay các nước châu Âu có thể phải tung ra biện pháp “hỗ trợ nền kinh tế” để hạn chế tác động tiêu cực của các cuộc xung đột đối với nền kinh tế, qua đó hỗ trợ thị trường chứng khoán. Xung đột Nga - Ukraine hoàn toàn có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải cân nhắc kỹ hơn về khả năng tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp vào giữa tháng 3. Trước đó, thị trường dự đoán Fed có thể tăng 25 điểm cơ bản lãi suất điều hành trong cuộc họp sắp tới. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang có những động thái xem xét lại kế hoạch kết thúc chương trình mua trái phiếu đặc biệt (hay còn gọi là nới lỏng định lượng QE) vào ngày 10/3 tới đây.

VNDirect cho rằng tình hình căng thẳng Nga - Ukraine có thể sớm đạt đỉnh và hạ nhiệt. Bên cạnh đó, báo cáo cũng đánh giá tác động trực tiếp của xung đột Nga - Ukraine đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ không lớn. Hiện giao thương giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chỉ chiếm khoảng 0,9% tổng giá trị xuất nhập khẩu, đồng thời hai nước trên cũng không phải là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn tại Việt Nam.

Do đó, thị trường chứng khoán điều chỉnh có thể là cơ hội tốt để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho mục tiêu nắm giữ trung hạn trong vòng 3 - 12 tháng tới.

Giá dầu, thép và phân đạm có thể neo ở mức cao do cuộc xung đột

Theo quan điểm của VNDirect, dầu Brent có thể đạt đỉnh ở vùng giá quanh 105 - 110 USD/thùng. Sau đó, giá dầu sẽ dần hạ nhiệt và ổn định quanh mức 90 USD/thùng trong một vài tháng tới nhờ nguồn cung bổ sung tiềm năng đến từ Mỹ, Iran và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

 Giá dầu Brent tiếp tục duy trì đà tăng mạnh mẽ trong năm 2022 (+30% kể từ đầu năm) (USD/thùng)

Nga hiện là nước xuất khẩu phân đạm, NPK hàng đầu thế giới. Dưới tác động của các lệnh trừng phạt và việc Nga áp dụng hạn ngạch xuất khẩu để phòng vệ, giá phân bón dự kiến tiếp tục leo thang trong năm 2022.

Trong khi đó, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng đã gây gián đoạn không nhỏ đến chuỗi cung ứng mặt hàng thép. Theo Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), 2 quốc gia này đã sản xuất 97,4 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 57 triệu tấn thép trong năm 2021. Ngay sau khi xung đột có dấu hiệu leo thang từ ngày 24/2, một số nhà sản xuất thép hàng đầu tại Ukraine (bao gồm Metinvest và ArcelorMittal) đã có kế hoạch cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức tối thiểu do hoạt động vận chuyển đường sắt và cảng bị đình trệ.

Một số ngành được hưởng lợi

Với mặt bằng giá dầu được dự báo neo cao trong thời gian tới, nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước sẽ không chỉ được hưởng lợi trong ngắn hạn, mà triển vọng dài hạn cũng sẽ được củng cố hơn khi giá dầu cao sẽ thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, giúp cải thiện nền tảng cơ bản của ngành.

Mặc dù chỉ chiếm 16,5% thị phần xuất khẩu phân đạm toàn cầu, nhưng Nga sản xuất amoni nitrat, thành phần quan trọng trong sản xuất phân bón và chiếm gần 66% nguồn cung toàn cầu. Bên cạnh đó, Nga còn dẫn đầu thế giới về xuất khẩu phân NPK. Do đó các nhà sản xuất phân đạm tại Việt Nam như DCM, DPM có thể được hưởng lợi từ việc giá phân bón duy trì ở mức cao trong thời gian tới cũng như nhu cầu xuất khẩu tăng cao.

Tương tự, VNDirect cho rằng các nhà xuất khẩu thép hàng đầu của Việt Nam có cơ hội gia tăng sản lượng trong thời gian tới. Đặc biệt tại EU, Nga và Ukraine lần lượt là 2 quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ 2 và thứ 4 vào khu vực này trong 11 tháng đầu năm 2021 với khoảng 21% tổng sản lượng, theo Eurofer. EU cũng là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ 3 của Việt Nam trong năm 2021, chủ yếu là mặt hàng tôn mạ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top