Aa

TTCK điều chỉnh trong tuần từ 5 - 9/9, cổ phiếu bất động sản đồng loạt giảm

Chủ Nhật, 11/09/2022 - 06:12

Thị trường chứng khoán giảm trở lại sau 7 tuần tăng điểm liên tiếp và nhóm bất động sản cũng không nằm ngoài xu thế chung khi biến động tương đối tiêu cực.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có sự điều chỉnh trở lại sau 7 tuần tăng điểm liên tiếp. Kết thúc tuần giao dịch từ 5 - 9/9, VN-Index giảm 31,73 điểm (-2,5%) xuống 1.248,78 điểm, HNX-Index giảm 7,29 điểm (-2,5%) xuống 284,63 điểm, UPCoM-Index giảm 1,8 điểm (-1,95%) xuống 90,64 điểm.

Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 62,4% so với tuần trước đó lên 76.408 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 67,5% lên gần 3 tỷ cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 34,2% so với tuần trước đó lên 7.968 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 47,8% lên 396 triệu cổ phiếu.

Nhiều nhóm ngành cổ phiếu đi xuống trong tuần giao dịch vừa qua, trong đó có bất động sản. Thống kê 125 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán có đến 90 mã giảm trong khi chỉ có 23 mã tăng.

Cổ phiếu ITA của Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo đứng đầu danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản với mức giảm 18%. Cổ phiếu ITA lao dốc trong tuần vừa qua được cho là ảnh hưởng từ thông tin Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế TP.HCM rà soát khoản tiền tạm ứng cho Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến.

Tổng cục Thuế cho biết, vừa qua có nhiều bài viết đưa tin về việc ITA điều chỉnh chỉ tiêu khoản phải thu khác đối với bà Maya Dangelas (Đặng Thị Hoàng Yến) trên bản đính chính báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 từ 1.973 tỷ đồng xuống 633 tỷ đồng. Trong đó có đặt nghi vấn về việc tiền mặt ở đâu để doanh nghiệp chuyển. Nhằm kịp thời xử lý trường hợp gian lận trong kê khai nộp thuế, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế TP.HCM thực hiện rà soát công tác quản lý thuế đối với Công ty Tân Tạo. Trong đó, Cục Thuế TP.HCM tập trung rà soát số liệu kê khai thuế của công ty với số liệu công ty công bố trên các website giao dịch chứng khoán, trong đó có trang web của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tổng cục Thuế cũng yêu cầu phải xác minh số tiền mà ITA đã tạm ứng cho Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến để kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm (nếu có) và tránh thất thu cho ngân sách nhà nước. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, Cục Thuế TP.HCM cần thực hiện phối hợp với các cơ quan có liên quan để xác minh việc thanh toán, giao dịch đáng ngờ. Nếu phát hiện ITA có hành vi vi phạm pháp luật về thuế, có dấu hiệu tội phạm thì củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan công an đề nghị truy tố theo quy định của pháp luật.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM thông báo về khả năng đưa cổ phiếu ITA vào diện kiểm soát. HoSE cho biết công ty chậm công bố BCTC soát xét bán niên 2022. Sau khi bị nhắc nhở, doanh nghiệp đã gửi văn bản giải trình lý do và đề nghị xin gia hạn thời gian công bố thông tin.

20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất trong tuần từ 5 - 9/9.
20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất trong tuần từ 5 - 9/9.

Đứng thứ hai trong danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản là TBH của CTCP Tổng Bách Hóa với gần 15%. Doanh nghiệp này vừa bị Cục Thuế TP. Hà Nội ra quyết định cưỡng chế thuế với số tiền hơn 61 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến công ty bị cưỡng chế do TBH nợ thuế quá hạn nộp; hình thức cưỡng chế là trích tiền từ tài khoản mà Tổng Bách Hóa đang gửi tại Ngân hàng Vietinbank - Chi nhánh Ba Đình. Trong số này, có hơn 53 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp; 72 triệu đồng tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính; 415 triệu đồng tiền chậm nộp thuế thu nhập cá nhân; 1,57 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; 4,23 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng; các khoản chậm nộp khác là 2,32 tỷ đồng. Tổng Bách Hóa hiện cũng chưa công bố BCTC quý II/2022. Cuối tháng 8/2022, công ty đã có văn bản xin được chậm công bố báo cáo tài chính quý II.

Cổ phiếu CKG của CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Kiên Giang sau khoảng thời gian bứt phá khá tốt từ cuối tháng 6 đến hết tháng 8 đã có điều chỉnh trở lại. Trong tuần từ 5 - 9/9, CKG giảm hơn 12%.

Cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC cũng gây nhiều chú ý đến nhà đầu tư khi giảm gần 11% chỉ sau một tuần giao dịch. Theo thông báo của HoSE, cổ phiếu FLC đã bị đình chỉ giao dịch từ 9/9 do tập đoàn này tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, thuộc trường hợp cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022 vừa qua, trả lời câu hỏi về điều kiện để cổ phiếu FLC, ROS được giao dịch trở lại, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết các doanh nghiệp này phải khắc phục được những vi phạm khiến cổ phiếu bị hủy niêm yết và có nguyện vọng giao dịch trở lại, khi đó các cơ quan quản lý sẽ xem xét theo quy định của pháp luật.

Cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cũng giảm 8,9%. Theo BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này giảm từ 2.457 tỷ đồng trong báo cáo hợp nhất tự lập xuống 200 tỷ đồng trong báo cáo soát xét, tương ứng mức giảm 91,8%.

Ở chiều ngược lại, đứng đầu danh sách tăng giá nhóm cổ phiếu bất động sản là HD8 của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị HUD8 với gần 19%. Đà tăng của HD8 diễn ra bất chấp việc Kế toán trưởng Tạ Văn Phương và Ủy viên HĐQT Lê Quang Phong đăng ký bán lần lượt 400.000 cổ phiếu và 566.000 cổ phiếu. Cả hai giao dịch dự kiến được thực hiện từ 9/9 đến 7/10  thông qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Hai mã khác cũng có mức tăng giá trên 10% là HU6 của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị HUD6 và HD6 của CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà số 6 Hà Nội với mức tăng lần lượt 12,07% và 10,52%.

20 cổ phiếu bất động sản giảmgiá mạnh nhất trong tuần từ 5 - 9/9.
20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất trong tuần từ 5 - 9/9.

Cổ phiếu TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức giao dịch khá tích cực khi tăng hơn 8,3%. Theo tại liệu họp ĐHĐCĐ bất thường tới đây, TDH sẽ trình phương án chào bán riêng lẻ 58 triệu cổ phiếu, giá 10.000 đồng/cp để thay thế phương án đã được thông qua tại kỳ họp ĐHĐCĐ diễn ra vào tháng 4. Theo đó, số lượng cổ phiếu chào bán giảm từ 120 triệu đơn vị xuống 58 triệu đơn vị, tương đương giảm 52% và giá giảm từ 12.000 đồng/cp xuống 10.000 đồng/cp.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, đa số biến động không được tích cực. Trong top 10 vốn hóa nhóm bất động sản chỉ có VIC của Tập đoàn Vingroup và NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va giữ được đà tăng tới 1,1% và 3,4%. Trong khi đó, bên cạnh KBC, KDH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền cũng giảm trên 4%./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top