Thị trường ngày 1/3 có phiên giảm điểm trên cả 2 sàn với thanh khoản tiếp tục ở mức thấp và độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm điểm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/3, VN-Index giảm 5,75 điểm (-0,52%) xuống 1.115,79 điểm. Toàn sàn có 119 mã tăng, 167 mã giảm và 57 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,95 điểm (-0,74%) xuống 127,1 điểm. Toàn sàn có 61 mã tăng, 95 mã giảm và 201 mã đứng giá.
Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức cao, tổng khối lượng giao dịch tại hai sàn niêm yết đạt 307 triệu cổ phiếu, trị giá trên 8.700 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm khoảng 1.050 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt rung lắc này. Đơn cử như CTG mất 900 đồng (-2,68%) xuống 32.700 đồng/CP và khớp lệnh rất mạnh, đạt trên 20,6 triệu cổ phiếu. BID giảm 1.200 đồng (-3,08%) xuống 37.800 đồng/CP và khớp lệnh 2,6 triệu cổ phiếu. Áp lực chốt lời trên thị trường cũng tập trung khá mạnh vào nhóm cổ phiếu dầu khí.
Khối ngoại trên thị trường giao dịch vẫn theo chiều hướng tiêu cực. Khối này bán ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX. Khối ngoại phiên hôm nay mua vào 12,8 triệu cổ phiếu, trị giá 634,77 tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 17,9 triệu cổ phiếu, trị giá 833 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt 5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng đạt trên 198,24 tỷ đồng.
Trên sàn HOSE, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 5 liên tiếp, với giá trị giảm 60% so với phiên trước và đạt 167 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng đạt 3,8 triệu cổ phiếu. Sau 5 phiên giao dịch vừa qua, khối ngoại trên HOSE đã bán ròng tổng cộng 1.209 tỷ đồng.
Khối ngoại trên HNX mua ròng mạnh nhất mã PVS, đạt 4,3 tỷ đồng. Hai mã VGS và VCG được mua ròng lần lượt 2,8 tỷ đồng và 1,6 tỷ đồng. Tâm điểm giao dịch của khối ngoại phiên hôm nay lại tập trung vào sàn đăng ký giao dịch (UPCoM). Tại sàn này, khối ngoại bán ròng hơn 115,4 tỷ đồng, tương ứng 4 triệu cổ phiếu.
Thông tin trong ngày hôm nay, theo báo cáo vừa được công bố của Nikkei, PMI Việt Nam tháng 2 đạt 53,5 điểm, mức cao nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây. Đây cũng là tháng thứ 27 liên tiếp (kể từ tháng 12/2005), chỉ số này đạt mốc trên 50 điểm, cho thấy sức khỏe lĩnh vực sản xuất liên tục được cải thiện. Động lực chính giúp chỉ số PMI tháng 2 đạt mức cao đến từ yếu tố số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh (là tháng tăng thứ 27 liên tiếp), với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu cũng đạt mức tăng trưởng khả quan.
Trong khi đó, lượng công việc tồn đọng giảm (tốc độ giảm nhanh nhất chu kỳ 20 tháng) do các công ty muốn giải phóng lượng công việc chưa thực hiện. Những yếu tố trên giúp số việc làm tiếp tục có tháng tăng mạnh thứ 2 liên tiếp do nhu cầu sản xuất gia tăng. Bên cạnh đó, hoạt động mua hàng hóa đầu vào cũng gia tăng đáng kể để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng sản lượng.
Đáng chú ý trong báo cáo tháng 2, do nhu cầu cao khiến nhà cung cấp tăng giá chi phí nguyên vật liệu đầu vào, làm gia tăng chi phí các đơn vị sản xuất, dẫn đến giá bán đầu ra cũng có sự gia tăng tương ứng (tháng tăng thứ 6 liên tiếp). Nhìn chung, các nhà sản xuất trong nước vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm 2018, phù hợp với các kế hoạch phát triển của công ty. Tuy nhiên, mức độ lạc quan giảm đi thành mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.
Về tổng thể, báo cáo về chỉ số PMI Việt Nam của Nikkei tiếp tục phát đi tín hiệu tích cực về lĩnh vực sản xuất nói riêng và cả nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018, là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của TTCK.
Trên thị trường thế giới, chứng khoán toàn cầu có phiên điều chỉnh trên diện rộng, với nguyên nhân chính đến từ diễn biến lao dốc trên TTCK Mỹ. Cụ thể, các chỉ số chính trên TTCK Mỹ như Dow Jones, S&P500, Nasdaq… đóng cửa phiên vừa qua lần lượt giảm -1,5%; -1,11% và -1,3%... Trong khi đó, các chỉ số chính trên TTCK Châu Á như Nikkei 225, Kospi, ASX 200… giảm lần lượt -1,59%; - 1,17% và -0,71%...
Diễn biến trên khiến tháng 2 là tháng giảm điểm mạnh nhất của TTCK Mỹ kể từ 2016. Nguyên nhân chính của nhịp điều chỉnh này đến từ ảnh hưởng của tân Chủ tịch FED, ông Jeremy Powell, với các nhận định tích cực về nền kinh tế Mỹ, khiến nhà đầu tư lo ngại FED sẽ nâng lãi suất nhiều hơn trong năm nay so với dự đoán trước đó, ảnh hưởng đến dòng tiền trên TTCK cũng như lợi nhuận các doanh nghiệp do chi phí đi vay tăng cao. Thị trường đang chờ đợi phiên điều trần tiếp theo của ông Powell tại thượng viện để có thêm các cơ sở đánh giá hành động của FED.
Nhận định kỹ thuật về phiên giao dịch ngày mai (2/3), Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, diễn biến giằng co của chỉ số Vn-Index dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong các phiên sắp tới, với áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã trải qua nhịp tăng trưởng mạnh về giá. Đường giá có thể sẽ vấp phải áp lực điều chỉnh về lại vùng 1100 - 1110 điểm trong phiên kế tiếp. Thị trường được kỳ vọng sẽ tăng điểm trở lại khi lùi về vùng hỗ trợ này. Vùng kháng cự gần của chỉ số nằm tại 1130 - 1140 điểm và 1180 - 1190 điểm. Vùng hỗ trợ gần của chỉ số nằm tại quanh 1092 điểm và 1060 - 1070 điểm.