Trong phiên sáng ngày 21/3/2018, VN-Index lần đầu tiên vượt qua đỉnh cao nhất lịch sử cách đây 11 năm (1.170,67 điểm). Thị trường có diễn biến trái chiều trên cả 2 sàn với thanh khoản ở mức cao và độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng điểm.
Trong phiên, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, ROS, BHN… tăng điểm mạnh hỗ trợ đáng kể vào diễn biến tăng của thị trường chung. Xét riêng trong rổ cổ phiếu VN30 có 19 mã tăng và 7 mã giảm điểm.
Đáng chú ý trong phiên giao dịch ngày 21/3, nhóm cổ phiếu dầu khí GAS, PVD, PVS cùng tăng giá mạnh. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến phân hóa: Với BID, CTG, MBB tăng điểm; ngược lại VCB, ACB, VPB… giảm điểm.
Trước sự bứt phá mạnh mẽ của VN-Index, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, cách đây 1 năm khó ai có thể tin rằng Vn-Index sớm có thể chinh phục được đỉnh cao của 11 năm trước, nhưng ngày 21/3/2018 điều đó đã trở thành hiện thực. Nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng được cải thiện đáng kể trong 2 năm qua, một trong nguyên nhân cơ bản có được kết quả hôm nay là nhờ chính sách “Chính phủ không huy động và phân bổ nguồn lực để cho các thành phần kinh tế chủ động huy động nguồn lực”.
"Năm nay sẽ là năm tốt nhất của thị trường chứng khoán kể từ khi thành lập đến nay. Nếu Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách này thì sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của đất nước trong những năm tiếp theo", ông Hưng nhận định.
Đặc biệt, ông Hưng nhấn mạnh: "Năm 2018 là một năm có nhiều cơ hội cho tất cả các thành viên tham gia thị trường chứng khoán, nhưng cần có chiến lược rõ ràng để quản lý rủi ro, điều quan trọng nhất là biết hạn chế lòng tham!".
Nhận định về diễn biến thị trường ngày 22/3, đa phần công ty chứng khoán cho rằng, VN-Index sẽ tiếp tục đà tăng. Đơn cử như, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội - SHS nhận định, tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của chỉ số duy trì tích cực với vùng hỗ trợ trong khoảng 1.145 - 1.155 điểm (MA5-10) và ngưỡng kháng cự tại 1.179,32 điểm (đỉnh tháng 3/2007).
Tín hiệu kỹ thuật trung hạn của chỉ số duy trì tích cực với ngưỡng hỗ trợ tại 1.085 điểm (MA50). Về xu hướng dài hạn, VNIndex tiếp tục vận động trong thị trường giá lên (bull market) với ngưỡng hỗ trợ tại 890 điểm (MA200). Dự báo, trong phiên giao dịch 22/3, áp lực cung vùng giá cao sẽ khiến đà tăng của VN-Index gặp khó khăn và có thể chỉ số sẽ giằng co quanh ngưỡng 1.170 điểm.
Trong khi đó, Công ty chứng khoán FPT – FPTS dự báo, khối lượng khớp lệnh khôi phục về mức bình quân 20 phiên là dấu hiệu tích cực cho thấy dòng tiền đang hỗ trợ cho chiều giá lên trong phiên hôm nay. Độ rộng thị trường cũng nghiêng nhẹ về phía số mã tăng giá. Trên khung thời gian Intraday M5, đà tăng của VN-Index được kích hoạt sớm ngay từ phiên khớp lệnh mở cửa giúp đường giá chinh phục ngưỡng cản yếu 1.165 điểm và hình thành xu hướng tăng xuyên suốt thời gian giao dịch.
Rung lắc vẫn xuất hiện trong phiên giao dịch chiều nhưng nhờ tác động kéo giá của nhóm cổ phiếu dầu khí nên VN-Index vẫn đóng cửa ở gần mức cao nhất trong ngày.
FPTS nhận thấy kênh giá tăng kéo dài từ phiên 06/03 đến nay trên Intraday vẫn được bảo toàn và đang chi phối biến động theo ngày của chỉ số. Do bollinger upper band bắt đầu có dấu hiệu mở rộng trở lại nên VN-Index được dự báo sẽ tiếp tục đi sâu hơn vào khu vực 1.170 – 1.180 điểm trong các phiên cuối tuần. Ở chiều hỗ trợ, đường SMA 5 ngày đang hướng lên sẽ tiếp tục giữ vai trò định hướng cho các biến động theo ngày của VN-Index.
Trên thị trường quốc tế, giá dầu có phiên tăng mạnh ngày hôm trước nhờ các yếu tố hỗ trợ tích cực ở cả phía cung và phía cầu. Trước đó, thông tin chính thức cho biết hoàng tử Saudi Arabia, ông Mohammed bin Salman, đã có chuyển thăm chính thức cấp nhà nước đến Washington. Đây là một động thái được cho là nhằm mục đích thúc đẩy Mỹ tái áp dụng lệnh trừng phạt với Iran, vốn đã được dỡ bỏ vào năm 2015.
Trong 1 bài trả lời phỏng vấn báo chí tại Nhà Trắng, ông Trump đã phát biểu: "thỏa thuận với Iran sắp được soạn thảo xong. Có lẽ tháng tới, các vị sẽ được chứng kiến điều tôi chuẩn bị hành động". Nếu lệnh trừng phạt đối với Iran, một trong số những nước xuất khẩu dầu đứng đầu OPEC, được áp dụng, việc xuất khẩu dầu của quốc gia này sẽ bị hạn chế đáng kể và được dự báo sẽ sụt giảm 250.000 - 500.000 thùng dầu/ngày tại thời điểm cuối năm 2018.
Ở một diễn biến khác, Viện Dầu mỏ - API mới đây công bố tồn kho dầu ở Mỹ đã giảm 2,7 triệu thùng cho tuần kết thúc ngày 16/3, xuống mức 425,3 thùng, một dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu gia tăng nhờ kinh tế tăng trưởng tích cực. Mặc dù vậy, tăng trưởng mạnh trong sản lượng khai thác dầu của Mỹ vẫn là yếu tố tiềm ẩn rủi ro đối với biến động giá dầu.
Kể từ giữa năm 2016 đến nay, sản lượng khai thác dầu của Mỹ đã tăng trưởng 20%, đưa sản lượng khai thác dầu của Mỹ đạt mức 10,38 triệu thùng/ngày, vượt qua sản lượng khai thác của Saudi Arabia và tiệm cận mức 11 triệu thùng/ngày của Nga.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong ngắn hạn, thông tin về khả năng lệnh trừng phạt của Mỹ áp dụng đối với Iran thành hiện thực là yếu tố chính chi phối diễn biến giá dầu. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP và các doanh nghiệp phản đối quyết định thiếu công bằng của Bộ Thương mại Mỹ (DOC).
Trước đó, DOC đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) và quyết định áp mức thuế 3,87 USD/Kg đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam, tăng mạnh so với mức 0,69 USD/kg của POR12 và là mức thuế cao nhất từ trước đến nay.
Mức thuế này sẽ có tác động mạnh đến năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, VASEP và các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam, thảo luận tất cả các phương án xử lý để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam./.