Aa

TTCK ngày 9/3: Thông tin quốc tế “gây áp lực” cho cổ phiếu thép và dầu khí

Thứ Bảy, 10/03/2018 - 08:01

Thị trường diễn biến trái chiều trên cả 2 sàn với thanh khoản hồi phục nhẹ và độ rộng thị trường ở trạng thái tương đối cân bằng.

TTCK trong nước đang ảnh hưởng tác động tâm lý từ CPTPP

Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/3, trên sàn HoSE, chỉ số Vn-Index có tuần tăng điểm thứ 4 liên tiếp. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có diễn biến phân hóa ở mức cao với các mã tăng điểm có thể kể đến VNM, VIC, MSN. Ngược lại, VCB, GAS, HPG… giảm điểm.

Trên sàn HNX, chỉ số Hnx-Index giảm điểm sau khi tăng 3 tuần liên tiếp trước đó. Đáng chú ý là nhóm cổ phiếu ngân hàng có tuần điều chỉnh trên diện rộng với diễn biến giảm ở VCB, CTG, BID, MBB… Nhóm cổ phiếu mang tính thị trường cao có tuần giao dịch khởi sắc có thể thấy ở FLC, FIT, KLF, CCL…

Trong phiên sáng nay, cổ phiếu dòng thép và dòng dầu khí chìm trong sắc đỏ phần lớn thời gian giao dịch do những thông tin tiêu cực từ quốc tế. HSG giảm 200 đồng (-0,82%), TNA giảm 100 đồng (-0,26%), NKG giảm 300 đồng (-0,91%). HPG cũng giảm trong phần lớn phiên giao dịch nhưng giữ được mức giá tham chiếu vào cuối phiên.

VIS là cổ phiếu thép hiếm hoi tăng điểm với mức đóng cửa 150 đồng (+0,4%). Tại ĐHĐCĐ tổ chức sáng nay, cổ đông DN này đã đồng ý rút 3 ngành nghề kinh doanh nhằm tiến tới nới room ngoại lên 100%. Lãnh đạo VIS thừa nhận dù trước mắt chưa ảnh hưởng nhưng dài hạn điều này có thể khiến thị trường đối mặt với lượng cung khổng lồ khi các nước sẽ tìm đường xuất khẩu sang các quốc gia khác, trong đó có châu Á.

Trên sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng 2,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 101 tỷ đồng và là phiên bán ròng thứ 2 liên tiếp. Trên HNX, khối ngoại đã mua ròng 363 nghìn cổ phiếu, tương ứng giá trị 2,4 tỷ đồng trong phiên hôm nay. Trên Upcom, khối ngoại cũng thực hiện mua ròng 1,26 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 32,89 tỷ đồng.

Về thông tin quốc tế, Hiệp định CPTPP chính thức được ký kết tại Chile rạng sáng ngày 9/3/2018 theo giờ Việt Nam. Sau lễ ký kết, CPTPP sẽ có hiệu lực đầy đủ sau 60 ngày kể từ khi được Quốc hội của ít nhất 6 nước thành viên tham gia thông qua.

Khác với Hiệp định TPP, Hiệp định CPTPP có 20 nhóm nghĩa vụ được tạm hoãn. Trong đó, có 11 nghĩa vụ liên quan tới sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến mua sắm Chính phủ, 7 nghĩa vụ còn lại liên quan đến quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, thương mại dịch vụ xuyên biên giới, dịch vụ tài chính, viễn thông, môi trường, minh bạch hóa và chống tham nhũng.

Nhìn chung, những nghĩa vụ này được giới kinh tế đánh giá là ít có ảnh hưởng đến Việt Nam, thậm chí có 1 số nghĩa vụ, đặc biệt liên quan tới sở hữu trí tuệ, được tạm hoãn lại mang lại thuận lợi hơn cho Việt Nam so với các nước khác. Cả World Bank và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều đưa ra những dự báo khả quan về tác động của CPTPP đến GDP Việt Nam, với mức tăng trưởng thêm cho đến 2030 lần lượt là 1,1% và 1,32%. Xuất khẩu của Việt Nam được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tăng trưởng thêm 4% nhờ việc 100% các loại hàng hóa sẽ được giảm thuế về mức 0% theo lộ trình 7 năm (riêng đối với Việt Nam lộ trình có thể kéo dài 7-10 năm).

Về tác động trực tiếp của CPTPP đến hoạt động các doanh nghiệp trên sàn, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá các ngành dệt may, thủy sản, logistic, bánh kẹo, rượu bia, thuốc lá, bất động sản khu công nghiệp… là những ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Bởi nhờ cơ hội xuất khẩu sang các nước đối tác trong CPTPP mở rộng, cũng như kỳ vọng vào tăng trưởng trong việc thu hút FDI của Việt Nam trong các năm tới.

Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) giữ nguyên chính sách tiền tệ sau khi kết thúc cuộc họp ngày hôm nay, 9/3/2018, trong bối cảnh lo ngại chiến tranh thương mại gia tăng, đồng Yen mạnh lên trong 2 tháng trở lại đây và lạm phát vẫn xa rời mục tiêu 2% mà BOJ đặt ra.

Như vậy BOJ vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu giữ lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và lãi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm ở mức quanh 0%. Quyết định này được đưa ra sau khi dữ liệu công bố trước đó cho thấy mức lương công nhân ở nước này trong tháng 2 giảm mạnh nhất trong 6 tháng. Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá JPY/USD, tại thời điểm 14h30 giờ Việt Nam, đang giảm nhẹ -0,42% trước thông tin trên.

Thời điểm này, thông tin quốc tế sẽ ảnh hưởng nhiều đến thị trường trong nước. Theo đó, BVSC cho rằng, thị trường được dự báo sẽ tiếp tục biến động giằng co với các phiên tăng giảm đan xen. Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển của dòng tiền sang nhóm midcap và penny có thể vẫn sẽ tiếp diễn trong các phiên sắp tới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top