Thị trường chứng khoán tiếp tục có thêm một tuần giao dịch tương đối tiêu cực. VN-Index đã có vài lần kiểm tra ngưỡng hỗ trợ tại đường MA200 (đường trung bình 200 ngày) và đều bật trở lại. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần từ 2 - 6/10, VN-Index đứng ở mức 1.128,54 điểm, tương ứng giảm 25,61 điểm (-2,22%) so với tuần trước đó. Tương tự, HNX-Index cũng giảm 5,9 điểm (-2,5%) xuống 230,5 điểm, UPCoM-Index cũng giảm 1,58 điểm (-1,78%) xuống 87,2 điểm.
Dòng tiền yếu khiến thanh khoản thị trường tiếp tục đi xuống. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 17.144 tỷ đồng/phiên, giảm 20,7% so với tuần trước, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 19,4% xuống 15.748 tỷ đồng/phiên.
Không có thay đổi nhiều so với các tuần trước, đa số các nhóm ngành cổ phiếu có biến động không tốt. Ở nhóm bất động sản, trong số 125 cổ phiếu đang giao dịch thì có 74 mã giảm và chỉ có 32 mã tăng giá.
Đứng đầu danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản là VHD của CTCP Phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex với 18,3%. Đây là cổ phiếu có thanh khoản rất thấp với khối lượng khớp lệnh chỉ vài trăm đơn vị mỗi phiên.
Tiếp sau đó, BIG của CTCP Big Invest Group cũng giảm gần 17% chỉ sau một tuần giao dịch. Mới đây, HĐQT công ty này đã thông qua việc triển khai chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Theo kế hoạch, BIG sẽ phát hành riêng lẻ thêm 10 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp cho các cổ đông chiến lược, các nhà đầu tư chuyên nghiệp, dự kiến thu về 100 tỷ đồng. Qua đó, giúp vốn điều lệ tăng từ 50 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng.
Khá nhiều cổ phiếu bất động sản có yếu tố thị trường cao (thanh khoản cao) tiếp tục giảm giá mạnh. Trong đó, CEO của Tập đoàn C.E.O giảm hơn 13%. Theo kết quả chào bán cổ phiếu mới đây, CEO đã phát hành gần 252,2 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ phát hành 98%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 quyền mua, cứ 100 quyền mua sẽ được mua 98 cổ phiếu mới. Giá chào bán 10.000 đồng/cp. Có 5 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua hơn 9,5 triệu cổ phiếu, trong đó ông Trần Kim Khôi đăng ký mua gần 7,4 triệu cổ phiếu.
Song song với phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, CEO Group cũng vừa hoàn thành phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên công ty, giá 10.000 đồng/cp. Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.
Bên cạnh đó, DXG của Tập đoàn Đất Xanh cũng ghi nhận mức giảm giá gần 12% trong tuần qua. HĐQT doanh nghiệp này vừa công bố nghị quyết liên quan tới hoạt động chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Cụ thể, DXG dự kiến chào bán riêng lẻ toàn bộ 57 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, để đảm bảo quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Đất Xanh là 50%, công ty đã thông qua việc tạm thời phong tỏa tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại Đất Xanh để triển khai việc chào bán với tỷ lệ phong tỏa là 45,34%. Tại thời điểm 31/7/2023, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Đất Xanh là 18,71%.
Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Đất Xanh đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ với giá chào bán 15.000 đồng/cp cho nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy nếu hoàn tất, Đất Xanh dự kiến thu được 855 tỷ đồng từ các nhà đầu tư nước ngoài. Toàn bộ số tiền này sẽ được dùng để tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (DXS).
Cổ phiếu DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) đứng ngay sau DXG về mức giảm giá với 11,2%. Mới đây, HĐQT DIC Corp thông qua Nghị quyết thành lập Ủy ban Phát triển bền vững trực thuộc. Đây là đơn vị chuyên trách, có chức năng tham mưu, đề xuất cho công ty về chiến lược, kế hoạch và trực tiếp chỉ đạo, thực hiện các công tác liên quan đến lộ trình chuyển đổi thực hành ESG. Ngoài ra, đơn vị này còn tham vấn cho các bên liên quan, triển khai thực hiện ESG tại DIC Corp.
Đây là đơn vị chuyên trách, có chức năng tham mưu, đề xuất cho HĐQT DIC Corp về chiến lược, kế hoạch và trực tiếp chỉ đạo, thực hiện các công tác liên quan đến lộ trình chuyển đổi thực hành ESG, tức là môi trường (Environmental), xã hội (Social), và quản trị (Governance); tham vấn cho các bên liên quan, triển khai thực hiện ESG tại DIC Corp.
Trong đó, Ủy ban sẽ tổ chức nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch, kế hoạch phát triển dự án năng lượng, ứng dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trình HĐQT xem xét, phê duyệt. Bên cạnh đó, Uỷ ban sẽ tham vấn phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, trước mắt là nghiên cứu đề xuất đầu tư nhà máy điện rác trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu…
Ngoài ra, danh sách giảm giá mạnh của nhóm bất động sản có thể kể đến những cái tên như NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (-10,9%), NLG của CTCP Đầu tư Nam Long (-8%), SCR của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (-7,7%)…
Ở chiều ngược lại, PLA của CTCP Đầu tư và Dịch vụ hạ tầng Xăng dầu (PLAND) đứng đầu danh sách tăng giá với 16,3%. Tuy nhiên, PLA nằm trong diện thanh khoản rất thấp.
Các cổ phiếu tăng giá ở nhóm bất động sản ghi nhận nhiều mã thuộc ngành khu công nghiệp, trong đó, DTD của CTCP Đầu tư phát triển Thành Đạt tăng 13,6%, TIP của CTCP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa tăng 7,5%... Về nhóm ngành này, giai đoạn cuối năm sẽ là thời điểm mà hầu hết các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp bàn giao đất cho đối tác và ghi nhận doanh số tăng trưởng so với giai đoạn đầu năm, tạo cơ hội đầu tư ngắn hạn.
Bộ ba cổ phiếu họ “Vin” trong tuần qua không gây quá nhiều áp lực lên thị trường chung. VIC của Tập đoàn Vingroup giảm 1,9%, trong khi VHM của CTCP Vinhomes tăng 1,2%, VRE của CTCP Vincom Retail tăng 5,2%.
Thị trường chứng khoán có tín hiệu hình thành đáy
Theo CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, do VN-Index vẫn chưa lấy lại được mốc hỗ trợ 1.135 điểm và thị trường điều chỉnh mạnh với biên độ rộng thời gian qua khiến cho động lực tăng giảm mạnh, do đó thị trường sẽ cần nhiều thời gian để tìm điểm cân bằng mới và tích lũy chặt chẽ trở lại. Những nỗ lực phục hồi trong thời gian tới sẽ mang tính chất kỹ thuật nhiều hơn.
Về tình hình vĩ mô, nhìn chung kinh tế vĩ mô trong nước đang có nhiều tín hiệu tích cực hơn, GDP đang có xu hướng phục hồi đà tăng trưởng dù tốc độ tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng. Tình hình địa chính trị thế giới vẫn tồn tại nhiều bất ổn, kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp và nguy cơ suy thoái vẫn xuất hiện tại một số quốc gia/khu vực, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, chính sách thắt chặt tiền tệ tại nhiều nước vẫn chưa cho thấy sẽ sớm kết thúc.
Với tình trạng vĩ mô hiện tại, nhịp hồi phục từ đầu năm đã phản ảnh kỳ vọng kinh tế sẽ dần ổn định và phục hồi, nếu thị trường chững lại để tiếp tục tích lũy chờ động thái chuyển động vĩ mô tiếp theo cũng là vận động phù hợp.
SHS cho rằng, thị trường trong ngắn hạn đang có tín hiệu hình thành đáy để có nhịp phục hồi mới và nhà đầu tư ngắn hạn có khả năng chịu đựng rủi ro cao có thể tham gia giải ngân tại các phiên điều chỉnh với quan điểm thận trọng, bởi nhịp hồi nếu hình thành cũng chỉ mang tính kỹ thuật.
Trong trung, dài hạn, thị trường vẫn chưa lấy lại được xu hướng uptrend nhưng sẽ sớm tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại nên rủi ro trung dài hạn không cao.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích CTCP Chứng khoán VNDirect, trong những tuần tới, thị trường được hỗ trợ bởi thông tin kết quả kinh doanh quý III năm 2023 của các doanh nghiệp niêm yết dần được hé lộ. Ông Hinh đánh giá bức tranh kết quả kinh doanh quý III/2023 sẽ có những chuyển biến tích cực hơn so với 2 quý đầu năm và sẽ là yếu tố hỗ trợ cho thị trường.
Sau nhịp điều chỉnh vừa qua, VN-Index đang được giao dịch với P/E forward năm 2023 ở mức 12 - 12,5 lần, là mức hấp dẫn để nhà đầu tư xem xét giải ngân cho mục tiêu trung và dài hạn. Nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu tại vùng 1.120 (+/- 10 điểm), ưu tiên những ngành có triển vọng kinh doanh chuyển biến tích cực trong nửa cuối năm 2023 như nhóm xuất khẩu (thủy sản, đồ gỗ, hóa chất), nhóm đầu tư công, nhóm ngành ngân hàng và chứng khoán./.