Aa

Thị trường chứng khoán Việt Nam: Kênh huy động vốn quan trọng

Thứ Sáu, 26/11/2021 - 15:30

Trong những tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, liên tục lập kỷ lục mới về cả chỉ số và giá trị giao dịch.

Theo từng giai đoạn, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, phát triển thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế với quy mô huy động vốn giai đoạn 2011 - 2020 đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng.

Tư tưởng, quan điểm về việc hình thành TTCK nhằm tạo kênh huy động vốn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước đã được Đảng và Nhà nước đặt ra và xác định cụ thể từ đầu những năm 1990.

Để thực hiện chủ trương trên, Chính phủ đã nhanh chóng chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở pháp lý và cơ sở vật chất cho sự hình thành TTCK tại Việt Nam, trong đó có sự kiện thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tháng 11/1996. Tiếp đó, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội được khai trương.

Trải qua 25 năm, TTCK Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, phát triển thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế với quy mô huy động vốn qua TTCK giai đoạn 2011 - 2020 đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với giai đoạn 2001 - 2010, đóng góp bình quân 19,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; góp phần cơ cấu lại hệ thống tài chính Việt Nam theo hướng cân đối, bền vững hơn.

Tổng quy mô TTCK (bao gồm tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu và dư nợ thị trường trái phiếu) cuối năm 2020 đạt 131,95% GDP, chiếm tỷ trọng 47% tổng tài sản hệ thống tài chính, ngày càng tiệm cận với quy mô tín dụng ngân hàng năm 2020 là 146,2% GDP và cao hơn nhiều so với tỷ trọng 21% của năm 2010.

Trong đó, quy mô vốn hóa của thị trường tăng mạnh, đạt 84% GDP năm 2020, vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định 252/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011 - 2020, gấp hơn 2,6 lần so với năm 2015 là 32,4% GDP. Tính đến cuối năm 2020, vốn hóa thị trường đạt 84,1% GDP, gấp hơn 7,3 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu 70% GDP vào năm 2020…

Trong những tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, TTCK Việt Nam vẫn tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, liên tục lập kỷ lục mới về cả chỉ số và giá trị giao dịch.

Tính đến cuối tháng 10/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.444,27 điểm điểm, tăng 30,8% so với cuối năm 2020. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.462 nghìn tỷ đồng, tăng 41% so với cuối năm 2020, tương đương 118,6% GDP. Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường tính đến cuối tháng 10 đạt 1.685 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% với cuối năm 2020 với 755 cổ phiếu, CCQ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán và 896 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên thanh khoản của thị trường tăng mạnh lên mức cao kỷ lục trên 1 tỷ USD mỗi phiên.

TTCK Việt Nam còn chứng tỏ được sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó, số lượng nhà đầu tư tham gia giao dịch trên thị trường ngày càng tăng, từ mức 3.000 tài khoản trong năm 2000 lên gần 2,8 triệu tài khoản vào cuối năm 2020. Đặc biệt, 10 tháng đầu năm 2021 đã có hơn 1 triệu nhà đầu tư mới nâng tổng số tài khoản của nhà đầu tư trong nước đạt gần 3,8 triệu đơn vị, vượt mức trên 3% dân số.

Việc tham gia tích cực của khối ngoại và các nhà đầu tư có tổ chức vào TTCK Việt Nam đã góp phần nâng cao chất lượng quản trị công ty theo thông lệ quốc tế đối với các công ty niêm yết. TTCK được xem là “bệ phóng” cho nhiều doanh nghiệp phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, trở thành những tên tuổi lớn trên thương trường.

Bên cạnh đó, tính công bằng và minh bạch trên thị trường không ngừng được tăng cường, qua đó, đưa TTCK Việt Nam tiến gần hơn với các chuẩn mực quốc tế, phát triển theo hướng ngày càng hiện đại hơn, bền vững./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top