Aa

TTCK Việt Nam tăng mạnh nhất thế giới

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 03/04/2018 - 13:02

Nhờ những yếu tố tích cực của tình hình kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại.

Tính tới hết phiên giao dịch cuối cùng của quý 1, chỉ số VnIndex đã leo lên 1.174,46 điểm, mức đóng cửa cao nhất trong lịch sử. So với thời điểm đầu năm, VnIndex đã tăng 19,33% và là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới trong quý 1, bỏ xa thị trường đứng thứ 2 là Ai Cập với mức tăng 15,52%. Trước đó, trong năm 2017, VnIndex cũng lọt vào nhóm 3 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới. Bên cạnh đó, HNX-Index trong phiên giao dịch cuối tuần qua đạt hơn 132,46 điểm, tăng 0,44% so với giá mở cửa.

Có được sự bứt phá mạnh mẽ này là nhờ các yếu tố, trong đó vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP và lợi nhuận doanh nghiệp tích cực là tiền đề mạnh mẽ để thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng trong năm 2018. Cụ thể, theo số liệu từ Tổng cục thống kê, tăng trưởng GDP quý 1 ước tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất của quý 1 trong 10 năm gần đây.

Trong đó, nhờ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các ngành như bất động sản, thủy sản, dệt may sẽ được hưởng lợi từ thị trường xuất khẩu mở rộng, các ngành nông nghiệp, tài chính và dược phẩm sẽ bị canh tranh gay gắt.

Đặc biệt, nhóm ngành ngân hàng và chứng khoán dự kiến sẽ có tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng với tăng trưởng tín dụng cả nước không ngừng tăng và làm phát được kiểm soát ở mức thấp. Bên cạnh đó, ngành bất động sản cũng được đánh giá sẽ thu về kết quả tốt trong năm nay.

thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại (Ảnh minh họa)

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại (Ảnh minh họa).

Bên cạnh đó, trong quý 1, TTCK Việt Nam cũng đón nhận làn sóng lên sàn của các doanh nghiệp lớn, có thể kể tới như HDBank, Lọc dầu Bình Sơn, PV Oil, PV Power… khiến thị trường có thêm nhiều hàng hóa chất lượng, thu hút sự quan tâm từ giới đầu tư.

Cụ thể, thống kê từ HDBank, ngay khi lên sàn ngày 5/1, cổ phiếu của ngân hàng này đã tăng nhiều phiên liên tiếp đến cận Tết Mậu Tuất, sớm cán mốc mục tiêu từ giá 32.000đ/cổ phiếu lên 48.000đ/cổ phiếu. Có không ít nhà đầu tư tìm được thời điểm thu lời và không ít người đặt thêm kỳ vọng vào những ngưỡng giá cao hơn.

Tương tư, Lọc dầu Bình Sơn (BSR) cũng tổ chức thành công phiên IPO với toàn bộ 241.556.969 cổ phần (tương đương 7,79% vốn điều lệ). Mức giá trung bình là 23.043 đồng/cổ phần, cao hơn 57,8% so với giá khởi điểm. Tổng giá trị cổ phần bán được lên tới 5.566 tỷ đồng, cao gấp rưỡi so với dự kiến. Ngoài ra, chào sàn UPCOM trong ngày đầu tiên của tháng 3/2018 với giá tham chiếu 22.400 đồng, BSR đã nhanh chóng được các nhà đầu tư mua vào với mức giá trần, đạt 31.300 đồng.

Ngoài ra, một yếu tố không thể không nhắc đến là sự hỗ trợ của dòng tiền ngoại. Theo số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đến giữa tháng 3, khối ngoại đã mua ròng gần 547 triệu USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó bao gồm 485 triệu USD cổ phiếu và 61 triệu USD trái phiếu. Lũy kế đến hết quý I /2018, nhà đầu tư nước ngoài đã rót vào thị trường chứng khoán Việt Nam gần 589 triệu USD, tương đương khoảng 13.400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, quý I/2018 có 1.285 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 1,89 tỷ USD, tăng 121,6% so với cùng kỳ năm 2017; Trong đó có 732 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp 1,34 tỷ USD và 553 lượt góp vốn mua cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với tổng giá trị vốn góp 547,8 triệu USD.

Còn theo số liệu tổng hợp từ Tri thức trẻ, trong quý 1, khối ngoại đã mua vào 208 triệu cổ phiếu trên sàn giao dịch TP.HCM (HOSE) so với mức bán ròng 82 triệu cổ phiếu của q1/ 2017. Giá trị mua ròng đạt 9.656 tỷ đồng, gấp 3 lần so với mức 3.100 nghìn tỉ cùng kì.

Giao dịch của khối ngoại trên HNX trái ngược hoàn toàn với diễn biến trên Hose. 3 tháng đầu năm 2017, khối ngoại mua ròng 22,33 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng mức mua ròng 224 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong Q1 năm nay, khối này bán ra 23,69 triệu cổ tương ứng mức bán rồi 654,8 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại thị trường thế giới, quý đầu tiên của năm 2018 đã chứng kiến chứng khoán Mỹ biến động, có đợt tăng mạnh khi nhận định từ các quan chức Mỹ và Trung Quốc cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tái thương lượng về hàng rào thuế quan và tình trạng mất cân bằng thương mại.

Cụ thể, phiên giao dịch cuối cùng trong quý (29/3) trên thị trường chứng khoán phố Wall, chỉ số Dow Jones chốt ở 24.103,11 điểm, chỉ số S&P 500 ở 2.640,87 điểm và chỉ số Nasdaq Composite ở 7.063,45 điểm. Tính chung cả quý 1, Dow Jones giảm 2,3% và S&P 500 lùi 1,2% (quý giảm mạnh nhất trong hơn 2 năm), chỉ riêng Nasdaq Composite tăng 2,3%.

Tại châu Âu, phần lớn các thị trường chứng khoán cũng đồng loạt tăng điểm trở lại trong ngày 29/3 nhờ sự hỗ trợ của thông tin sáp nhập (M&A) của các hãng ô tô lớn. Cụ thể, Renault của Pháp đang đàm phán với Nissan của Nhật để tính tới chuyện hợp nhất. Sau thông tin này, cổ phiếu của hãng xe Pháp đã tăng 5,7%, lên mức cao hơn 10 năm. Đà tăng này cũng giúp lan tỏa sang các cổ phiếu ô tô khác như Daimler, Peugeot, Porsche và Volkswagen với mức tăng từ 3,4-4,4%./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top