Aa

Từ chuyện “tháp trăm tỷ” ở Thái Bình nghĩ về “phong trào” xây biểu tượng

Thứ Ba, 16/05/2017 - 03:33

Thời gian gần đây, dư luận, đặc biệt là những người con của quê lúa Thái Bình bàn tán xôn xao về chuyện tỉnh nhà sắp có công trình “Tháp biểu tượng”.

Theo thông tin mà lãnh đạo tỉnh trả lời báo chí thì dự án đã được Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất về chủ trương đầu tư và sẽ triển khai xây dựng trong khu công viên sinh thái phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình, kết nối quảng trường Thái Bình với tượng đài “Bác Hồ với nông dân” tạo thành quần thể các công trình kiến trúc, tạo điểm nhấn mang tính biểu tượng của Thái Bình, là điểm du lịch, thương mại, dịch vụ văn hóa và tâm linh của nhân dân.

Đặc biệt, mặc dù dự toán kinh phí xây dựng lên đến gần 300 tỷ đồng nhưng dự án sẽ được làm hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa với “sự đóng góp của những người con thành đạt từ quê lúa nên nó còn có ý nghĩa thể hiện tình yêu quê hương của những người con Thái Bình”. Và đến nay, tỉnh đã huy động được hơn 35 tỷ đồng.

Phối cảnh tháp biểu tượng 300 tỷ ở Thái Bình.

Phối cảnh tháp biểu tượng 300 tỷ ở Thái Bình.

Thông tin về mục đích, ý nghĩa, ý tưởng thiết kế của dự án nói như trên tưởng cũng đã là kín nhẽ (?!). Nguồn vốn xây dựng được “xã hội hóa”, kể ra thì cũng đã không “phạm” vào chỉ đạo tiết kiệm, chống lãng phí tiền ngân sách của Chính phủ (?!).

Nhưng đấy là nói xuôi! Còn nếu nghĩ ngược một chút, chúng ta sẽ thấy còn nhiều chuyện phải bàn.

Thứ nhất là về danh vị “Tháp biểu tượng”. Xin hỏi, tòa tháp này mang biểu trưng, biểu tượng gì của Thái Bình? Chẳng lẽ lại trả lời: biểu tượng là... biểu tượng ?!

Nếu nghe lời thuyết minh chung chung: “Công trình sẽ chuyển tải những nét tiêu biểu nhất của Thái Bình vào kiến trúc bên trong, như phần thân tháp có biểu tượng bông lúa thể hiện cho nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh trọng điểm sản xuất lúa gạo; ngọn tháp mang hình chiếc bút hướng lên nền trời thể hiện ý chí, khát vọng trong sự nghiệp…” thì rõ ràng là rất “mơ hồ” và chưa đủ tính thuyết phục.

Còn nếu nhìn vào thiết kế dự án thì cái tính “biểu tượng” lại càng không. Chẳng cần phải là kiến trúc sư người ta cũng dễ dàng nhận ra sự chắp vá về thiết kế và cảm giác “nhang nhác đâu đó”. Chẳng thế mà mang danh một công trình biểu tượng nhưng lại chẳng có vị kiến trúc sư nào “dám” đứng ra nhận mình là tác giả?

Thứ hai, đó là sự cần thiết của dự án. Nếu đây đơn thuần là một công trình phúc lợi xã hội tạo “điểm nhấn kiến trúc” cho đô thị thì liệu đã cần thiết chưa trong khi Thái Bình vẫn còn là một tỉnh nghèo, còn hàng loạt các dự án mang tính dân sinh, an sinh vẫn “chưa đâu vào đâu”? Còn nếu nó có thêm yếu tố là “một dự án thương mại của địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội” như lãnh đạo tỉnh khẳng định thì liệu dự án có khả thi về mặt kinh tế? Điều này cũng cần phân tích, đánh giá cụ thể và chứng minh một cách thuyết phục.

Cái “lý lẽ” mà dự án bám vào là tính chất “xã hội hóa”, không sử dụng ngân sách nhà nước cũng vẫn có những băn khoăn. Thái Bình sẽ huy động thế nào để có 300 tỷ “xã hội hóa” một cách đúng nghĩa là thành tâm hay lại phải đánh đổi bằng những ưu ái nọ này hoặc dùng “chiêu” ép uổng các Mạnh Thường Quân? Cũng nên nhớ, khi nói về việc các tỉnh huy động các nguồn lực xã hội hóa từ doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã từng nhắc nhở: “Dù xã hội hoá hay huy động nguồn lực của doanh nghiệp nói chung, đều là nguồn lực của đất nước, của quốc gia, không thể lãng phí...”

3 phương án thiết kế tháp Thái Bình.

3 phương án thiết kế tháp Thái Bình.

Nhìn chung, theo quan điểm của tôi, chủ trương xây dựng tháp biểu tượng của Thái Bình vẫn còn nhiều điểm bất cập cần bàn và có gì đó còn thể hiện sự vội vã, mang tính “phong trào”.

Vài năm trở lại đây, trên cả nước đã xuất hiện “phong trào” xây dựng các công trình, dự án bạc tỷ và được đặt cho những cái tên mỹ miều nào là “biểu tượng”, nào là “điểm nhấn” nhưng đều xây xong rồi bỏ hoang và trở thành “biểu tượng của sự lãng phí”.

Gần đây nhất, việc Thanh Hóa xin xây “Công viên văn hóa xứ Thanh” với tổng vốn vài ngàn tỷ (trong khi vẫn phải xin gạo cứu đói từ trung ương) hay Quảng Ninh xây “cổng tỉnh” vài trăm tỷ đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ dư luận xã hội.

Vì vậy, mong rằng lãnh đạo quê lúa Thái Bình hãy cân nhắc kỹ lưỡng về lợi và hại, về tính khả thi, về sự cần thiết trước khi quyết định xây dựng dự án này!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top