PV: Được biết ông mới có chuyến đi thực tế tại Australia cùng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong Chương trình vận động phát triển công trình xanh tại Việt Nam. Điều gì khiến ông ấn tượng nhất về xây dựng xanh của đất nước Kangaroo này?
Ông Trịnh Tùng Bách: Sau chuyến đi này, tôi càng thấm thía hơn câu chuyện xanh không chỉ bản thân công trình đó. Tôi rất ấn tượng với trình độ thi công, trình độ quản lý dự án cũng như vệ sinh công trường của Australia.
Bộ công cụ công trình xanh của Australia đã tiến xa hơn chúng ta nhiều, rất thực chất. Khi chúng ta còn chưa biết thiết kế công trình xanh như nào, quy hoạch ra sao, dùng giải pháp bị động, thụ động thế nào thì họ đã đi qua giai đoạn này.
Chuyến đi này, chúng tôi được tiếp cận với bộ công cụ Nabers của Australia. Bộ chứng nhận công trình xanh này rất khác biệt, chỉ cần đánh giá dựa trên hai tiêu chí quan trọng nhất là tiêu tốn bao nhiêu năng lượng và nước. Hai tiêu chí rất thực chất.
Về thiết kế, các công trình xanh ở đây không nằm ngoài những tiêu chí chúng ta đang áp dụng tại Việt Nam nhưng họ rất chú trọng đến quá trình thi công. Kỹ thuật thi công của họ đã đạt trình độ cao.
Tôi quan sát thấy công trường của Australia rất ít người. Mọi người làm việc nhẹ nhàng, thư thái và hầu hết là công nhân kỹ thuật cao, điều khiển máy móc là chính. Và đặc biệt, tôi thấy không hề có bụi và tiếng ồn trong công trường.
Thực sự ở Australia hay Singapore, phát triển công trình xanh đã tới giai đoạn chú trọng vào kết quả chứ không còn ở hình thức. Đây là điểm rất khác biệt, tạo ấn tượng mạnh cho tôi.
PV: Qua câu chuyện phát triển công trình xanh của Australia, ông đánh giá Việt Nam đang nằm ở giai đoạn nào trong cuộc cách mạng bất động sản xanh này?
Ông Trịnh Tùng Bách: Việt Nam đang ở những bước đầu tiên của phát triển xanh. Hiện đa số các chủ đầu tư vẫn nghĩ làm công trình xanh là tốn tiền. Thực tế phát triển dự án xanh có đội thêm chi phí nhưng lợi ích lâu dài rất lớn. Tuy nhiên do chưa đả thông được tư tưởng nên công trình xanh còn phát triển rất chậm ở Việt Nam. Có lẽ chúng ta cần 5-10 năm mới thay đổi được cục diện này.
PV: Chính sách của Chính phủ có vai trò rất lớn trong việc phát triển công trình xanh. Tại Australia, Chính phủ đã hỗ trợ thế nào để có những thành quả xanh như hôm nay, thưa ông?
Ông Trịnh Tùng Bách: Ví dụ như với bộ chứng nhận Nabers (Chương trình tiết kiệm năng lượng quốc gia của Australia) sẽ đánh giá công trình xanh từ 1 sao tới 6 sao tùy mức độ tiêu thụ năng lượng và nước.
Khi Australia đưa ra chương trình quốc gia này đã tạo nên một cuộc cách mạng trên thị trường bất động sản. Tất cả các dự án gắn chứng chỉ 5 sao trở lên không có đủ nhà để bán, văn phòng để cho thuê. Trong khi những tòa nhà, văn phòng không sao hoặc ít hơn 4 sao thì hầu như trống rất nhiều.
Thực ra Australia cũng đánh vào thực chất và đó là bài toán thực tế chứ không phải trên mây, trên gió.
PV: Sau chuyến đi này, ông có mong muốn áp dụng những bài học từ Australia để phát triển công trình xanh cho Tập đoàn Capital House?
Ông Trịnh Tùng Bách: Chắc chắn rồi, những cái lớn chúng ta cũng nắm được nhưng các chi tiết nhỏ thì phải học nhiều. Thực ra xanh là bước sau của chất lượng. Bao giờ công trình cũng phải đảm bảo chất lượng trước khi chúng ta nghĩ tới xanh. Chúng ta không thể nói chất lượng công trình kém lại xanh được.
Quay lại những dự án của Capital House, công trình muốn xanh một cách thực sự thì phải xanh từ bên trong, không chỉ dừng lại ở vỏ bên ngoài. Tất cả câu chuyện hạn chế, giảm thiểu tác hại tới môi trường trong quá trình thi công dự án của Australia là điều tôi ấn tượng nhất và muốn áp dụng vào Việt Nam.
Các bạn có thể tưởng tượng công trường ở đây sạch không thua đường phố. Xe ra, xe vào không hề có chút bụi. Không biết bao nhiêu lâu nữa Việt Nam mới được như thế, tuy nhiên chúng ta vẫn phải ước mơ và hướng tới cái đích này.
Thực ra có rất nhiều điều cần phải học, phải làm, không có bước đầu tiên thì không đi được các bước tiếp theo.
Như tôi đã chia sẻ, đừng nghĩ công trình xanh phải là áp dụng chứng chỉ nào, bộ công cụ nào. Nếu mình thiết kế công trình xanh nhưng thi công không xanh cũng không thể gọi là công trình xanh. Khi thi công gây ra nhiều bụi, tiếng ồn, người dân xung quanh khó chịu thì cũng không thể nói là xanh.
Đấy là điều tôi trăn trở nhất và muốn học tập Australia. Tất nhiên không thể ngày một, ngày hai bằng người ta luôn nhưng chúng ta có thể thay đổi từ điều nhỏ nhất như giải pháp chống bụi, giảm tiếng ồn hay hệ thống rửa xe ra vào công trường.
Capital House cũng đang nghiên cứu và áp dụng các giải pháp này trong những dự án tới. Có thể chúng ta làm ít nhưng phải làm thực chất. Khi làm thực chất mới nâng được giá trị công trình xanh lên, công trình không phải chỉ xanh ở vỏ mà tận sâu thẳm bên trong cũng phải xanh, dù không đơn giản để làm được điều này.
PV: Cảm ơn ông đã chia sẻ!