Ngột ngạt đô thị kiểu mẫu
Khi đến khu vực này tác nghiệp, phóng viên khá vất vả khi phải loay hoay tìm chỗ gửi xe, dù chỉ là xe máy. Đây là tình trạng chung của không ít các tòa nhà, người đến thăm nom người thân, bạn bè hay liên hệ công việc phải chạy hết tòa nhà này sang tòa nhà khác mới có được chỗ gửi.
Còn với ô tô, việc gửi xe còn khó hơn nhiều khi các bãi gửi xe lúc nào cũng ken đặc, bãi gửi dưới lòng đường nếu không là xe riêng đậu kín thì cũng chật chội bởi một cơ số xe taxi xí chỗ chờ khách.
Một thực tế nữa góp phần tạo nên sự chật chội, ngột ngạt cho cả con phố Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy (Hà Nội) là hầu hết các tòa chung cư lại đều có thêm vài tầng cho thuê văn phòng hoặc các văn phòng nằm xen kẽ với căn hộ của cư dân.
Tất cả xe máy, ô tô không cách nào khác là tràn ra các bãi gửi ở vỉa hè, lòng đường. Do được thiết kế từ sớm, hầu hết các tòa nhà ở đây chỉ có một tầng hầm làm bãi đỗ, chỉ tính nhu cầu của cư dân đã không đủ chưa nói đến hàng loạt văn phòng, nhà hàng song hành tồn tại.
Theo khảo sát của phóng viên, có không ít cư dân sau khoảng 10 năm sinh sống đã quyết định bán nhà để tìm đến các khu đô thị có mật độ cư dân thấp hơn. Tuy nhiên, có người chuyển đi thì cũng có không ít người săn các căn hộ tại đây để làm chốn an cư cho mình do tâm lý e ngại các dự án mới thiếu đồng bộ và những vấn đề về phí dịch vụ, tiện ích dân cư. Hiện mức giá bán các căn hộ tại đây cũng không hề rẻ, thậm chí còn cao hơn so với nhiều chung cư mới được xây dựng ở các khu lân cận.
“Các căn hộ ở đây có giá trung bình từ 27 - 29 triệu đồng/m2 (các tòa 17T), trên 30 triệu đồng/m2 với các tòa 24T, 32T. Mức giá này tuy so với thời mới bàn giao trên 40 triệu đồng/m2 là giảm nhiều, nhưng mức độ giảm thời gian gần đây hầu như không đáng kể, thậm chí còn tương đương so với các dự án mới.
Dù có mật độ cư dân cao, đây vẫn là khu đô thị mà nhiều người hướng tới vì cơ sở hạ tầng hoàn thiện”, chị Quỳnh Vân, nhân viên tư vấn Sàn giao dịch BĐS Hòa Bình cho biết.
Phố Hoàng Đạo Thúy trước đây chỉ có các toàn nhà 17T, 18T, 24 T nằm gọn bên một dãy phố, nhưng những năm gần đây, bên mặt phố đối diện mọc lên hàng loạt các tòa nhà đa chức năng, từ chung cư, văn phòng cho thuê đến trung tâm thương mại, dịch vụ, số tầng cũng cao hơn nhiều các tòa có trước, tất cả những điều này đã tạo nên sức ép lớn cho hệ thống cơ sở hạ tầng.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Văn bản số 3327, yêu cầu các đơn vị liên quan xác định quy mô dân số của các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Động thái này là rất cần thiết để hạn chế sức ép lên cơ sở hạ tầng cho các khu dân cư, đặc biệt là cho giao thông đô thị.
Áp lực nặng lên giao thông
Hiện nay, Hà Nội đang có nhiều tuyến phố dày đặc các tòa chung cư, tòa nhà hỗn hợp (chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại), các phố như Lê Văn Lương, Nguyễn Tuân, Trần Duy Hưng, Duy Tân… và sắp tới sẽ là Hoàng Minh Giám, Dương Đình Nghệ…, với nhiều dự án tòa nhà cao tầng đang được xây dựng. Ngay như Lê Văn Lương, vốn là trục đường xuyên tâm quan trọng, mặt đường được thiết kế rộng nhằm giải phóng và giảm sức ép giao thông cho Thủ đô ở cửa ngõ phía Tây thì giờ đây lại đang phải vật vã với lưu lượng phương tiện quá lớn.
Chỉ tính riêng đoạn đường từ đầu vành đai 3 đến cầu vượt Láng Hạ, đã có trên 10 tòa nhà cao tầng (chung cư, văn phòng).
Tuyến đường này hầu như lúc nào cũng đông, vào các giờ cao điểm thì tình trạng ùn tắc xảy ra rất phổ biến. Chỉ nhìn vào lớp lớp các tòa chung cư cao hàng chục tầng, cũng có thể lý giải được nguyên nhân của cái sự… “tắc”.
Trong một cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định: “Thực trạng giao thông của thành phố quá tải như hiện nay có nhiều nguyên nhân.Trong đó, có nguyên nhân là trước đây đã cho xây dựng nhiều nhà cao tầng trong khu vực nội thành, trong khi việc di dời các cơ sở, cơ quan, trường học, bệnh viện ra ngoại thành thực hiện chưa có hiệu quả”.Dân số tăng cao, đồng nghĩa số lượng các phương tiện tham gia giao thông cũng tăng.Theo các số liệu thống kê, Hà Nội hiện có trên 5,9 triệu xe máy và 530.000 ô tô, mỗi tháng có trên 2.000 ô tô và 6.000 xe máy đăng ký mới, chưa kể xe ngoại tỉnh và xe của các lực lượng công an, quân đội.
Trong một chia sẻ khác, Tiến sĩ Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình định cư con người Liên hợp quốc tại Việt Nam (UN-Habitat) cho biết: “Việc kiểm soát mục tiêu sử dụng đất trong quy hoạch, mới chỉ dừng lại ở kiểm soát mật độ, tần suất hay chiều cao của các công trình xây dựng; vạch ra lộ trình phát triển, năm nào thì sẽ mở rộng đến đâu và bao nhiêu lâu thì điều chỉnh các quy hoạch đó”. Có thể thấy, quy mô dân số - một yếu tố quan trọng trong phát triển đô thị lâu nay lại chưa được xem trọng.
Từ bài học của các khu đô thị kiểu mẫu như Trung Hòa - Nhân Chính, Linh Đàm và thực trạng quy hoạch nội đô, rõ ràng, bài toán về sự quá tải đang cần được giải quyết một cách tổng thể. Và việc yêu cầu xác định quy mô dân số các đồ án quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng là một việc làm cần thiết để tránh vỡ trận như câu chuyện của Trung Hòa - Nhân Chính hay Linh Đàm.