Aa

Từ kênh đào ở Amsterdam đến "thành lũy" ở ngọn núi cao 2.430m xứ Peru

Thứ Hai, 15/05/2017 - 20:31

Những con kênh nổi tiếng của Amsterdam không chỉ được “vẽ ra” để lôi cuốn khách du lịch mà nó là kết quả của sự quy hoạch rất tỉ mỉ. Khi Amsterdam bị “ngập lụt” với những người nhập cư vào những năm 1600, một chuỗi các con kênh đồng tâm hình bán nguyệt được xây dựng để trở th.ành lớp tường rào, quản lý nước và giao thông

Mới đây, tờ The Culture Trip đã đưa ra danh sách 9 thành phố có quy hoạch tuyệt vời nhất trên thế giới. Cũng không có gì ngạc nhiên khi những cái tên quen thuộc như Singapore, Amsterdam, Washington, Seoul... lọt vào danh sách danh giá này.

Tiếp nối phần 1 với các thành phố: Singapore (Singapore), Zurich (Thụy Sỹ), Copenhagen (Đan Mạch), Seoul (Hàn Quốc), Reatimes giới thiệu 5 quốc gia tiếp theo nằm trong "bảng xếp hạng" này. 

Chandigarh, Ấn Độ

Chandigarh đã từng là một trong những thành phố thuộc địa “’trụ cột” đầu tiên được quy hoạch ở Ấn Độ. Nơi này nổi tiếng với thiết kế kiến trúc và cả thiết kế quy hoạch. Tờ BBC thậm chí còn đưa một loạt bài về Chandigarh như thành phố xanh, sạch và thịnh vượng nhất Ấn Độ, một trong những thành phố ý tưởng thành công nhất trên thế giới.

Chandigarh được định hình sau khi Ấn Độ giành lại được độc lập và Punjab – vùng tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan, cần có một thủ đô mới. Chandigarh được thiết kế bởi KTS nổi tiếng người Pháp Le Corbusier, và Corbusier đã  để lại một mô hình quy hoạch như một cơ thể người, hoàn thiện với phần đầu (thủ đô), trái tim (trung tâm thành phố), lá phổi (không gian xanh mở của thung lũng), hệ tuần hoàn (mạng lưới các con đường và đường xe đạp) và những bộ phận khác nữa.

Amsterdam, Hà Lan

Những con kênh nổi tiếng của Amsterdam không chỉ được “vẽ ra” để lôi cuốn khách du lịch mà nó là kết quả của sự quy hoạch rất tỉ mỉ. Khi Amsterdam bị “ngập lụt” với những người nhập cư vào những năm 1600, một chuỗi các con kênh đồng tâm hình bán nguyệt được xây dựng để trở thành lớp tường rào, quản lý nước và giao thông. Không may rằng quy hoạch ban đầu đối với những con kênh đã bị thất lạc và các nhà sử học thì lại cho rằng những con kênh là tự nhiên sẵn có mà không phải do những nhà quy hoạch tạo ra.

Các con kênh được xây dựng giữa những năm 1613 và 1656 và chúng vẫn được sử dụng đến ngày hôm nay. Amsterdam được mở rộng thêm một lần nữa vào thế kỷ XIX với bản quy hoạch thành phố có mục đích tăng thêm số lượng nhà ở và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Ngày nay, việc lái xe trong trung tâm thành phố bị cấm hoàn toàn. Thay vào đó, có rất nhiều lựa chọn giao thông công cộng và văn hóa đi xe đạp rất phát triển ở thành phố này với nhiều chỗ để xe, gara và làn cho xe đạp.

Washington D.C, Hoa Kỳ

Vào năm 1791, một bản quy hoạch được tạo ra bởi NTK đô thị Major Pierre Charles L’Enfant để thiết kế thủ đô của Hoa Kỳ cho George Washington. Bản quy hoạch đó được gọi là quy hoạch L’Enfant, đã phát triển 10 dặm vuông đất để trở thành thành phố như ngày nay. Quy hoạch L’Ènant sau đó được duyệt lại bởi Andrew Ellicott và đặt Nhà Trắng song song với sườn núi đến sông Potomac (vì ông muốn công trình này lớn hơn gấp 5 lần so với bản thiết kế cũ) và mở rộng thêm các con đường trong mô hình quy hoạch ô bàn cờ.

Thành phố rơi vào lộn xộn vào đầu những năm 1900 và bản quy hoạch mới mang tên The McMillan được tạo ra để tái cấu trúc thành phố theo thiết kế của L’Enfant.

Thiết kế quy hoạch vốn đã khá tốt của thành phố có thể được sửa chữa lại tốt hơn để kiểm soát giao thông, theo một nghiên cứu năm 2010 cho rằng các công dân của Washington D.C mất 70 tiếng mỗi năm để chờ tắc đường và được gắn danh hiệu ùn tắc giao thông tệ nhất quốc gia.

Düsseldorf, Đức

Düsseldorf đã bị đánh bom vô cùng nặng nề trong suốt thế chiến thứ 2 nhưng sau đó, thành phố lại được xây dựng lại trong sự yên bình và phát triển kinh tế mạnh mẽ. Düsseldorf có kết nối khá tốt với hệ thống tàu hỏa phức tạp, bao gồm Deutsche Bahn, Rhein-Ruhr S-Bahn và Rheinbahn.

Thành phố này là một trung tâm của kiến trúc hiện đại với những tòa nhà Gehry độc đáo trên bến cảng. Những tòa nhà là một phần của dự án tái phát triển để mang lại cho thị trấn bến cảng một cuộc sống mới.

Machu Picchu, Peru

Mặc dù thành lũy của triều đại Inca vào thế kỷ 15 không còn nhưng nó vẫn là một mô hình quy hoạch đô thị kỳ diệu. Được xây dựng trên đỉnh của một ngọn núi cao 2.430m ở Peru, thành phố này được xây dựng cho hoàng đế Inca Pachacuti và tiếp tục được tái thiết lại để mang lại không gian thu hút khách du lịch như ngày nay.

Machu Picchu có một hệ thống quản lý nước được xây dựng một cách đáng ngạc nhiên bao gồm các con kênh, mương, nền đất cao và đá vụn – những thứ giúp hạn chế ảnh hưởng của mưa nặng hạt phá hủy thành phố. Các tòa nhà cũng được xây dựng đặc biệt để chống chịu lại những chấn động địa chất như động đất.

Và đế chế Inca đã làm tất cả những điều đó mà không hề có máy ủi. Machu Picchu được phát hiện vào năm 1911. Ngày nay nó là một trong những Di sản văn hóa vât thể của thế giới với khoảng 400 nghìn khách du lịch tham quan vào năm 2000.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top