Trong công văn gửi UBND các tỉnh/thành phố về rà soát quy hoạch đô thị và đánh giá chất lượng đô thị trong giai đoạn sắp xếp, sáp nhập xã phường, Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương dừng lập và thẩm định phê duyệt quy hoạch đô thị từ nay đến tháng 7/2025.
Theo như chủ trương được Trung ương thống nhất, chính quyền địa phương tổ chức theo 2 cấp, gồm cấp tỉnh (tỉnh, TP trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã/phường/đặc khu).
Hiện nay, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đang được sửa đổi, bổ sung để đồng bộ với mô hình 2 cấp chính quyền địa phương.

Bộ Xây dựng đề xuất dừng quy hoạch đô thị đến tháng 7/2025. Ảnh: Internet
Do đó, với các quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, UBND cấp tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện cho đến khi có quy hoạch mới thay thế, đây cũng vẫn là cơ sở triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng.
Đối với những quy hoạch đô thị chưa được duyệt, Bộ Xây dựng đề nghị UBND cấp tỉnh quyết định tiếp tục dừng hoặc dừng lập, thẩm duyệt đến khi luật mới có hiệu lực từ 1/7.
Những nội dung nếu tiếp tục thực hiện cần đảm bảo kế thừa quy hoạch mới sau khi tổ chức sáp nhập xã phường.
Sau khi xây dựng đề án sắp xếp các phường, UBND cấp tỉnh cần lưu ý đồng bộ về mặt hạ tầng đô thị cũng như định hướng phát triển không gian đô thị trên tinh thần "hạn chế tối đa xáo trộn hạ tầng, ảnh hưởng chất lượng sống của cư dân đô thị".
Đối với trường hợp sáp nhập xã với các phường hiện hữu, Bộ Xây dựng đề nghị ưu tiên chọn khu vực được định hướng phát triển thành phường, đã đầu tư cơ bản hạ tầng đô thị.

Quy hoạch đô thị là nền tảng tạo lập chất lượng cuộc sống bền vững. Ảnh: Internet
Quy hoạch đô thị không chỉ là bài toán kỹ thuật mà còn là nền tảng tạo lập chất lượng sống bền vững cho cư dân đô thị.
Về bản chất, quy hoạch đô thị là quá trình tổ chức không gian đô thị một cách có hệ thống – bao gồm kiến trúc, cảnh quan, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội, cũng như phát triển nhà ở – nhằm tạo ra môi trường sống hiệu quả, an toàn và hài hòa cho cộng đồng.
Đây chính là cơ sở pháp lý và kỹ thuật để triển khai các loại quy hoạch: Từ quy hoạch chung toàn đô thị, quy hoạch phân khu đến quy hoạch chi tiết từng khu vực. Một bản quy hoạch tốt không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn hướng tới phát triển cân bằng giữa các khu vực, sử dụng tài nguyên hợp lý và hạn chế tối đa việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích phi nông nghiệp một cách tràn lan.
Trong khi đó, hệ thống tổ chức hành chính cũng đang bước vào một giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ. Theo định hướng của Trung ương, các đơn vị hành chính cấp huyện sẽ chính thức chấm dứt hoạt động từ ngày 1/7, khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi năm 2025) bắt đầu có hiệu lực. Đáng chú ý, quy mô cắt giảm được đánh giá là chưa từng có: dự kiến số lượng đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước sẽ giảm từ hơn 10.000 xuống chỉ còn khoảng 5.000, tương đương mức tinh gọn từ 60–70% so với hiện trạng.