Aa

Tu nghiệp sinh sau khi về nước sẽ được hỗ trợ việc làm như thế nào?

Thứ Tư, 01/03/2017 - 21:00

Ngày 1/3, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đã có buổi làm việc thứ 2 với Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông & Du lịch Nhật Bản, tiếp tục bàn về Dự án "Phát triển Đào tạo – Giáo dục trong khuôn khổ chương trình Tiếp nhận công nhân xây dựng nước ngoài". Buổi làm việc do ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam chủ trì.

Tại buổi làm việc, đại diện Nhật Bản tiếp tục bàn về nội dung giáo trình đào tạo chuyên môn cho các tu nghiệp sinh tại Nhật Bản. Theo đó, hai bên thống nhất, trong đào tạo chuyên môn cần sự kết hợp chặt chẽ giữa bên tuyển dụng và bên xuất khẩu lao động.

Đại diện Nhật Bản đề xuất, trong tài liệu về đào tạo chuyên môn, cần hiểu rõ các khái niệm về dụng cụ, vật liệu và các từ ngữ chuyên môn khác. Nội dung giáo trình cũng sẽ đề cập đến việc hướng dẫn cách đọc bản vẽ, đề cập đến công việc, quy trình cũng như tiến độ của công việc. Một nội dung đáng chú ý khác liên quan đến an toàn và vệ sinh đối với cả quá trình lao động, dụng cụ lao động và bản thân người lao động.

Quá trình lập giáo trình cần đảm bảo nội dung dễ hiểu, diễn đạt rõ ràng để tu nghiệp sinh hiểu được từ ngữ chuyên môn một cách chính xác. Trong phần đọc bản vẽ thiết kế, để tu nghiệp sinh dễ dàng đọc được, cần hình vẽ minh họa. Từ chuyên môn sẽ được giảng dạy nhưng cũng cần chú ý đến tính chính xác khi chuyển nghĩa tiếng Việt, phải rõ ràng để tu nghiệp sinh có thể hiểu đúng.

Đại diện Nhật Bản cho biết, tài liệu giáo trình ngoài dùng để đào tạo tu nghiệp sinh còn là một phần nội dung của bài kiểm tra.

Trong giáo trình đào tạo, các định nghĩa về vật liệu còn có thêm cách sử dụng và tính năng của vật liệu đó; Định nghĩa từ chuyên môn phải trên cơ sở khái niệm về tiến độ, thời gian thi công. Đồng thời thông báo trước những sự việc có thể xảy ra ở công trường nhiều khả năng không giống với từ ngữ được giảng dạy trong sách giáo khoa.

Trong bản vẽ của Nhật có nhiều ký hiệu khác biệt, việc học và hiểu những ký hiệu này cũng rất quan trọng. Cho nên, giáo trình cũng phải hướng dẫn được cho tu nghiệp sinh hiểu được quy tắc cũng như ý nghĩa của các ký hiệu đó.

Về vấn đề an toàn lao động (Biển báo, biển chỉ dẫn, quy định về an toàn), giáo trình sẽ hướng tới việc đưa ra nội dung giải thích các công đoạn của một công việc, trong công việc nhỏ đó sẽ có những bước như thế nào, kèm theo hình ảnh chi tiết để diễn giải cho các tu nghiệp sinh dễ hình dung.

Trong từng công đoạn công việc, các tu nghiệp sinh có thể thường xuyên mắc sai lầm, phía Nhật sẽ bổ sung phần nội dung này đồng thời đưa ra cách giải quyết cho từng tình huống vào giáo trình.

Buổi làm việc do ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam chủ trì.

Buổi làm việc do ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam chủ trì.

Mục tiêu chính mà buổi làm việc thứ 2 hướng tới là hai bên sẽ thảo luận về việc sau khi tu nghiệp sinh đến Nhật, phía Nhật sẽ hỗ trợ hợp tác như thế nào.

Về vấn đề này, phía Nhật Bản đã khảo sát, làm việc với các nước khác và thống nhất cần khảo sát tình hình các tu nghiệp sinh sau khi về nước.

Phía Nhật Bản cho rằng, việc tạo điều kiện cho các em tu nghiệp sinh từ Nhật về cần có chứng chỉ đào tạo, điều này là một trong những yếu tố nâng cao khả năng thăng tiến nghề nghiệp của các tu nghiệp sinh khi về nước.

Theo phản ánh của các nước có tu nghiệp sinh tại nước ngoài, khi về nước, thu nhập của tu nghiệp sinh chưa cao, điều kiện làm việc không như mong muốn nên rất cần có chính sách nào đó để giải quyết vấn đề này.

Từ những lý do nêu trên, phía Nhật Bản đề xuất:

Sẽ hỗ trợ bằng cách kết nối việc làm cho các tu nghiệp sinh kết nối giữa doanh nghiệp với các tu nghiệp sinh, tạo điều kiện để tu nghiệp sinh có việc làm sau khi về nước.

Lập hệ thống hỗ trợ kết nỗi giữa nhà tuyển dụng liên quan đến xây dựng và tu nghiệp sinh về nước.

Thông qua các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp này sẽ tuyển dụng trực tiếp; có thể tư vấn cho những doanh nghiệp này ưu tiên trong việc tuyển dụng tu nghiệp sinh từ Nhật về. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp Nhật Bản tuyển dụng trực tiếp, có thể thực hiện hỗ trợ thường xuyên, cần có một điều kiện nào đó, việc thực hiện ngay trong bối cảnh này phía Nhật cho là chưa thể được. Bởi ngay cả bản thân doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam, việc tuyển dụng một cách liên tục cũng không có gì đảm bảo.

Hỗ trợ để các tu nghiệp sinh có cơ hội nâng cao trình độ, ví dụ như những em đã học ở Nhật được đưa đến công trường để học thêm, nâng cao chuyên môn. Tuy nhiên, phía Nhật Bản nhận thấy, những gì các em học ở Nhật và thực tế ở công trường Việt Nam khác nhau nên việc này cần phải bàn thêm.

Hỗ trợ cấp chứng chỉ nghề: Có thể thực hiện thông qua việc trao học bổng cho các bạn xuất sắc, cung cấp chứng chỉ cho các bạn đang làm ở vị trí giám sát công trường… Tuy nhiên, việc trao chứng chỉ có thể chỉ giới hạn ở một số đối tượng chứ không thể phổ cập rộng rãi.

Trong thời điểm hiện nay, cách nhanh nhất, hiệu quả nhất có lẽ là việc hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp để mở rộng cơ hội việc làm cho các tu nghiệp sinh. Về kế hoạch trung và dài hạn, phía Nhật Bản hy vọng sẽ có một hoạt động hỗ trợ mang tính dài lâu.

Đánh giá về các đề xuất của Nhật Bản, ông Nguyễn Văn Hiệp, Công ty phát triển nhân lực Vinaconex, cho biết: Trong quá trình đào tạo lao động xây dựng, một trong những cái khó đó là từ ngữ chuyên ngành khiến lao động sang làm việc tại Nhật Bản gặp nhiều bỡ ngỡ. Chúng ta có thể làm từ điển tương đối gọn nhẹ, đưa vào trong đó những từ ngữ cần thiết về ngành xây dựng, sau khi học xong có thể mang theo bên người để phục vụ cho quá trình làm việc, giao tiếp và có thể trau dồi vốn từ hàng ngày.

Ông Trần Ngọc Quang – Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, đại diện cho phía Việt Nam đề xuất cần xây dựng được cơ sở dữ liệu của các tu nghiệp sinh khi về nước.

Ông Trần Ngọc Quang – Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, đại diện cho phía Việt Nam đề xuất cần xây dựng được cơ sở dữ liệu của các tu nghiệp sinh khi về nước.

Việc kết nối cho lao động sau khi về nước là việc làm cấp thiết. Trước mắt, doanh nghiệp Nhật Bản cũng cần tạo việc làm cho các em tu nghiệp sinh. Sau khi các em về nước, chúng tôi sẽ giới thiệu việc làm cho các em trong một giới hạn nào đó.

Ông Đoàn Văn Minh, đại diện CEO Group nhất trí với ý kiến của ông Hiệp cũng như hoàn toàn đồng ý với các giải pháp trung và dài hạn mà bên Nhật Bản đưa ra. Theo ông Minh, bản thân doanh nghiệp cũng đang có kế hoạch thực hiện các giải pháp đó.

Ông Minh cho biết, rất nhiều tu nghiệp sinh về nước nhưng không làm đúng ngành nghề mà các em đã được học. Đó là một trong những lãng phí rất lớn, nhưng cũng do xuất phát từ thực tế các ngành được đào tạo tại Nhật Bản mang tính chất chuyên môn hóa rất sâu. Khó khăn đầu tiên là bởi, khi trở về nước, rất ít công trường tại Việt Nam có công nhân làm chuyên một việc.

Thứ hai, các em xuất thân từ nhiều địa phương khác nhau, trong khi các công trình lại tập trung ở thành phố lớn. Nếu các em tiếp tục làm việc đã được đào tạo phải chấp nhận làm việc xa nhà.

Hơn nữa, các em sau khi về nước cũng đã đến tuổi lập gia đình, cho nên cũng phải tính toán việc chọn lựa nơi làm việc đảm bảo mức thu nhập có thể giúp các em trang trải cuộc sống. Có nhiều em lựa chọn làm việc gần gia đình, mức thu nhập cao nên không còn làm đúng công việc đã được đào tạo.

Riêng đối với CEO Group, theo ông Minh, hiện nay, đơn vị này cam kết, các em tu nghiệp sinh khi hoàn thành hợp đồng về nước sẽ được hỗ trợ việc làm cũng như đào tạo nâng cao về ngôn ngữ, trình độ tại các nhà máy, công trường. “Ít nhất đối với những tu nghiệp sinh của CEO, chúng tôi sẽ hỗ trợ các khóa đào tạo nâng cao và hỗ trợ việc làm miễn phí. Tôi coi đó là trách nhiệm của đơn vị phái cử lao động sang nước ngoài tu nghiệp nhằm tạo sự tin tưởng để các em yên tâm học tập và làm việc. Về lâu dài, cần thiết lập ra tổ chức, hệ thống, trường đào tạo nâng cao về cả ngôn ngữ lẫn kỹ năng cho các tu nghiệp sinh”, ông Minh nhấn mạnh.

Đại diện FLC thì cho rằng, trước khi các tu nghiệp sinh sang Nhật, có thể định hướng luôn cho các em, nếu xác định theo ngành xây dựng thì sau khi về nước, sẽ có những đơn vị nào có thể tiếp nhận họ. Công tác định hướng là rất quan trọng để có thể “giữ chân” các em tiếp tục làm việc trong ngành xây dựng.

Hai bên chụp ảnh kỷ niệm buổi hội thảo thành công tốt đẹp.

Hai bên chụp ảnh kỷ niệm.

Để thực hiện điều này, nên thành lập nhóm các doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận các thực tập sinh sau khi về nước, đưa ra các chính sách, đãi ngộ, điều kiện để các em sau khi về nước có thể làm được.

Ông Eiji Aoki, đại diện phía Nhật Bản ủng hộ đề xuất lập từ điển của Việt Nam. Trong cuộc họp tới, vị này mong hai bên có thể phác thảo được nội dung của cuốn từ điển này và mong muốn nhận được góp ý của Việt Nam. Về việc này, phía Việt Nam cho rằng, để tiết kiệm thời gian, nên làm một cuốn từ điển tiếng Nhật rồi chuyển nghĩa sang tiếng Việt và phía Việt Nam sẽ tham gia hỗ trợ.

Ông Trần Ngọc Quang – Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, đại diện cho phía Việt Nam đề xuất cần xây dựng được cơ sở dữ liệu của các tu nghiệp sinh khi về nước. Nếu có cơ sở dữ liệu, tu nghiệp sinh khi về nước sẽ có đầu mối để tuyển dụng, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có đầu mối tìm kiếm nhân lực và phía Nhật Bản thông qua đó cũng nắm được hiệu quả đào tạo của họ cho các tu nghiệp sinh đạt đến mức nào. Phải làm sao cho hệ thống này hướng đến việc kết nối, hỗ trợ việc làm cho các tu nghiệp sinh sau khi về nước, xác định rõ mục tiêu, đối tượng để tránh bị lẫn vào các website tuyển dụng.

Tiếp thu đề xuất của đại diện Việt Nam, tại buổi làm việc, phía Nhật Bản đã trình bày về hệ thống cơ sở dữ liệu mà họ đã xây dựng. Theo đó, hệ thống này cung cấp dữ liệu cho cả người sử dụng lao động và người lao động.

Lợi ích khi sử dụng hệ thống này, theo phía Nhật Bản là các doanh nghiệp có thể nâng cao khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp, tuyển được công nhân có kinh nghiệm về xây dựng làm việc tại Nhật Bản vào làm việc; Tìm kiếm được thông tin về người lao động (quốc tịch, học vấn, kinh nghiệm…); Tu nghiệp sinh sau khi về nước có thể đăng ký vào hệ thống này, các thông tin của các em sẽ được giới thiệu tự động đến các doanh nghiệp.

Phía Nhật Bản cho biết, hiện nay có đến 80% doanh nghiệp Nhật Bản đăng ký sử dụng hệ thống này. Ưu thế của hệ thống là sử dụng 24/24 và miễn phí. Các bên có thể trực tiếp đăng ký vào hệ thống.

Tuy nhiên, khi làm hệ thống này cho 3 nước thì có hiện tượng, nhiều doanh nghiệp đăng ký với nhiều nội dung, tuyển ở nhiều vị trí gây khó khăn cho người lao động. Mục đích của hệ thống không phải thu hút nhiều người đăng ký mà là kết nối đúng đối tượng cho các bên. Sắp tới, hệ thống này sẽ được cải tiến thêm để người lao động có thể kiểm tra thông tin về doanh nghiệp. Được biết, thời gian chạy thử hệ thống vào ngày 20/3.

Kết thúc hơn một ngày làm việc, hai bên đã thống nhất được một số nội dung, theo đó, đồng ý việc cần đào tạo nội dung cơ bản cho học viên trước khi sang Nhật. Trong đó đào tạo tiếng là rất quan trọng, trong vòng 4 tháng phải đạt tối thiểu trình độ N5, 6 tháng đạt N4. Thống nhất sử dụng tài liệu chính là Mina no Nihongo; tài liệu phụ sẽ được phía Việt Nam khảo sát, lựa chọn. Sau tháng 3, phía Nhật sẽ hoàn thiện giáo trình và hoàn chỉnh nội dung các bên đã thảo luận.

Ông Yusuke Miyasaka, đại diện Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông & Du lịch Nhật Bản cho biết, trong quá trình hoàn thiện giáo trình và hệ thống cơ sở dữ liệu, hai bên sẽ cùng ngồi lại đóng góp ý kiến. Chương trình này cần sự kết nối thường xuyên liên tục, hy vọng hai bên sẽ tạo thành mạng lưới hợp tác một cách bền vững để chương trình đạt hiệu quả tốt.

Kết thúc buổi làm việc, ông Trần Ngọc Quang gửi lời cảm ơn đến các đại biểu, công ty tư vấn và doanh nghiệp Nhật Bản cũng như các doanh nghiệp đại diện Việt Nam đã tham gia tích cực để Hội thảo thành công tốt đẹp. Ông Quang nhấn mạnh: “Đây là chương trình thực sự bổ ích và có giá trị, mang tính lâu dài, phục vụ con người. Chúng tôi chắc chắn trong thời gian tới sẽ nỗ lực tham gia nhiệt tình vào chương trình này”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top