Aa

VNREA làm việc với Nhật Bản về dự án hợp tác đào tạo, trao đổi công nhân xây dựng: Cần đào tạo gì trước khi gửi tu nghiệp sinh sang Nhật Bản?

Thứ Ba, 28/02/2017 - 15:01

Sáng 28/2, tại tháp CEO Group, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đã có buổi làm việc với Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông & Du lịch Nhật Bản về nội dung xoay quanh Dự án "Phát triển Đào tạo – Giáo dục trong khuôn khổ chương trình Tiếp nhận công nhân xây dựng nước ngoài".

Tham dự buổi làm việc, phía Hiệp hội BĐS Việt Nam có sự tham gia của TS. Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch hiệp hội; TS. Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký hiệp hội; cùng đại diện các doanh nghiệp 2 nước. 

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Nhật Bản cho biết, do trong năm 2020, Nhật Bản sẽ đăng cai tổ chức Olympic và Paralympic nên cần phải xây dựng rất nhiều công trình phục vụ cho sự kiện quan trọng này, tuy nhiên Nhật Bản đang gặp khó khăn trong vấn đề nguồn lực lao động, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng.

Để khắc phục được tình trạng này, Nhật Bản đã lên một kế hoạch khẩn cấp, lập nên chương trình đào tạo cho tu nghiệp sinh ngành xây dựng, hướng tới việc xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực xây dựng được tốt hơn và số lượng tu nghiệp sinh lớn hơn đặc biệt là từ Việt Nam. 

Đại diện Nhật Bản phát triển tại buổi làm việc

Đại diện Nhật Bản phát triển tại buổi làm việc

Ông Miasaki - đại diện Ban đối ngoại, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho biết, trong những năm gần đây, có nhiều tu nghiệp sinh và người lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong lĩnh vực xây dựng và được đánh giá cao bởi họ rất chăm chỉ và làm việc nghiêm túc. Điều này sẽ còn tuyệt vời hơn nữa nếu các tu nghiệp sinh được đào tạo một số nội dung cơ bản khi còn ở trong nước, trước khi sang Nhật Bản để đến khi sang Nhật Bản có thể bắt tay vào làm việc luôn.

“Chính vì vậy mà chúng tôi mong rằng buổi làm việc ngày hôm nay của chúng ta sẽ có thể xây dựng được nhiều ý kiến đóng góp cho chương trình đào tạo để những nội dung này có thể mang lại hiệu quả trong việc đào tạo các tu nghiệp sinh. Chúng tôi hy vọng dự án này sẽ kéo dài trong tương lai”, ông Miasaki nói.

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Đại diện cho phía Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - ông Phan Hữu Thắng cho biết, phía Việt Nam đánh giá cao chương trình hợp tác đào tạo tu nghiệp sinh đưa sang Nhật Bản.

“Chúng tôi rất mừng khi nghe ý kiến đánh giá cao các tu nghiệp sinh Việt Nam từ phía Nhật Bản và việc các bạn có thiện chí muốn kéo dài chương trình hợp tác này trong tương lai. Để chương trình được thực hiện thành công, tôi cho rằng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước, ở cả 2 phía tiếp nhận lao động và phía cử lao động đi. Chúng tôi mong muốn rằng ngày hôm nay chúng ta có thể đóng góp ý kiến để phù hợp với điều kiện của 2 bên và cùng đạt được mục tiêu đặt ra” - ông Phan Hữu Thắng nói.

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - Phan Hữu Thắng (bên phải) và  Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam - Trần Ngọc Quang

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - Phan Hữu Thắng (bên phải) và Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam - Trần Ngọc Quang

Trong khuôn khổ ngày làm việc đầu tiên, hai bên sẽ trao đổi về việc sẽ đào tạo gì cho tu nghiệp sinh trước khi gửi sang Nhật Bản làm việc. 

Theo đại diện Nhật Bản, hiện nay, dù phần lớn tu nghiệp sinh và lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản đều được đánh giá cao. Tuy nhiên để khắc phục những bất cập còn gặp phải, cần phải xây dựng được một chương trình đào tạo trước khi đưa tu nghiệp sinh đi nước ngoài với những bộ tiêu chuẩn đồng bộ. Cụ thể là đào tạo về tiếng Nhật, văn hóa Nhật, Pháp luật và Các quy tắc An toàn lao động cũng như Kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn. 

Hai bên đã thống nhất sẽ bàn bạc sâu hơn những nội dung này để xây dựng được bộ giáo trình phù hợp với điều kiện của cả 2 phía. 

Phân tích sâu hơn về 4 nội dung cơ bản để đào tạo cho tu nghiệp sinh trước khi sang Nhật Bản làm việc, phía Nhật Bản đề xuất: 

Việc học  tiếng, ngoài học theo giáo trình thì nên để cá em luyện tập tiếng với giáo viên người Nhật. Để nâng cao khả năng giao tiếp, có thể quy định trong giờ học không nói tiếng Việt. Thời gian cần thiết khoảng 500 giờ học để các tu nghiệp sinh đạt được trình độ N4. 

Việc học văn hóa, nên tạo điều kiện cho các tu nghiệp sinh đến thăm nhà người Nhật ở Việt Nam để hiểu được cuộc sống của người Nhật. Ngoài ra, bổ sung thêm tài liệu giảng dạy như cho các tu nghiệp sinh đọc truyện hay xem phim. Việc giảng dạy phải được thực hiện hàng ngày (khoảng 30 phút).

Việc đào tạo kiến thức pháp luật, nên để các tu nghiệp sinh hiểu về chính sách, pháp luật của nước Nhật. Nhưng giảng dạy về pháp luật sẽ được nhắc lại trước khi sang Nhật. Thời gian giảng về pháp luật đề xuất 1 tháng/1 lần.  Sau đó sẽ thực hành để kiểm tra các tu nghiệp sinh chắc chắn hiểu về pháp luật.

Nội dung về an toàn vệ sinh, nên cho các tu nghiệp sinh mặc thử đồ an toàn lao động. Nội dung nên thực hiện hàng ngày, mỗi ngày 30 phút.

Tổng hợp 4 nội dung sẽ tốn khoảng 600h, khoảng hơn 4 tháng, mỗi ngày từ 6 - 8 tiếng.

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Nhận xét về đề xuất của phía Nhật Bản, ông Đoàn Văn Minh - đại diện CEO Group cho biết: "Là doanh nghiệp đầu tiên tuyển sinh ngành xây dựng, qua thực tế đã làm, chúng tôi tự xây dựng chương trình đào tạo tiếng Nhật là 6 tháng, mục tiêu cố gắng hướng tới là N4. Thực tế sau 5 năm mới đạt được N5 khi xuất cảnh sang Nhật. Có đối tượng 6 tháng, có đối tượng 9 tháng. Số 6 tháng đạt N4 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó, mục tiêu 4 tháng đạt N4 chỉ là mục tiêu lý tưởng, chưa phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Ở Việt Nam, chủ yếu các lao động mới tốt nghiệp cấp 3, tức lĩnh vực phổ thông. Các em đã làm lĩnh vực xây dựng rồi chỉ chiếm 10-20%. Do đó, với đầu vào như vậy thì đào tạo tiếng Nhật khó hơn. Chúng tôi đào tạo liên tục trong vòng 6 tháng. Do đó, tôi đề xuất tối thiểu 6 tháng. Đối với nhiều đối tác thì N5 thật chuẩn và tiệm cận N4 về ngôn ngữ là chấp nhận được". 

Cũng theo  ông Đoàn Văn Minh, cần nâng cao tỷ lệ giáo viên người Nhật để nâng cao chất lượng đào tạo. Dần dần cũng nâng cao chất lượng đầu vào.

Theo TS. Phan Hữu Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, phía Việt Nam đề xuất 6 tháng là đủ các chương trình, nếu chỉ học riêng ngoại ngữ thì mất quá nhiều thời gian, không thuận lợi cho học viên.

TS. Trần Ngọc Quang  - Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, hai bên nên bàn với nhau kỹ lưỡng về việc lựa chọn  giáo trình để phù hợp với điều kiện N4 mà phía Nhật yêu cầu, bởi tài liệu hiện tại chỉ giúp tu nghiệp sinh đạt được trình độ N5 hoặc hơn một chút. Phía Việt Nam sẽ thống nhất lại và đưa đề xuất. 

Kết thúc ngày làm việc đầu tiên, hai bên đã thống nhất được một số nội dung, theo đó, đồng ý việc cần đào tạo nội dung cơ bản cho học viên trước khi sang Nhật. Trong đó đào tạo tiếng là rất quan trọng, trong vòng 4 tháng phải đạt tối thiểu  trình độ N5, 6 tháng đạt N4. Thống nhất sử dụng tài liệu chính là Mina no Nihongo; tài liệu phụ sẽ được phía Việt Nam khảo sát, lựa chọn. 

Thời gian tới, 2 bên sẽ bàn bạc thêm chi tiết các nội dung này. 

Ngày mai (1/3), phiên làm việc thứ hai sẽ tiếp tục diễn ra, bàn về việc hỗ trợ việc làm cho tu nghiệp sinh sau khi về nước. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top