Aa

Từ phá dỡ đến phá hủy!

Thứ Ba, 18/02/2020 - 09:00

Việc cưỡng chế vội vã trước Tết kia liệu có còn những giá trị nhân văn và nhân đạo vốn rất sẵn có trong mỗi người dân Việt Nam?

Tháng 6 năm ngoái, vào dịp ngày Quốc tế Thiếu nhi 2019, những ai ở Hà Nội không ít người đã bất ngờ khi nhận được thông tin: Công viên nước hiện đại nhất Thủ đô chính thức đi vào hoạt động. Quả là một thông tin vui, vì đã nhiều chục năm nay, Hà Nội luôn có lỗi với trẻ thơ bởi thiếu nơi vui chơi giải trí cho các cháu.

Công viên nước ấy có tên là Thanh Hà, nằm trên một khu đất được quy hoạch là đất công cộng tại phường Phú Lương, quận Hà Đông, liền kề với những công trình nhà ở của khu đô thị Thanh Hà, do Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (gọi tắt là Công ty Cienco 5) đầu tư xây dựng.

Công viên là một tổ hợp vui chơi giải trí đa dạng, nhiều màu sắc với nhiều trò chơi mạo hiểm, hấp dẫn cùng những thiết kế độc đáo, như đường trượt 4 làn, đường trượt xoắn ốc, vòng xoáy khổng lồ, sông lười, hố đen vũ trụ, máng trượt khổng lồ, khu vui chơi gia đình, khu trò chơi đu quay ngựa, khu tạo sóng nhân tạo…

Nhưng đến hôm nay, cái công viên nước được mang danh “hiện đại nhất Thủ đô” ấy đã trở thành một nơi tan hoang, đổ nát.

Người lớn thì xót xa, các cháu thì ngơ ngác. Những đôi mắt trẻ thơ sẽ không bao giờ hiểu nổi, tại sao một nơi thích thú như thế, hấp dẫn như thế, đáng yêu như thế lại bị người lớn phá bỏ. Chẳng lẽ những người lớn kia chưa từng bao giờ làm trẻ con sao?

Còn người lớn thì quay ra tranh luận với nhau về đúng sai, về có tâm hay không có tâm, về tầm nhìn rộng và tầm nhìn hạn hẹp, về những lời lẽ đanh thép và sự đùn đẩy trách nhiệm...

Công viên nước Thanh Hà sau khi bị dỡ bỏ các hạng mục (Ảnh: Zing.vn) 

Trên Reatimes đã đăng bài Vụ phá hủy công viên nước Thanh Hà và cái tâm của người lãnh đạo của nhà báo Bùi Văn Doanh. Trong bài viết này, tôi xin không nhắc lại những gì đã xảy ra mà chỉ xin phân tích ở góc độ đạo lý, đó là có nhất thiết phải phá hủy cái công viên nước ấy không; và về góc độ pháp lý, đó là lý xung quanh các cụm từ “tháo dỡ”, “phá dỡ” và “phá hủy”.

Về đạo lý, đầu tiên phải nhắc lại cái lỗi của người lớn đối với trẻ thơ Thủ đô trong nhiều thập niên, đó là thiếu những nơi tạo thêm niềm hạnh phúc cho các cháu. Đành rằng, đất đấy là đất công, đành rằng công viên nước ấy đã vi phạm pháp luật về quản lý xây dựng đô thị, nhưng khi phá đi, ai sẽ đền bù cho các cháu về sự mất mát này?

Giả định mảnh đất này ngay sau khi cưỡng chế, chính quyền quận Hà Đông sẽ lập tức đủ nguồn lực tài chính, sử dụng để biến chúng thành một công viên, hoặc thành một nơi vui chơi giải trí mới, dù không bằng trước thì chắc là sự mất mát trong các cháu sẽ dịu bớt phần nào. Còn nếu vẫn tiếp tục để lại một bãi hoang tàn như hiện nay, khó tránh khỏi gieo vào tâm hồn các cháu một vết hằn của sự tàn nhẫn.

Lại nghe nói, chủ đầu tư đã nhiều lần khẳng định sẽ tự tháo dỡ để chuyển toàn bộ thiết bị trị giá 200 tỷ đồng kia về huyện Diễn Châu (Nghệ An), nhưng vì khối lượng thiết bị khổng lồ, lại vì quá cận Tết, không điều động được nhân công nên xin lùi thời hạn đến hết quý I/2020.

Như vậy, việc cưỡng chế vội vã trước Tết kia liệu có còn những giá trị nhân văn và nhân đạo vốn rất sẵn có trong mỗi người dân Việt Nam?

Đấy là chưa nói việc các em nhỏ ở huyện Diễn Châu kia đã bị cướp mất một cơ hội được hưởng thụ vui chơi trong một công viên nước hiện đại!

Còn về mặt pháp lý, không có gì phải bàn cãi, đây là công trình đã được thực hiện khi không có giấy phép xây dựng, theo luật là phải xử lý; đồng thời, trước thực trạng quy hoạch của Thủ đô “bị băm nát” thì những vụ việc như vậy phải xử lý nghiêm khắc.

Tuy nhiên, sự nghiêm khắc ấy không bao giờ đồng nghĩa là phải phá hủy mọi công trình sai phạm.

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý Nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.

Như vậy, cần phải xác định đây là lỗi chứ không phải là tội. Về lỗi công trình xây dựng không phép, Điều 28 quy định: “Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, trong thực tiễn, một công trình thường có phần xây và phần lắp. Phần xây thì không thể tháo dỡ mà phải là phá dỡ; còn phần lắp đặt thì hoàn toàn có thể tháo dỡ.

Tại công viên nước Thanh Hà, tiếc thay, đại bộ phận giá trị tài sản lại ở phần lắp đặt. Và hiện nay, không những nó không “được” tháo dỡ, cũng không phải là phá dỡ, mà là bị phá hủy.

Pháp luật thì rõ ràng như thế, vậy ai đã cho phép những máy ủi, máy xúc vô cảm kia hủy hoại tài sản của người khác?

Có một văn bản rất quan trọng của UBND quận Hà Đông số 5079/QĐ-CCXP do Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Ngọc ký ngày 24/12/2019, xác định: “Biện pháp khắc phục hậu quả phải thực hiện gồm: Tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng. Cụ thể...”. Hoàn toàn không có cụm từ “phá hủy”!

Như vậy, liệu có thể coi đây là hành vi “tự tung tự tác” của UBND phường Phú Lương?

Cũng không hẳn là thế, bởi sau khi nhận được văn bản của Công ty Cienco 5 về việc bồi thường thiệt hại các thiết bị bị phá hủy trái pháp luật, ngày 04/02/2020, UBND quận Hà Đông đã có văn bản trả lời như đinh đóng cột rằng, công tác cưỡng chế “đã xử lý toàn bộ các hạng mục công trình vi phạm theo đúng nội dung Quyết định số 5079/QĐ-CCXP ngày 24/12/2019 của UBND quận Hà Đông”.

Và ai cũng hiểu rằng, vụ việc này chắc chắn sẽ không thể kết thúc ngắn gọn bằng một văn bản như vậy để sinh ra một đống phế liệu trị giá 200 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top